Nâng tầm giá trị sản phẩm bằng chương trình OCOP

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại TP. Phú Quốc tạo động lực mạnh mẽ trong việc nâng tầm giá trị các sản phẩm truyền thống từ nước mắm, sim đến rong biển. Chương trình không chỉ giúp chuẩn hóa sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường mà còn góp phần bảo tồn giá trị văn hóa và thúc đẩy kinh tế địa phương.

Tại nhà thùng nước mắm Liên Hiệp ở phường Dương Đông, chị Trần Kim Liên - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn khai thác thủy hải sản Liên Hiệp cẩn thận kiểm tra từng thùng nước mắm đang trong giai đoạn ủ chượp. Với hơn 250 thùng gỗ lớn, nhà thùng Liên Hiệp là một trong những cơ sở tiêu biểu kết hợp hài hòa giữa phương pháp sản xuất truyền thống và ứng dụng công nghệ hiện đại.

“Nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ dây chuyền sản xuất bán tự động trị giá 300 triệu đồng và hệ thống xử lý nước thải, chất lượng nước mắm của công ty không ngừng được nâng cao. Sản phẩm đạt chuẩn OCOP đã mở ra cơ hội lớn để thương hiệu vươn xa hơn trên thị trường”, chị Liên cho biết.

Cá cơm tươi được đánh bắt trực tiếp từ ghe của nhà thùng, sau đó được ủ chượp với muối ít nhất 12 tháng. Quy trình sản xuất nghiêm ngặt không chỉ giữ lại hương vị đặc trưng mà còn đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng. “Chứng nhận OCOP không chỉ giúp sản phẩm có thêm giá trị mà còn tăng độ tin cậy, dễ dàng tiếp cận các thị trường lớn và hệ thống siêu thị”, chị Liên nói.

Chị Trần Kim Liên (bìa phải) cùng cán bộ Phòng Kinh tế TP. Phú Quốc và nhân công nhà thùng kiểm tra chất lượng nước mắm.

Chị Trần Kim Liên (bìa phải) cùng cán bộ Phòng Kinh tế TP. Phú Quốc và nhân công nhà thùng kiểm tra chất lượng nước mắm.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đảo Sim Phú Quốc đang đẩy mạnh phát triển các sản phẩm từ sim theo hướng chuyên nghiệp. Từ năm 2024, công ty tham gia chương trình OCOP với 4 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao. Các sản phẩm như mật sim, rượu sim được đầu tư bài bản từ nguyên liệu đầu vào đến bao bì đóng gói.

“Tham gia chương trình OCOP giúp chúng tôi chuẩn hóa sản phẩm, nâng cao giá trị thương mại và tiếp cận các thị trường tiềm năng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cấp sản phẩm để đạt các tiêu chuẩn cao hơn”, ông Phan Văn Hiến - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đảo Sim Phú Quốc cho biết. Hiện mỗi năm công ty cung ứng ra thị trường hàng chục ngàn sản phẩm OCOP các loại, với doanh thu đạt hàng tỷ đồng, góp phần khẳng định vị thế đặc sản sim Phú Quốc trên thị trường.

Bên cạnh nước mắm và sim, rong biển cũng là một trong những sản phẩm nổi bật của Phú Quốc. Anh Nguyễn Bảo Nam - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo Nam Foods cho biết cơ sở hiện có 6 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao. Mỗi năm, công ty cung cấp ra thị trường hơn 30.000 gói kẹo sim, 10.000 hộp rong biển và 20.000 túi rong biển nấu canh.

“Nhờ dây chuyền đóng gói tự động trị giá hơn 500 triệu đồng được chính quyền hỗ trợ từ đề án khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương trên địa bàn TP. Phú Quốc, sản phẩm của chúng tôi không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng mà còn dễ dàng mở rộng thị trường”, anh Nam nói.

Sơ chế sản phẩm rong biển tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo Nam Foods.

Sơ chế sản phẩm rong biển tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo Nam Foods.

