Nâng cao nhận thức của người dân

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động, phong trào chống rác thải nhựa, tuy nhiên mới chỉ dừng ở việc tuyên truyền mà chưa có chương trình cụ thể để giảm thiểu một cách rõ rệt.

Chống rác thải nhựa:

Mới chỉ dừng ở khâu tuyên truyền

Gần 10 năm bán thịt lợn tại các chợ phiên của huyện vùng cao Bắc Hà và Mường Khương, vật dụng không thể thiếu của gia đình anh Lý Văn Công (thôn Làng Mới, xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà) là những chiếc túi ni-lông. Anh Công cho biết, mỗi ngày anh dùng hết 1 kg túi ni-lông, thậm chí nhiều hơn nếu người mua xin thêm để đựng thịt. Biết dùng túi ni-lông sẽ gây hại cho môi trường nhưng anh chưa biết chuyển sang sử dụng loại túi nào thay thế.

Thanh niên huyện Mường Khương tuyên truyền chống rác thải nhựa.

Thanh niên huyện Mường Khương tuyên truyền chống rác thải nhựa.

Theo quan sát của chúng tôi, tại chợ phiên Cốc Ly có khoảng 15 quầy bán thịt và quầy nào cũng có sẵn những bọc túi ni-lông dùng để đựng thịt bán cho khách. Ngoài ra, tại các quầy hàng khác trong chợ, việc sử dụng túi ni-lông vẫn phổ biến.

Ông Lèng Văn Chú, Phó Chủ tịch UBND xã Cốc Ly cho biết: Thực hiện chỉ đạo của cấp trên về giảm thiểu rác thải nhựa, UBND xã đã tuyên truyền tới người dân tại chợ nhưng chưa có chuyển biến vì chưa có loại túi khác thay thế túi ni-lông. Sau mỗi buổi họp chợ, chính quyền phải thuê người dọn rác thải và đưa đến lò đốt, trong rác thải có hơn nửa là túi ni-lông và đồ nhựa khác.

Ở huyện Bắc Hà, việc chống rác thải nhựa trong năm 2019 chủ yếu do Đoàn Thanh niên thực hiện lồng gắn với các chương trình tình nguyện “Ngày Chủ nhật xanh” và phong trào chống rác thải nhựa. Các cấp bộ đoàn đã tổ chức hơn 50 buổi tình nguyện ở cơ sở để vệ sinh môi trường, tuyên truyền tới người dân về chống rác thải nhựa và hạn chế sử dụng túi ni-lông, đồ nhựa dùng 1 lần; thành lập 21 đội, nhóm thanh niên tại các xã, thị trấn tham gia tuyên truyền về phân loại rác thải tại nguồn.

Còn tại thị xã Sa Pa, Đoàn Thanh niên được đánh giá cao trong việc tham gia các hoạt động tình nguyện “Ngày Chủ nhật xanh”. Màu áo xanh của thanh niên tham gia thu gom, phân loại rác thải nhựa tại các điểm du lịch đã trở nên quen thuộc với người dân và du khách, thu hút du khách tham gia giữ gìn môi trường.

Chị Sùng Thị Me, Phó Bí thư Thị đoàn Sa Pa cho biết: Đoàn Thanh niên thị xã Sa Pa trú trọng việc tham gia phân loại rác thải tại nguồn bởi công tác này tại Sa Pa còn khó khăn do thói quen, nhận thức của một số người dân chưa cao, còn sử dụng nhiều túi ni-lông. Biện pháp hiện nay của Đoàn Thanh niên chủ yếu là tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về chống rác thải nhựa.

Cần giải pháp đồng bộ

Theo Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Lào Cai, hiện nay trên địa bàn tỉnh có thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa và thị trấn Bát Xát tham gia phân loại chất thải tại nguồn. Dù toàn tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền về hạn chế rác thải nhựa nhưng qua việc phân loại và thu gom thì lượng rác thải nhựa chưa hề giảm.

Ở vùng cao, việc xử lý rác thải nhựa chủ yếu là đốt nên gây ảnh hưởng tới môi trường.

