Ngân hàng mở trở thành trọng tâm tại Ngày thẻ Việt Nam 2024

Sáng 26/9, Ngân hàng Nhà nước tổ chức họp báo công bố sự kiện Ngày thẻ Việt Nam 2024 với chủ đề 'Sống Chill - Thanh toán chất'.

Phát biểu tại sự kiện, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước cho biết, cả nước hiện có trên 84 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 50 tổ chức triển khai thanh toán qua điện thoại di động.

Thanh toán, chuyển tiền qua Internet, điện thoại di động, QR Code đang thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng. Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản ngân hàng đạt 87,08%.

"Các tổ chức tín dụng đang có xu hướng dịch chuyển từ mô hình ngân hàng truyền thống sang mô hình ngân hàng mở, tăng cường sự kết nối và tích hợp công nghệ trong nhiều lĩnh vực, trở thành cầu nối trao đổi thông tin giữa ngân hàng và doanh nghiệp, hỗ trợ thực hiện tốt các hoạt động thanh toán tiêu dùng hay sản xuất kinh doanh với mục tiêu khách hàng là trung tâm. Nhiều lựa chọn, dịch vụ được cá nhân hóa tốt hơn nhưng vẫn đảm bảo an toàn, bảo mật, qua đó góp phần phổ biến thanh toán không dùng tiền mặt đến với người dân, doanh nghiệp," ông Phạm Anh Tuấn nhận định.

Theo đại diện NHNN, tại chuỗi sự kiện Ngày thẻ Việt Nam năm 2024 sắp tới, khái niệm về ngân hàng mở được đề cập trong bối cảnh ngành ngân hàng đang đứng trước số hóa toàn diện, ngân hàng chia sẻ dữ liệu với bên thứ 3 để mang đến trải nghiệm mới mẻ cho khách hàng. Xu hướng ngân hàng mở là một trong những xu hướng, động lực chính thúc đẩy sự thay đổi, hứa hẹn tạo ra bước phát triển đột phá về cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.

Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước phát biểu tại họp báo.

Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước phát biểu tại họp báo.

Tiếp nối các năm 2020, 2021 và 2023, Ngày thẻ Việt Nam 2024 sẽ tiếp tục góp phần hiện thực hóa các mục tiêu Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 và Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ.

Qua đó tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế với mức tăng trưởng cao, đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế và đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công.

Lãnh đạo NHNN tin tưởng rằng, chuỗi sự kiện Ngày thẻ Việt Nam 2024 sẽ đưa ra các trải nghiệm thực tế về hình thức thanh toán hiện đại, tiệm cận với trình độ công nghệ của thế giới như thanh toán bằng thẻ chip phi tiếp xúc (contactless), thanh toán không dây trong phạm vi ngắn – NFC (Near-Field Communications), thanh toán trực tuyến lẫn ngoại tuyến tại điểm bán qua mã QR... kết hợp với các giải pháp, dịch vụ hỗ trợ như xác thực sinh trắc học bảo mật, mã hóa thông tin thẻ (tokenization), định danh điện tử (eKYC) an toàn, thuận tiện.

Trong khuôn khổ Ngày thẻ Việt Nam 2024 sẽ có 6 hoạt động chính: họp báo công bố chuỗi sự kiện ngày 26/9; chiến dịch Megasale Online (30/9 - 26/10); Hội thảo chuyên đề tại ngày 2/10; Hội thảo hướng nghiệp tại Trường đại học Kinh tế Quốc dân (ngày 4/10); Sư kiện ngày thẻ Việt Nam 2024 - Sóng Festival tại sân vận động Bách Khoa (5 - 6/10).

Ngày thẻ Việt Nam 2024 - Sóng Festival là nơi diễn ra mọi trải nghiệm thanh toán của khách hàng trên các thiết bị. Cùng với việc mang các trải nghiệm phương thức thanh toán mới nhất đến với giới trẻ, các đơn vị tham gia còn mang tới chương trình nhiều phần quà thiết thực. Sóng Festival là sự kiện quy tụ nhiều gian hàng đến từ: 26 ngân hàng thương mại và các tổ chức thẻ quốc tế, các Merchant (đơn vị chấp nhận thanh toán) lớn sẽ tham gia.

Thu Trang

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/ngan-hang-mo-tro-thanh-trong-tam-tai-ngay-the-viet-nam-2024-33775.html