Nâng cao trải nghiệm cho nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán
Việc nâng hạng thị trường chứng khoán không chỉ phụ thuộc hành lang pháp lý, mà quan trọng nhất chính là sự trải nghiệm của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường.
Khơi thông cơ sở pháp lý
Ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI) cho biết, mới đây, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 68/2024/TT-BTC nhằm gỡ bỏ các cái rào cản liên quan đến quy định bắt buộc ký quỹ (prefunding) của nhà đầu tư nước ngoài. Đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong quá trình hoàn thiện các tiêu chí của tổ chức xếp hạng FTSE để được xem xét nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi.
“Quy định gỡ nút thắt prefunding là kỳ vọng không chỉ của nhà đầu tư nước ngoài mà của cả cơ quan quản lý, các thành viên thị trường. Ngay sau khi Thông tư số 68/2024/TT-BTC có hiệu lực vào đầu tháng 11 này, các công ty chứng khoán lập tức cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho nhà đầu nước ngoài”, ông Ngọc cho hay.
Theo đó, FTSE sẽ đánh giá quá trình trải nghiệm của các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Dự kiến, trong kỳ review gần nhất vào tháng 3/2025 và kỳ quan trọng hơn là kỳ review vào tháng 9/2025, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có cơ hội lớn được nâng hạng thành thị trường mới nổi theo tiêu chí của FTSE.
Tuy nhiên, theo Nhóm nghiên cứu phân tích của BIDV (BSC Research), để thu hút dòng tiền mới và dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài một cách bền vững, thị trường chứng khoán Việt Nam cần cải thiện được những thách thức còn tồn tại như: Quy trình mở tài khoản, vấn đề tỷ lệ sở hữu nước ngoài, tỷ lệ free-float, khả năng tiếp cận thông tin (vấn đề công bố thông tin song ngữ)…
“Những nỗ lực nâng hạng của của Việt Nam thời gian gần đây đã được các tổ chức xếp hạng thị trường công nhận dù còn một số hạn chế cần cải thiện để có thể được nâng hạng trong các năm tiếp theo”, BSC Research nhận định.
Cùng với cải thiện của các yếu tố nền tảng, sự cải thiện các tiêu chí thị trường theo hướng minh bạch, tiện ích và bảo vệ nhà đầu tư sẽ là những yếu tố tạo nên sự tiên quyết để khối ngoại thực sự đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam một cách bền vững và lâu dài.
Liên quan đến vấn đề nâng hạng, BSC Research đánh giá lại những đợt gần nhất mà FTSE Russell nâng hạng cho các thị trường chứng khoán khác, trong đó có một số thị trường cũng khá nổi bật gần đây như thị trường chứng khoán Trung Quốc, thị trường Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống nhất, thị trường Ả Rập Xê Út, thị trường Qatar…
Theo đó, có một đặc điểm chung tại các thị trường này là không phải đến khi FTSE Russell công bố quyết định, thị trường chứng khoán mới có sự thay đổi về mặt điểm số hay thanh khoản, mà thông thường thị trường sẽ sôi động trước đó, thậm chí là trước cả năm. Nhà đầu tư nước ngoài cũng có xu hướng chuyển sang bán ròng khi thông tin nâng hạng được công bố chính thức.
Sẵn sàng đón cơ hội
Ông Đỗ Bảo Ngọc cho rằng, một nút thắt lớn được tháo gỡ, vấn đề pháp lý được khơi thông, nhưng chưa phải là tất cả, vấn đề tiếp theo chính là cung cấp sản phẩm, dịch vụ của các công ty chứng khoán tới khách hàng, là các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, các quỹ đầu tư nước ngoài.
Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, hiện nay, nhiều công ty chứng khoán của Việt Nam đã có thể cung cấp được dịch vụ Non-prefunding cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đa phần các công ty chứng khoán đáp ứng yêu cầu về mặt tài chính, tức là năng lực tài chính của các công ty chứng khoán liên tục được nâng cao, ví dụ như Công ty chứng khoán SSI đã nâng vốn điều lệ lên trên 18 nghìn tỷ đồng, đủ để đảm bảo được giá trị giao dịch của các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Bên cạnh đó, các công ty chứng khoán cũng đáp ứng đầy đủ các điều kiện về nền tảng kỹ thuật, công nghệ, hệ thống để cung cấp các dịch vụ được thông suốt, được nhiều nhà đầu tư tổ chức nước ngoài công nhận và đánh giá cao.
Ông Trần Thăng Long – Giám đốc Phân tích BSC nhận định, giai đoạn hiện nay rất quan trọng, bởi nếu khi nâng hạng đã xong, lúc đó có đã có quá nhiều chuyển biến và những diễn biến thị trường cũng sẽ nhanh. Hiện tại, vẫn còn ít nhất là 6 tháng đến một năm cho tới kỳ review quan trọng tiếp theo. Do vậy, đây chính là thời điểm “vàng” cho tất cả các thành viên trên thị trường có sự chuẩn bị cho các cơ hội sắp tới, nâng cao trải nghiệm cho nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.
Đối với các cơ quan quản lý, thời điểm hiện tại sẽ là thời gian để đánh giá và cân đối lại những chính sách theo hướng ngày càng minh bạch hóa hơn, cũng như tạo nhiều điều kiện hơn cho nhà đầu tư nước ngoài trong tiếp cận thông tin cũng như là công bằng trong chính sách.
Đối với các thành viên thị trường tham gia dưới góc độ là cung cấp dịch vụ , như công ty chứng khoán hay công ty quản lý quỹ, giai đoạn sắp tới đây rất quan trọng khi thị trường có thể bùng nổ về mặt quy mô. Do vậy, để đảm bảo khả năng cung cấp dịch vụ cũng như khả năng cạnh tranh cũng sẽ cần chuẩn các nền tảng kỹ thuật và vốn cho giai đoạn sắp tới.
Đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn, thì đây sẽ là một cơ hội quan trọng vì không phải lúc nào cũng sẽ diễn ra việc nâng hạng đối với một quốc gia. Các doanh nghiệp sẽ có những cổ đông chất lượng hơn, cũng như gia tăng khả năng huy động vốn.