Nâng cao trách nhiệm trong trả lời chất vấn, thực hiện cam kết với cử tri
Sáng 29.11, tiếp tục Kỳ họp thứ Tám, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, HĐND
Đa số ĐBQH tán thành sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, HĐND; khắc phục những hạn chế, bất cập, những nội dung không còn phù hợp trong quy định của Luật hiện hành và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các luật, nghị quyết có liên quan được Quốc hội ban hành.
Tuy nhiên, qua thực tiễn hoạt động giám sát tại địa phương, ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) cho biết, HĐND nhiều nơi kiến nghị Quốc hội xem xét bổ sung mở rộng đối tượng giám sát tại Điều 5 của Luật hiện hành, cụ thể, HĐND được quyền giám sát hoạt động của cơ quan trung ương tại địa phương như: Cục thuế, hải quan, Bảo hiểm xã hội, Ngân hàng nhà nước cùng cấp… Đồng thời kiến nghị xem xét bổ sung đại biểu HĐND được quyền chất vấn người đứng đầu các cơ quan thuộc ngành dọc của Trung ương hoạt động tại địa phương…
Căn cứ Điều 113, Hiến pháp quy định: "Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân".
Trong khi đó, thực tiễn cho thấy, các cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền, và các cơ quan, tổ chức khác trong xã hội đều phải tuân thủ pháp luật, đều phải triển khai thực hiện các giải pháp, biện pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh do HĐND quyết nghị. Đồng thời, trong bối cảnh phân cấp, phân quyền mạnh như hiện nay, HĐND được giao thẩm quyền nhiều hơn trong ban hành các chính sách, hỗ trợ về cơ sở vật chất, tiền công, phụ cấp cho các đối tượng xã hội, cho lực lượng quốc phòng, an ninh…
Nêu rõ điều này, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân kiến nghị Quốc hội xem xét bổ sung thẩm quyền giám sát hoạt động các cơ quan trung ương tại địa phương cho HĐND cùng cấp và quy định quyền chất vấn của đại biểu HĐND trong chất vấn người đứng đầu các cơ quan đó. Đại biểu cũng cho rằng, nội dung này phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và thực tiễn, đảm bảo cho việc kiểm soát thực thi quyền lực Nhà nước theo đúng định hướng.
Bổ sung việc xem xét việc thực hiện nghị quyết của HĐND, Thường trực HĐND về chất vấn
Quan tâm đến nội dung bổ sung Điều 60a vào sau Điều 60 là xem xét việc thực hiện nghị quyết của HĐND, Thường trực HĐND về chất vấn, giám sát chuyên đề bằng hình thức chất vấn, một số ĐBQH cho rằng, đây là nội dung bổ sung mới rất thiết thực, cho thấy tầm quan trọng của việc tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn trong hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND. Quy định này sẽ nâng cao trách nhiệm của các chủ thể trong việc trả lời chất vấn, thực hiện cam kết, trách nhiệm với cử tri.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu Điều 60a dự thảo Luật, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) nhận thấy, còn có một số vấn đề bất cập cần phải thiết kế lại để đảm bảo phù hợp và thống nhất với Điều 60 của Luật hiện hành.
Cụ thể, Điều 60 về phạm vi thẩm quyền giám sát của HĐND không có quy định thẩm quyền giám sát của Thường trực HĐND, trong khi Điều 60a lại quy định xem xét việc thực hiện nghị quyết của cả HĐND và Thường trực HĐND. Bên cạnh đó, về thời gian chất vấn và trả lời chất vấn, Điều 60a quy định thực hiện theo nội quy của Kỳ họp HĐND, trong khi Điều 60 hiện hành quy định thực hiện theo quy chế hoạt động của HĐND và đại biểu HĐND.
Do vậy, đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét lại nội dung này để bảo đảm thống nhất về quy trình và cách thức thực hiện. Ngoài ra, Điều 60a quy định người bị chất vấn phải chuẩn bị báo cáo tóm tắt việc thực hiện nghị quyết về chất vấn, giám sát chuyên đề, nhưng chưa có quy định thời gian cụ thể, trong khi Điều 60 hiện hành có quy định rõ ràng về thời gian.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nêu rõ, Khoản 2 Điều 60a đã thay đổi quy định từ kết luận giám sát của Thường trực HĐND ở Luật hiện hành thành ban hành nghị quyết. Do đó, cần sửa Điều 71 Luật hiện hành cho đồng bộ vì khoản 2, Điều 71 vẫn quy định là Kết luận của Thường trực HĐND.