Ngân hàng kiến nghị hỗ trợ nhanh các trường hợp chuyển giao bắt buộc và thu hồi tài sản nợ xấu
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2025, các ngân hàng kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ đã được phê duyệt theo phương án nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém; hỗ trợ cơ sở pháp lý để xử lý vướng mắc khi thu hồi nợ...
Ngày 14/12, Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2025. Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và lãnh đạo các tổ chức tín dụng.
Báo cáo tại hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết năm 2024, trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo ở mức cao, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp, qua đó có điều kiện để hỗ trợ nền kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước cũng đôn đốc các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện báo cáo và công bố công khai mức lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân trên trang thông tin điện tử của mình.
"Tỷ giá và thị trường ngoại tệ năm 2024 chịu áp lực lớn, đa chiều và thay đổi nhanh chóng do diễn biến kinh tế - chính trị quốc tế khó lường. Đồng USD quốc tế tăng mạnh cộng hưởng với những yếu tố khó khăn trong nước như chênh lệch lãi suất VND-USD trên thị trường liên ngân hàng có thời điểm âm, cân đối cung cầu ngoại tệ kém thuận lợi trong nhiều giai đoạn. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tỷ giá linh hoạt, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để hạn chế áp lực tỷ giá, ổn định thị trường", Phó Thống đốc cho biết.
MẶT BẰNG LÃI SUẤT CHO VAY GIẢM 0,96%
Theo báo cáo lãi suất của các ngân hàng thương mại, đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm khoảng 0,96%/năm so với cuối năm 2023.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi và nỗ lực hơn nữa để giảm mặt bằng lãi suất cho vay thông qua tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Tính đến ngày 13/12, tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 12,5% so với cuối năm 2023, tập trung vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
Đại diện VietinBank, Chủ tịch Trần Minh Bình cho biết tính đến 30/11, dư nợ tín dụng của ngân hàng đạt 1,7 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 14,2% so với cuối năm 2023. Dự kiến đến hết năm nay, tăng trưởng tín dụng của VietinBank đạt khoảng trên 15%, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức khoảng 1,1%.
Theo ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Agribank, hiện nay, lãi suất cho vay của bình quân Agribank đã giảm gần 2% so đầu năm và thuộc nhóm thấp trên thị trường. Bên cạnh đó, Agribank dành nguồn lực chủ động triển khai nhiều chương trình, gói tín dụng đặc thù, ưu đãi lãi suất theo từng đối tượng khách hàng với lãi suất thấp hơn từ 2-3%/năm so với lãi suất thông thường.
“Ngay sau khi cơn bão số 3 gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, Agribank đã thực hiện ngay việc giảm từ 0,5% đến 2%/năm lãi suất cho vay và miễn, giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ 06/9/2024 đến 31/12/2024 đối với dư nợ hiện hữu; giảm 0,5%/năm lãi suất đối với khoản vay mới phát sinh từ ngày 6/9/2024 đến hết năm 2024 để giúp khách hàng sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất kinh doanh", ông Phạm Toàn Vượng nói.
Cũng tại Agribank, đến 30/11/2024, dư nợ được giảm lãi suất hỗ trợ hơn 39.000 tỷ đồng, số tiền lãi hỗ trợ là 30 tỷ với 25.000 khách hàng.
Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị MB, cho biết thực hiện chủ trương chuyển đổi số của Chính phủ, ngành ngân hàng, MB liên tục nâng tỷ lệ giao dịch trên kênh số, đến nay đạt xấp xỉ 97%, hệ thống thanh toán thuận tiện, an toàn, bảo mật.
Đến cuối tháng 11/2024, tăng trưởng tín dụng của MB đạt 18,5%, trong đó dư nợ cho nhóm ngành ưu tiên theo định hướng của Chính phủ chiếm gần 65%. Ngân hàng điều hành lãi suất theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước; hỗ trợ khách hàng tiếp cận vốn vay, tháo gỡ khó khăn nhằm kích thích phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hiện, tỷ lệ nợ xấu của Tập đoàn MB dưới 1,7%, riêng ngân hàng mẹ dưới 1,5% và được trích lập dự phòng đầy đủ; các chỉ số an toàn tuân thủ đảm bảo theo quy định.
TIẾP TỤC TRIỂN KHAI CÓ HIỆU QUẢ CÁC GIẢI PHÁP HỖ TRỢ VỐN CHO DOANH NGHIỆP
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đánh giá cao năng lực điều hành của Ngân hàng Nhà nước và sự hợp tác của các ngân hàng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Chính phủ giao cho ngành. Đó là nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân sớm ổn định sản xuất, kinh doanh, phục hồi tăng trưởng sau nhiều năm bị tác động tiêu cực bởi đại dịch và biến cố chính trị trên thế giới.
"Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ hợp lý, hiệu quả, lãi suất ổn định và có xu hướng giảm để hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế; tăng trưởng tín dụng tốt; Ổn định tỷ giá; Hỗ trợ tín dụng cho các khách hàng bị ảnh hưởng bão số 3 gây ra; Tái cơ cấu 2 ngân hàng; Thanh khoản được bảo đảm…", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2025.
