Nâng cao vai trò và đóng góp của phụ nữ trong giáo dục và thúc đẩy quyền con người
Ngày 20/7, tại tỉnh Tuyên Quang, Học viện Tài chính đã tổ chức Hội thảo quốc gia với chủ đề 'Nữ giới trong thực hiện giáo dục và bảo vệ quyền con người'.

Hội thảo quốc gia 'Nữ giới trong thực hiện giáo dục và bảo vệ quyền con người'. (Nguồn: HVTC)
PGS.TS. NGƯT Nguyễn Đào Tùng, Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, BCH Đảng bộ Bộ Tài chính, Giám đốc Học viện, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Học viện Tài chính; PGS.TS Nguyễn Mạnh Thiều, Phó Giám đốc Học viện Tài chính, Chủ tịch Công đoàn Học viện; và PGS.TS. NGƯT Nguyễn Hồ Phi Hà, Phó Chủ tịch Công đoàn Học viện, Trưởng ban Nữ công, Phó Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Học viện Tài chính, đồng chủ trì Hội thảo.
Hội thảo có sự tham dự của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Phan Huy Ngọc cùng các cơ quan chuyên môn của tỉnh; cùng với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, chuyên gia tới từ cơ sở nghiên cứu, đào tạo như Viện Quyền con người – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Viện Con người – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Học viện Phụ nữ Việt Nam…; lãnh đạo các khoa, ban, viện, trung tâm trực thuộc Học viện Tài chính; và nhiều báo, đài Trung ương và địa phương tham dự và đưa tin.
Đây là hoạt động khoa học có ý nghĩa thiết thực, nhằm tạo diễn đàn trao đổi học thuật và thực tiễn, làm rõ vai trò và đóng góp của phụ nữ trong giáo dục và thúc đẩy quyền con người. Hội thảo đồng thời là dịp để chia sẻ kinh nghiệm, mô hình hiệu quả và đề xuất các giải pháp chính sách thiết thực, góp phần phát huy tiềm năng của nữ giới, thúc đẩy bình đẳng giới và hướng tới phát triển bền vững trong bối cảnh mới.

PGS.TS. NGƯT Nguyễn Đào Tùng, Giám đốc Học viện Tài chính, phát biểu khai mạc Hội thảo. (Nguồn: Học viện Tài chính)
Chủ đề thiết thực và thời sự
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. NGƯT Nguyễn Đào Tùng, Giám đốc Học viện Tài chính, nhấn mạnh, không chỉ là người thụ hưởng, nữ giới còn là những người truyền cảm hứng, người thực hành và lan tỏa các giá trị nhân quyền trong thực tế – từ gia đình, nhà trường cho tới cộng đồng và xã hội.
Vai trò của người phụ nữ ngày nay không chỉ dừng lại ở việc là người giáo dục trong mái ấm gia đình, mà còn mở rộng trong tư cách là nhà giáo, nhà quản lý giáo dục, nhà nghiên cứu, nhà hoạt động xã hội và là người hoạch định, xây dựng chính sách, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.
Việt Nam là quốc gia có bề dày truyền thống nhân văn sâu sắc, trong đó nữ giới luôn được xem là một lực lượng quan trọng, không thể tách rời trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, từ xây dựng gia đình, phát triển kinh tế đến sự nghiệp giáo dục và đấu tranh vì công bằng, tiến bộ xã hội.
Theo PGS. TS. NGƯT Nguyễn Đào Tùng, Việt Nam đang ở trong giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ – kỷ nguyên của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, của chuyển đổi số toàn diện, của hội nhập quốc tế sâu rộng, của tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, giáo dục và quyền con người không thể bị xem nhẹ, càng không thể thiếu vắng vai trò của nữ giới.
"Chúng ta cần nhiều hơn nữa những người phụ nữ bản lĩnh, trí tuệ, sáng tạo và có tầm nhìn để tham gia vào việc hoạch định chính sách, lãnh đạo các cơ sở giáo dục, dẫn dắt nghiên cứu khoa học và bảo vệ những giá trị phổ quát của quyền con người", PGS.TS. NGƯT Nguyễn Đào Tùng khẳng định.
Do đó, Hội thảo là diễn đàn khoa học có ý nghĩa thiết thực, nơi các nhà khoa học, nghiên cứu cùng nhau nhìn nhận, đánh giá và đề xuất giải pháp nhằm phát huy vai trò của nữ giới trong lĩnh vực giáo dục và bảo vệ quyền con người, đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ, chủ động hội nhập và chuyển mình sâu rộng trên nhiều phương diện.

