Nâng giá trị, hút khách hàng từ xây dựng câu chuyện sản phẩm

Trong bộ tiêu chí quốc gia về đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, câu chuyện sản phẩm chiếm 12/100 điểm của thang điểm. Việc xây dựng câu chuyện sản phẩm, tạo ra sự khác biệt không chỉ góp phần lôi cuốn khách hàng, mà còn giúp nâng cao giá trị sản phẩm OCOP.

Câu chuyện khởi nghiệp từ số vốn ít ỏi để làm ra sản phẩm kẹo dừa truyền thống của hộ kinh doanh Đặng Thị Hạ Quyên được Hội đồng OCOP TX Đông Hòa đánh giá cao về mặt nội dung cũng như thông điệp muốn truyền tải. Ảnh: NGỌC HÂN

Câu chuyện khởi nghiệp từ số vốn ít ỏi để làm ra sản phẩm kẹo dừa truyền thống của hộ kinh doanh Đặng Thị Hạ Quyên được Hội đồng OCOP TX Đông Hòa đánh giá cao về mặt nội dung cũng như thông điệp muốn truyền tải. Ảnh: NGỌC HÂN

Nhiều câu chuyện sản phẩm đã thuyết phục được khách hàng trong việc đưa ra quyết định lựa chọn sử dụng. Từ đó góp phần phát triển thị trường và tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm OCOP.

Thu hút khách hàng

Cà phê Superior của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hương Hương Phú (TP Tuy Hòa) là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao. Sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu cà phê sạch gắn với câu chuyện khởi đầu cảm xúc. Theo bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc công ty này, hơn 30 năm trước, nhận thấy sức hút của cà phê ở Tuy Hòa với thượng khách bốn phương, vợ chồng bà khi ấy đang là chủ cơ sở cung cấp trà đã dành công sức tìm tòi, học hỏi bí quyết tạo nên hương vị độc đáo riêng có cho sản phẩm cà phê Superior.

“Để làm nên hương vị đặc trưng cà phê Superior, nguyên liệu chế biến là hạt cà phê được tuyển chọn với quy trình nghiêm ngặt, ủ lên men, rang sấy mà không phải tẩm ướp gia vị. Bên cạnh đó, bao bì sản phẩm được đầu tư thiết kế với hình ảnh tháp Nhạn, mang nét văn hóa đặc trưng của Phú Yên đã thu hút khách du lịch tìm đến thưởng thức và mua về làm quà tặng người thân, bạn bè. Nhờ đó, từ năm 2022 đến nay, thị trường sản phẩm được mở rộng không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước, lượng tiêu thụ cao hơn 40% so với trước khi tham gia chương trình OCOP”, bà Hương chia sẻ.

Với câu chuyện khởi nghiệp thú vị, sản phẩm mắc ca Bảo Hân của hộ kinh doanh Kiều Thị Hạnh ở xã Sơn Long (huyện Sơn Hòa) cũng được người tiêu dùng lựa chọn, đánh giá cao về chất lượng. Câu chuyện kể về một lần tham quan mô hình trồng mắc ca ở Tây Nguyên, chị đã nảy ra ý định, mạnh dạn tiên phong đưa giống cây trồng mới mẻ này về bám rễ trên đất Sơn Long, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế vườn, giúp nhiều phụ nữ trong xã vươn lên thoát nghèo.

Chị Hạnh cho biết: Với 2 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, hiện nông sản mắc ca Bảo Hân được sản xuất đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài việc sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc hoàn toàn tại địa phương, sản phẩm không có chất bảo quản, tuân thủ quy trình sản xuất và áp dụng máy móc, khoa học công nghệ để tạo nên một sản phẩm chất lượng không thua kém gì với các sản phẩm mắc ca trên thị trường.

Nỗ lực đồng hành cùng chủ thể

Theo đánh giá từ Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, tiêu chí câu chuyện sản phẩm chính là yếu tố quan trọng nhất để quảng bá sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn chủ thể OCOP còn gặp phải khó khăn trong diễn đạt, trình bày câu chuyện sản phẩm. Do đó, thời gian qua, các địa phương đã tích cực hỗ trợ các chủ thể OCOP hoàn thiện câu chuyện sản phẩm.

Đơn cử như tại huyện Phú Hòa, nhiều chủ thể OCOP đã được Phòng NN&PTNT huyện hỗ trợ, tư vấn và kết nối đến các cá nhân, tổ chức nhằm viết nên câu chuyện sản phẩm dựa trên ý tưởng của chủ thể. Bà Trần Thị Nguyệt, Trưởng phòng NN&PTNT huyện này cho hay: Thời gian qua, chúng tôi đã trực tiếp hỗ trợ hoặc kết nối các chủ thể với các đơn vị khác nhằm cụ thể hóa ý tưởng bằng câu chuyện sản phẩm. Đồng thời tham gia thẩm định, đánh giá giá trị quảng bá của các câu chuyện. Với câu chuyện sản phẩm hấp dẫn, hiện 21 sản phẩm OCOP của huyện đều thu hút khách hàng từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước tin dùng.

Bà Đặng Thị Hạ Quyên, chủ cơ sở sản xuất kẹo dừa truyền thống ở xã Hòa Thành (TX Đông Hòa) chia sẻ: Từ khi tham gia Chương trình OCOP, tôi được địa phương hỗ trợ về thủ tục, giấy tờ, nhất là xây dựng câu chuyện sản phẩm. Đến nay, 6 sản phẩm kẹo dừa của cơ sở đã được công nhận OCOP 3 sao và chính câu chuyện sản phẩm được in ấn trên bao bì đã thu hút sự chú ý của khách hàng, tin tưởng đặt mua sản phẩm nhiều hơn…

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đặng Thị Thủy cho hay, thời gian qua, ngành Nông nghiệp đặc biệt quan tâm đến công tác hỗ trợ các chủ thể OCOP hoàn thiện câu chuyện sản phẩm. Từ năm 2020 đến nay, đơn vị đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn và tổ chức các đoàn đi tham quan, học tập về xây dựng sản phẩm OCOP; dành nhiều thời gian cho việc hướng dẫn các chủ thể xây dựng, hoàn thiện tốt câu chuyện sản phẩm.

Theo bà Thủy, câu chuyện sản phẩm là câu chuyện về thương hiệu. Nếu câu chuyện hấp dẫn, chân thực sẽ khiến khách hàng nhập tâm, khắc sâu vào tâm trí và quyết định mua sản phẩm đó. Vì vậy, để công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP đạt hiệu quả cao, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hỗ trợ các chủ thể OCOP xây dựng câu chuyện sản phẩm thu hút được người tiêu dùng; đồng thời không ngừng nâng cao năng lực cán bộ phụ trách để đáp ứng tốt việc tư vấn, hỗ trợ các chủ thể.

Câu chuyện sản phẩm là thông điệp mà chủ thể OCOP muốn truyền tải đến cộng đồng nhằm thay đổi cảm xúc của người mua. Với OCOP, thông điệp của sản phẩm còn ẩn chứa cả niềm tự hào của vùng quê và người làm ra nó.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đặng Thị Thủy

NGỌC HÂN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/321131/nang-gia-tri-hut-khach-hang-tu-xay-dung-cau-chuyen-san-pham.html