Nâng tầm hợp tác giữa TP HCM với 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL
Ngày 29/11, UBND TP Hồ Chí Minh phối hợp với UBND 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức Hội nghị sơ kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế xã hội giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL giai đoạn 2023-2024 và triển khai kế hoạch năm 2024-2025.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Quách Ngọc Tuấn – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho biết, việc hợp tác kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL năm 2023-2024 đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Cụ thể, với lĩnh vực kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, đầu tư, Sở Công Thương TP HCM đã tổ chức thành công Hội nghị Kết nối cung - cầu tập trung giữa TP.HCM và các tỉnh, thành. Đáng chú ý, năm 2023 hơn 300 gian hàng đặc sản địa phương từ các doanh nghiệp tại 13/13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã có mặt tại TP HCM để kết nối cung cầu. Với lĩnh vực hạ tầng giao thông, TPHCM đã cùng các tỉnh, thành vùng ĐBSCL tổ chức tọa đàm về các chuyên đề kết nối giao thông liên vùng.
Trong lĩnh vực du lịch, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng các chương trình du lịch liên kết với ĐBSC nhằm trải nghiệm du lịch sông nước. Tổ chức các Famtrip giới thiệu các điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng của TP đến 50 doanh nghiệp du lịch – lữ hành tại các tỉnh, thành ĐBSCL.
Phát biểu tham luận tại hội nghị, ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: TP Cần Thơ luôn xác định vai trò của liên kết vùng, tầm quan trọng của hoạt động phối hợp trong và ngoài nước thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của thành phố và khẳng định “Phát huy tối đa nội lực và ngoại lực, đặc biệt là các liên kết vùng và kết nối hạ tầng vùng ĐBSCL”.
Với vị thế là trung tâm vùng ĐBSCL, Cần Thơ phối hợp chặt chẽ với các địa phương khác trong khu vực, đổi mới mô hình phát triển thành sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, tạo liên kết để tạo sức mạnh, động lực phát triển bền vững và thịnh vượng.
Trong đó, Cần Thơ đã liên kết, phối hợp với TP Hồ Chí Minh và các viện, trường đã ký kết trên các lĩnh vực như: nông nghiệp công nghệ cao; giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực; y tế chuyên sâu; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; hạ tầng giao thông kết nối liên vùng; phát triển du lịch; kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư - thương mại, mở rộng thị trường;… để đưa thành phố Cần Thơ trở thành cực phát triển của khu vực ĐBSCL.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung triển khai hợp tác giai đoạn 2024 - 2025. Trong đó, phát huy hiệu quả các nội dung hợp tác, tăng tính liên kết vùng cần xác định rõ các hoạt động cụ thể với các sản phẩm, dự án và thời gian thực hiện; đầu tư các tuyến đường vành đai, cao tốc, đường sắt, cảng biển, mở rộng đường quốc lộ, các dự án giao thông trọng điểm kết nối với các vùng...
Bên cạnh đó, nghiên cứu khai thác các tuyến vận tải đường thủy, thúc đẩy vận chuyển hàng hóa, du lịch; tổ chức hội thảo chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh có tính liên kết vùng; tiếp tục tổ chức các hoạt động thiết thực trong liên kết phát triển du lịch…
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi mong muốn tiếp tục thực hiện quan điểm TP Hồ Chí Minh không hợp tác đơn lẻ từng địa phương mà hợp tác theo vùng, trong đó có nội dung liên quan đặc thù từng địa phương, để tất cả cùng có sức mạnh lớn hơn.
“Chúng ta phải xác định với nhau, đồng tâm là đã đồng tâm rồi, quyết tâm luôn, nhưng phải có đầu mối cụ thể, phải nêu vấn đề cụ thể, phải trao đổi, thống nhất rồi cùng nhau hành động để có kết quả. Và chúng ta có một kênh để trao đổi, thông tin” – Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.