Giám đốc Học viện Tài chính Nguyễn Đào Tùng tặng biểu trưng của Học viện cho Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Phan Huy Ngọc.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Mạnh Thiều, Phó Giám đốc Học viện Tài chính, chỉ ra rằng, giáo dục và bảo vệ quyền con người là một trong những mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Liên hợp quốc nhằm xây dựng một thế giới công bằng, bình đẳng và hòa bình.
Nữ giới không chỉ là đối tượng được thụ hưởng quyền con người, mà còn là chủ thể tích cực tham gia vào quá trình giáo dục, truyền thông, hoạch định chính sách và các hoạt động xã hội khác, nhằm phát triển kỹ năng, thái độ, giá trị sống; thúc đẩy, bảo vệ quyền con người; và trở thành động lực cho sự thay đổi tích cực trong xã hội.
Với những nỗ lực không ngừng trong suốt nhiều năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong việc bảo đảm quyền con người, nhưng thực tế cho thấy nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục và bảo vệ quyền con người trong xã hội vẫn còn hạn chế, sự hiện diện của các hoạt động này trong đời sống cộng đồng chưa thật sự tương xứng.
Đặc biệt, trong quá trình triển khai thực tiễn, nữ giới vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc tham gia và đóng góp vào công cuộc giáo dục, bảo vệ quyền con người - nhất là trong bối cảnh xã hội biến đổi nhanh chóng và tình trạng bất bình đẳng gia tăng. Chính vì vậy, việc tổ chức các diễn đàn học thuật nhằm làm rõ vị trí, vai trò và những đóng góp của nữ giới trong lĩnh vực này là vô cùng cần thiết và có ý nghĩa thiết thực.
Từ nhận thức và yêu cầu đó, Hội thảo được kỳ vọng sẽ là diễn đàn trao đổi, chia sẻ và công bố các kết quả nghiên cứu khoa học liên quan đến giáo dục, bảo vệ quyền con người và vai trò của nữ giới trong những vấn đề nêu trên. Trên cơ sở đó, Hội thảo hướng tới việc đề xuất các giải pháp chính sách nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động giáo dục, bảo vệ quyền con người, đồng thời phát huy tối đa tiềm năng, vai trò của nữ giới trong tiến trình này - qua đó góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững và bình đẳng giới.
Theo PGS.TS. Nguyễn Mạnh Thiều, sau gần 5 tháng triển khai, Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 174 bài viết từ các nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên đến từ nhiều cơ quan, ban ngành, các viện nghiên cứu, học viện và trường đại học: Học viện Tài chính, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Hà Giang, Viện Nghiên cứu con người, gia đình và giới, Viện Quyền con người – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Phụ nữ Việt Nam...
Trong đó, đã có 129 bài được lựa chọn đưa vào Kỷ yếu Hội thảo. Điều đó phần nào thể hiện sự quan tâm sâu sắc của giới nghiên cứu khoa học đối với chủ đề thiết thực và thời sự của Hội thảo lần này.