Ở vùng cao, việc xử lý rác thải nhựa chủ yếu là đốt nên gây ảnh hưởng tới môi trường.

Tại thị xã Sa Pa, công ty đã thực hiện phân loại rác thải từ hộ gia đình nhưng chất lượng phân loại rất thấp. Mặt khác, việc xử lý rác thải vô cơ (bao gồm cả túi ni-lông và đồ nhựa sử dụng 1 lần) hiện nay chưa có giải pháp nào ngoài việc chôn lấp. Bãi chôn lấp rác thải tại khu vực Ô Quý Hồ đang rơi vào tình trạng quá tải. Ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Xí nghiệp Môi trường Sa Pa cho biết: Tình trạng quá tải tại bãi xử lý rác thải của Sa Pa chưa có giải pháp tháo gỡ. Việc xây dựng bãi xử lý rác mới tại thị xã rất khó bởi không có quỹ đất. Xí nghiệp đang xin phương án, có thể sẽ vận chuyển toàn bộ rác thải về thành phố Lào Cai để xử lý thay vì chỉ vận chuyển rác hữu cơ như hiện nay.

Còn tại thành phố Lào Cai, ngay trong các siêu thị lớn, nhỏ, các chợ và cửa hàng tạp hóa, việc sử dụng túi ni-lông vẫn phổ biến. Một nhân viên bán hàng tại siêu thị VinMart (phường Kim Tân) cho biết, ngoài việc dùng túi ni-lông miễn phí để đựng đồ cho khách, siêu thị còn có loại túi vải, nhưng phần lớn khách chưa quan tâm đến túi vải vì phải bỏ thêm chi phí mua túi.

Chỉ tính riêng ở thành phố Lào Cai, mỗi ngày Công ty Cổ phần Môi trường đô thị thu gom bình quân 110 tấn rác thải, trong đó rác vô cơ chiếm tới 55%. Rác vô cơ bao gồm cả chất thải rắn, nhựa và túi ni-lông rất khó phân hủy và các loại rác này chủ yếu được chôn lấp tại bãi rác xã Đồng Tuyển.

Theo ông Phạm Văn Tân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Lào Cai, việc chôn lấp rác vô cơ chỉ là phương án tạm thời vì các loại rác này rất khó phân hủy, đặc biệt là nhựa nếu đốt thì ảnh hướng lớn tới môi trường. Hiện mỗi ngày có khoảng 7 - 10 tấn nhựa tổng hợp lẫn trong rác. Để hạn chế rác thải nhựa và túi ni-lông, từ năm 2017, nhà máy xử lý rác thải của công ty đã thử nghiệm dây chuyền thu gom, tái chế rác thải nhựa với công suất thu 1 tấn hạt nhựa/ngày, tuy nhiên đã qua 3 năm mà chỉ thu được hơn 10 tấn hạt nhựa. Dây chuyền hoạt động chưa hiệu quả là do việc phân loại chất thải tại nguồn chưa tốt, số hộ tham gia phân loại rác tại nguồn chỉ đạt hơn 50%. Để hạn chế rác thải nhựa hiệu quả cần có chương trình cụ thể, hạn chế từ khâu sản xuất các sản phẩm túi ni-lông, đồ nhựa dùng một lần cho tới nâng cao ý thức người sử dụng. Trong thời gian tới, công ty sẽ tham mưu với tỉnh đưa sản phẩm thay thế túi ni-lông và nhựa dùng 1 lần tới người dân, đồng thời làm tốt hơn việc phân loại rác thải tại nguồn để có thể thu gom, tái chế triệt để rác thải nhựa.

Thực tế trên cho thấy, việc hạn chế rác thải nhựa còn rất khó khăn. Cùng với sự vào cuộc của các địa phương và ngành chức năng thì người dân cần thay đổi nhận thức, hạn chế việc sử dụng đồ nhựa để bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp và chống biến đổi khí hậu.

Đức Nguyễn

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/nang-cao-nhan-thuc-cua-nguoi-dan-z5n20200214084318131.htm