Nga cảnh báo nguy cơ thiếu hụt năng lượng, sẵn sàng nối lại việc cung cấp khí đốt cho châu Âu

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak mới đây nhận định thế giới đang có nguy cơ đối mặt với tình trạng thiếu hụt năng lượng trong 5-10 năm tới do các công ty dầu mỏ và khí đốt phương Tây ít đầu tư trong lĩnh vực này. Phó thủ tướng Nga tuyên bố Moscow sẵn sàng nối lại việc cung cấp khí đốt cho châu Âu qua đường ống Yamal - châu Âu vì tình trạng thiếu khí đốt của các nước này vẫn còn.

Trạm nén khí trên đường ống dẫn khí đốt Yamal - châu Âu. Ảnh: REUTERS

Trạm nén khí trên đường ống dẫn khí đốt Yamal - châu Âu. Ảnh: REUTERS

Trả lời phỏng vấn hãng tin TASS ngày 24-12, ông Novak nêu rõ do thận trọng trước các động thái của chính phủ, nhiều công ty dầu mỏ và khí đốt phương Tây đã quyết định sử dụng vốn để chia cổ tức thay vì đầu tư. Hệ quả của việc suy giảm đầu tư là trong tương lai, Liên minh châu Âu (EU) sẽ không có đủ nguồn lực năng lượng và thế giới sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt và một đợt khủng hoảng mới. Ông nhấn mạnh trong 5-10 năm tới, thế giới sẽ đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng và châu Âu sẽ là khu vực chịu ảnh hưởng. Ông Novak cũng cảnh báo việc các nước phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt mới và triển khai các biện pháp điều tiết thị trường sẽ không đem lại lợi ích kinh tế và sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng trong dài hạn.

Trong cuộc phỏng vấn, Phó Thủ tướng Novak cũng khẳng định các nguồn năng lượng của Nga là không thể thay thế và không thể bị cắt khỏi thị trường quốc tế. Ông nói: "Rõ ràng, việc tiêu thụ các nguồn năng lượng sẽ chỉ tăng lên trong tương lai, vì vậy tôi không thể tưởng tượng nền kinh tế thế giới sẽ xoay xở như thế nào nếu không có các nguồn năng lượng của Nga". Theo ông Novak, Nga là đóng vai trò lớn nhất trong lĩnh vực năng lượng khi đóng góp 20% xuất khẩu khí đốt của thế giới, hơn 20% dầu mỏ, và là nhà cung cấp than lớn thứ ba trên thế giới.

Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết Moscow sẵn sàng nối lại nguồn cung cấp khí đốt tới châu Âu, có thể là qua đường ống Yamal. "Thị trường châu Âu vẫn mở, tình trạng thiếu khí đốt vẫn còn và chúng tôi có mọi cơ hội để tiếp tục cung cấp chúng. Ví dụ, đường ống Yamal - châu Âu, đã bị dừng vì lý do chính trị, vẫn chưa được sử dụng lại", ông Novak nói.

Đường ống Yamal dẫn khí đốt tới Tây Âu đã bị đảo ngược dòng chảy kể từ tháng 12-2021 do Ba Lan từ chối mua khí đốt của Nga và chuyển sang nhận khí đốt dự trữ ở Đức. Hồi tháng 5, Warsaw đã chấm dứt thỏa thuận với Moscow, sau khi từ chối yêu cầu của Nga rằng họ phải thanh toán khí đốt bằng đồng ruble. Nhà cung cấp Nga Gazprom phản ứng bằng cách cắt hoàn toàn nguồn cung và cho biết sẽ không thể xuất khẩu khí đốt đến Ba Lan nữa sau khi Moscow áp đặt lệnh trừng phạt đối với công ty sở hữu phần đường ống Yamal - châu Âu đi qua lãnh thổ nước này.