Theo Thành ủy viên, Trưởng Phòng Kinh tế TP. Phú Quốc Huỳnh Thanh Minh, chương trình OCOP đã tạo bước chuyển mình quan trọng cho các sản phẩm truyền thống của địa phương. Thành phố hiện có tổng cộng 74 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 6 sản phẩm đạt chuẩn 5 sao. Ngoài ra thành phố đang trình hồ sơ đề nghị đánh giá, phân hạng và công nhận 4 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao.

"Chương trình OCOP không chỉ giúp các sản phẩm địa phương đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng cao mà còn nâng cao giá trị thương mại, mở rộng thị trường trong và ngoài nước”, Trưởng Phòng Kinh tế TP. Phú Quốc Huỳnh Thanh Minh cho biết.

Ngoài việc chuẩn hóa sản phẩm, TP. Phú Quốc đã triển khai nhiều chính sách nhằm ứng dụng khoa học, công nghệ để nâng cao giá trị các sản phẩm OCOP. Thành phố tập trung hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và chỉ dẫn địa lý. Quy trình sản xuất được cải thiện thông qua việc áp dụng mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc và các tiêu chuẩn chất lượng.

TP. Phú Quốc hướng dẫn các chủ thể xây dựng hồ sơ chứng nhận sở hữu trí tuệ, nâng cao nhận thức về kinh tế nông nghiệp và tạo điều kiện để tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình khuyến công quốc gia và địa phương. Việc đầu tư vào nhà xưởng, máy móc và thiết bị sản xuất không chỉ đảm bảo vệ sinh môi trường mà còn giúp các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Năm 2024, Phú Quốc tổ chức hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP với 38 sản phẩm của 9 doanh nghiệp, trong đó có 26 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao và 8 sản phẩm tiềm năng 4 sao, 4 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Các sản phẩm nổi bật bao gồm nước mắm Huỳnh Khoa với độ đạm từ 35 đến 45, các sản phẩm từ sim của Công ty Đảo Sim, rong biển ăn liền của Công ty Bảo Nam Foods, cá cơm kho Phú Vị, cá trích kho Phú Vị của Doanh nghiệp tư nhân Hồng Đức 1... Ngoài ra, thành phố tích cực đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử như Buudien.vn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp mở rộng thị trường với chi phí thấp.

Du khách thử rượu sim tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đảo Sim Phú Quốc.

Du khách thử rượu sim tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đảo Sim Phú Quốc.

Trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2024, các hoạt động xúc tiến thương mại được triển khai đồng bộ, tập trung vào quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và đặc trưng tại các sự kiện trong và ngoài nước. Đơn vị Phòng kinh tế TP. Phú Quốc đã tham gia nhiều hội chợ, diễn đàn và chuỗi sự kiện quan trọng như hội chợ quốc tế, các diễn đàn liên kết kinh tế vùng, giao thương với doanh nghiệp nước ngoài và tổ chức kết nối cung cầu tại các địa phương trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, miền Đông Nam bộ và quốc tế.

Điển hình như tuần lễ văn hóa - ẩm thực Hà Tiên năm 2024, hội chợ quốc tế thương mại, du lịch và đầu tư hành lang kinh tế đông tây Đà Nẵng năm 2024; diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2024; hội chợ công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam năm 2024; hội chợ triển lãm thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên - Gia Lai và giao thương doanh nghiệp Nhật; ký kết hợp tác đầu tư, kinh doanh với các doanh nghiệp Thái Lan; tham gia hội chợ quốc tế thương mại, du lịch và đầu tư hành lang kinh tế đông tây Đà Nẵng…

Những hoạt động này không chỉ mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm mà còn thúc đẩy hợp tác đầu tư, kinh doanh với các đối tác trong và ngoài nước, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao thương hiệu sản phẩm địa phương.

Chương trình OCOP không chỉ tạo cơ hội để các sản phẩm địa phương khẳng định vị thế mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Những sản phẩm như nước mắm, rượu sim hay rong biển không chỉ là biểu tượng văn hóa mà còn là động lực để Phú Quốc tiếp tục phát triển bền vững, giữ vững thương hiệu địa phương.

Bài và ảnh: TÂY HỒ

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/chuyen-de/nang-tam-gia-tri-san-pham-bang-chuong-trinh-ocop-23581.html