Trước tiên, Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát tình hình kinh tế thế giới để sẵn sàng các giải pháp điều hành kịp thời, phù hợp, hiệu quả. Điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá ổn định, hợp lý; kiểm soát tốt lạm phát, điều hành tín dụng phù hợp để thúc đẩy phát triển kinh tế. Phối hợp chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác để đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, giảm nợ xấu cũng như các cân đối vĩ mô.
Thứ hai, Phó Thủ tướng lưu ý việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải bảo đảm hoạt động bình thường của hệ thống ngân hàng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, không để gián đoạn.
Thứ ba,Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ trên tinh thần “cả hai cùng thắng”. Tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ vốn cho phát triển xanh, sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, năng lượng sạch.
Thứ tư,đẩy mạnh xử lý nợ xấu; tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém; phòng, chống rửa tiền; tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế trong lĩnh vực ngân hàng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát, kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm minh bạch, bình đẳng giữa các ngân hàng, doanh nghiệp, bảo đảm an toàn của hệ thống ngân hàng.
Thứ năm,tăng cường bảo mật và bảo đảm an toàn trong hoạt động thanh toán của ngân hàng; đẩy mạnh phát triển ngân hàng số, thanh toán điện tử, nâng cao tiện ích cho khách hàng…
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cần lưu ý và có chỉ đạo sát sao Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam, phát huy tốt nhất công cụ tài chính của Chính phủ trong sự nghiệp xóa đói giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội đối với tầng lớp yếu thế và các chương trình mục tiêu của Nhà nước.
ĐẨY MẠNH XỬ LÝ NỢ XẤU, TÁI CƠ CẤU CÁC NGÂN HÀNG YẾU KÉM
Báo cáo tại hội nghị về tiến độ tái cơ cấu Ngân hàng TNHH MTV Oceanbank sau khi chính thức nhận chuyển giao ngày 17/10/2024, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị MB cho biết đến nay, MB đã hoàn thiện mô hình tổ chức mới và kiện toàn bộ máy nhân sự chủ chốt gồm Hội đồng Thành viên, Ban Kiểm soát, Ban điều hành.
“Theo đó, ngày 10/12/2024, MB đã hoàn tất trao quyết định các nhân sự chủ chốt là Hội đồng Thành viên và Ban kiểm soát của Oceanbank. MB đã cử gần 80 nhân sự có chất lượng cao, dày dạn kinh nghiệm, có phẩm chất đạo đức tốt được MB lựa chọn, để bổ sung cho OceanBank, sắp xếp và đào tạo đội ngũ nhân sự Oceanbank về nghiệp vụ, kỹ năng đảm bảo thu nhập cho người lao động”, ông Thái cho biết.
Kể từ ngày 17/10 đến 13/12, tăng trưởng huy động vốn của OceanBank đạt 1.229 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng thêm 555 tỷ đồng. MB và OceanBank đã triển khai các khoản bán nợ quy mô gần 6 nghìn tỷ đồng. Quá trình hoạt động sau chuyển giao diễn ra suôn sẻ, tuyệt đối an toàn, không có gián đoạn giao dịch hoặc sự cố.
Năm 2025 cũng là năm cuối cùng triển khai phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 của Agribank, theo Tổng giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng, giai đoạn 2021 – 2024, ngân hàng đã xử lý được gần 138.000 tỷ đồng nợ xấu.
“Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, nợ tại VAMC chưa xử lý đến 10/12/2024 còn 3,74% (giảm 2,29% so với cuối năm 202). Trong năm 2024, tổng nợ xấu xử lý, thu hồi là 41.059 tỷ đồng, thu nợ xử lý rủi ro 11.000 tỷ đồng”, ông Phạm Toàn Vượng cho biết.
Dự kiến năm 2024, Agribank sẽ đạt kết quả kinh doanh cao nhất sau 4 năm triển khai phương án cơ cấu lại. Tổng tài sản ước tăng 7%, nguồn vốn tăng trên 6%, dư nợ tăng 11%, tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 1,6%, lợi nhuận trước thuế tăng 8%. Năm 2025, Agribank đặt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 1% và hoàn thành mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, nợ bán cho VAMC chưa xử lý về dưới mức 3% vào cuối năm 2025 (phấn đấu khoảng 2,6%).
Chủ tịch VietinBank Trần Minh Bình kiến nghị Chính phủ và ngân hàng Nhà nước có quy định về trích lập dự phòng rủi ro trong hoạt động công nghệ thông tin cho hệ thống ngân hàng để đảm bảo chuyển đổi số an toàn.
Liên quan đến vấn đề phát triển nguồn nhân lực cao cho chuyển đổi số, nhiều ngân hàng cho biết đang gặp khó trong việc tuyển dụng, trả lương cho nhiều vị trí có thể rất cao. Điều này có thể phá vỡ quỹ lương của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại Nhà nước. Do đó, Chủ tịch VietinBank mong Ngân hàng Nhà nước xem xét cơ chế ngoại lệ trong quy định dành cho các nhân tài trong lĩnh vực chuyển đổi số của các cơ quan nhà nước.
Đồng thời, Chủ tịch VietinBank kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hỗ trợ xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu, các chương trình trao đổi hợp tác về nhân sự trong lĩnh vực chuyển đổi số tầm thế giới và khu vực.
Đáng chú ý, lãnh đạo VietinBank kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sớm tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng. Đây là nghị định quan trọng giúp hoạt động chuyển đổi của ngành ngân hàng được thành công.