Phó Thủ tướng Novak cũng nhắc lại rằng Nga đang thảo luận về việc cung cấp khí đốt bổ sung tới châu Âu thông qua Thổ Nhĩ Kỳ sau khi thành lập một trung tâm cung ứng ở đây. Ông Novak khẳng định rằng có nhu cầu đối với khí đốt của Nga. Vì vậy, Nga tiếp tục coi châu Âu là thị trường tiềm năng cho các sản phẩm của nước này.

Theo Phó Thủ tướng Novak, thị trường EU vẫn mở cửa cho khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga. "Năm nay chúng tôi đã có thể tăng đáng kể nguồn cung LNG cho châu Âu. Trong 11 tháng năm 2022, chúng đã tăng lên 19,4 tỷ mét khối và đến cuối năm dự kiến là 21 tỷ", ông Novak nêu rõ.

Châu Âu có thể sẽ quay trở lại với năng lượng hạt nhân

Nhận định về tình hình phát triển điện hạt nhân ở khu vực châu Âu, nhật báo Les Echos cho rằng cuộc xung đột tại Ukraine đang khiến năng lượng hạt nhân trở thành chủ đề được quan tâm. Hà Lan, Thụy Điển, Pháp và Ba Lan đều hy vọng vào sự hồi sinh mạnh mẽ của loại hình năng lượng này trong những năm tới.

Phát biểu tại buổi lễ tái khởi động năng lượng hạt nhân của Pháp được tổ chức ở Penly, Normandy, đầu tháng này, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cho rằng tất cả các nước công nghiệp lớn ở châu Âu, bao gồm cả các quốc gia đã đưa ra lựa chọn khác, "sớm muộn cũng sẽ quay trở lại với năng lượng hạt nhân".

Tuyên bố này dường như báo trước sự hồi sinh năng lượng hạt nhân ở "Lục địa Già" và là một trong những tín hiệu khởi động chiến dịch này. Hà Lan và Thụy Điển đã liên tiếp công bố các dự án mới về xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Đối với hai quốc gia này, các thông báo đó đã đánh dấu sự đảo ngược sâu sắc trong chính sách năng lượng của họ.

Tại Thụy Điển, chính phủ tiền nhiệm đã thông qua lộ trình nhằm đạt mục tiêu 100% điện năng được sản xuất từ năng lượng tái tạo vào năm 2040. Tại Hà Lan, Thủ tướng Mark Rutte tuyên bố, bằng cách bổ sung điện hạt nhân vào tổ hợp năng lượng, nước này sẽ giảm lượng khí thải CO2 liên quan đến sản xuất điện và sẽ bớt phụ thuộc vào các quốc gia cung cấp nhiên liệu hóa thạch. Nhiều quốc gia khác ở châu Âu cũng đã lựa chọn việc hồi sinh năng lượng hạt nhân từ trước khi xảy ra cuộc xung đột tại Ukraine và đang tiếp tục đi trên con đường này. Pháp có dự án xây dựng 6 lò phản ứng kiểu EPR (lò phản ứng nước áp lực thế hệ thứ ba). Ba Lan là nước muốn xây dựng 6 đến 9 GW điện hạt nhân vào năm 2043. Thậm chí Anh cũng muốn xây dựng tại Sizewell các lò phản ứng giống như mô hình đã được Tập đoàn điện lực Pháp (EDF) thực hiện trong dự án Hinkley Point C tại Somerset. Đức và Bỉ dù chưa có những kế hoạch chi tiết như vậy nhưng cũng đã khẩn trương hoãn thời hạn đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân của họ.

Những quyết định chính trị mang tính đảo ngược này rất đáng chú ý, đặc biệt là đối với Đức, nước đã coi việc từ bỏ điện hạt nhân là nền tảng trong chính sách năng lượng của mình.Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), ông Fatih Birol, nhận định trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng và giá nhiên liệu hóa thạch tăng cao như hiện nay, điện hạt nhân có thể trở lại vị trí hàng đầu.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/nga-canh-bao-nguy-co-thieu-hut-nang-luong-san-sang-noi-lai-viec-cung-cap-khi-dot-cho-chau-au-post271427.html