Các đại biểu thảo luận sôi nổi tại Hội thảo. (Nguồn: Học viện Tài chính)
Thể hiện một tầm nhìn đa chiều, khoa học và đầy tính nhân văn
Dựa trên định hướng chủ đề, nội dung các tham luận tại Hội thảo tập trung vào 3 chủ điểm chính: Cơ sở lý luận về quyền con người và giáo dục bảo vệ quyền con người, vai trò của phụ nữ trong giáo dục và bảo vệ quyền con người; Pháp luật quốc tế và Việt Nam về giáo dục và bảo vệ quyền con người, kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam về phát huy vai trò của phụ nữ trong giáo dục và bảo vệ quyền con người; và Thực trạng và giải pháp phát huy vai trò của phụ nữ trong giáo dục và bảo vệ quyền con người ở Việt Nam.
Tại Hội thảo, các đại biểu trình bày và thảo luận xoay quanh các chủ đề nổi bật như: Tư tưởng triết học về công bằng xã hội cho phụ nữ và sự vận dụng tại Việt Nam hiện nay; Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về giáo dục quyền con người tại Việt Nam; Vai trò của phụ nữ trong giáo dục và bảo vệ quyền con người; Pháp luật về quyền con người của một số quốc gia Đông Nam Á và Việt Nam; Vai trò của nữ giới trong hệ sinh thái giáo dục nhân quyền: kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách cho Việt Nam; Giáo dục quyền con người và sự tham gia của phụ nữ ở Việt Nam; Ngọn lửa tri thức - trái tim nhân văn: Vai trò của nữ giảng viên trong giáo dục và bảo vệ quyền con người tại Việt Nam; và Định hướng, mục tiêu và giải pháp nâng cao vai trò của nữ giới đồng bào dân tộc thiểu số trong giáo dục và bảo vệ quyền con người tại tỉnh Tuyên Quang.
Qua các tham luận khoa học có chất lượng, các diễn giả đã góp phần làm sáng rõ cơ sở lý luận và pháp lý về quyền con người, về vai trò của giáo dục trong việc lan tỏa và bảo vệ quyền con người, cũng như vị trí đặc biệt của nữ giới trong tiến trình này khi họ vừa là người thực thi, vừa là đối tượng cần được bảo đảm quyền lợi một cách công bằng và đầy đủ.
Hội thảo đã phân tích sâu sắc thực trạng sự tham gia của nữ giới trong lĩnh vực giáo dục và bảo vệ quyền con người tại Việt Nam, với những minh chứng cụ thể từ các cơ sở giáo dục, cơ quan chính quyền ở các vùng thành thị, nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những khác biệt về điều kiện tiếp cận, cơ hội phát triển và mức độ tham gia của nữ giới ở các khu vực khác nhau cũng đã được đặt ra và nhìn nhận một cách khách quan, khoa học.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp hình lưu niệm. (Nguồn: HVTC)
Nhiều ý kiến đã tập trung phân tích các khó khăn, rào cản và thách thức hiện nay đối với phụ nữ trong việc thực hiện vai trò giáo dục và bảo vệ quyền con người, từ các yếu tố thể chế, văn hóa, định kiến giới, đến môi trường làm việc, sự hỗ trợ chính sách và không gian phát triển nghề nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Hội thảo cũng nhận được nhiều kiến nghị xác đáng và thiết thực để phát huy vai trò của nữ giới trong lĩnh vực này. Có thể kể đến như: Việc xây dựng các chương trình giáo dục quyền con người có lồng ghép giới tính và sự tham gia tích cực của nữ giới trong vai trò giáo viên, người làm công tác quản lý và hoạch định chính sách; Tăng cường đầu tư vào các chính sách hỗ trợ phụ nữ ở vùng khó khăn, dân tộc thiểu số; Khuyến khích sự tham gia của phụ nữ trong các diễn đàn, tổ chức, mạng lưới xã hội về quyền con người và giáo dục quyền con người; Thúc đẩy các nghiên cứu liên ngành, liên lĩnh vực về giới và quyền con người trong môi trường giáo dục...
Những nội dung được trình bày và thảo luận tại Hội thảo đã thể hiện một tầm nhìn đa chiều, khoa học và đầy tính nhân văn, khẳng định rằng: Nữ giới không chỉ là một bộ phận cần được bảo vệ mà chính là lực lượng nòng cốt, là nguồn nhân lực quan trọng trong sự nghiệp phát triển giáo dục, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng và tôn trọng quyền con người.
Tin tưởng rằng, những kết quả thiết thực của Hội thảo sẽ tiếp tục được lan tỏa, tiếp thu, vận dụng vào các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, hoạch định chính sách và triển khai thực tiễn tại các cơ quan, địa phương và cơ sở giáo dục trong thời gian tới.

Hội thảo đã phân tích sâu sắc thực trạng sự tham gia của nữ giới trong lĩnh vực giáo dục và bảo vệ quyền con người tại Việt Nam. (Nguồn: Học viện Tài chính)