Ngăn ngừa tệ nạn ma túy

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy và tình hình người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao. Người nghiện ma túy đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa, tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn.

Một cán bộ quản lý tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh (thuộc xã Suối Cao, H.Xuân Lộc, bìa phải) đang tổ chức cho học viên tại đây tham gia lao động trị liệu. Ảnh: T.Tâm

Một cán bộ quản lý tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh (thuộc xã Suối Cao, H.Xuân Lộc, bìa phải) đang tổ chức cho học viên tại đây tham gia lao động trị liệu. Ảnh: T.Tâm

Do đó, ngoài tăng hiệu quả cho công tác cai nghiện thì cần chú trọng hơn nữa công tác phòng ngừa. Đặc biệt là cần tăng cường các giải pháp nhằm bảo vệ thế hệ trẻ trước tệ nạn ma túy.

* Thử một lần, mất một đời

Những năm gần đây, tỷ lệ thanh, thiếu niên bị “cuốn” vào vòng xoáy của ma túy đang ngày càng nhiều và trẻ hóa. Từ những người khỏe mạnh, có việc làm, cuộc sống ổn định bỗng chốc trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội chỉ vì vướng vào vòng xoáy của ma túy mà không có lối thoát.

Trong căn phòng tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh (đóng tại xã Suối Cao, H.Xuân Lộc), anh T.T.N. (32 tuổi, ngụ TT.Long Thành, H.Long Thành) không khỏi xót xa vì bản thân vẫn không thể thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn của ma túy. Đôi môi của anh N. thâm tím, nước da ngăm đen, sần sùi cùng với cơ thể ốm yếu đã cho thấy rõ anh N. là người sử dụng ma túy trong nhiều năm. Đây đã là lần thứ 3 anh N. bị đưa đi cai nghiện bắt buộc.

Anh N. kể, từ năm 2012-2016, anh từng là công nhân ưu tú trong một công ty sản xuất giày tại H.Long Thành. Do chưa có vợ con nên cứ mỗi buổi chiều sau giờ tan ca, anh N. tụ tập cùng một số bạn bè tại quán nhậu. Trong một lần đi quán bar, anh N. đã bị bạn bè rủ chơi ma túy. Sử dụng nhiều lần thành thói quen, từ đó anh trở thành “con nghiện” và bị đưa đi cai nghiện bắt buộc nhiều lần.

Nhìn anh T.T.V. (27 tuổi, ngụ xã Quảng Tiến, H.Trảng Bom) nhanh tay thu hoạch từng nhánh tràm non tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh ít ai nghĩ anh là người nghiện lâu năm và đã 2 lần bị đưa đi cai nghiện bắt buộc. Khi được hỏi về quá trình nghiện ma túy và cai nghiện, anh V. bật khóc. Anh cho rằng, dù bản thân đã cố gắng nhưng việc cai nghiện của anh trong gần 8 năm qua vẫn mãi ở “vạch xuất phát”.

Theo anh V., ngay từ khi học hết lớp 9, cha mẹ anh ly hôn. Vì không được sự quan tâm của cả cha lẫn mẹ nên anh nghỉ học rồi lang thang tụ tập cùng bạn bè xấu. Sau đó, anh đến TP.HCM sinh sống cùng bạn, bắt đầu sử dụng ma túy và nghiện.

“Tôi vẫn nhớ mãi lần đầu mình sử dụng ma túy và vì cơ thể chưa thích ứng được nên đã bị say vật vã. Sau đó, bị bạn bè dè bỉu nên tôi lại cố chứng tỏ mình bằng việc dùng ma túy nhiều hơn. Lâu dần, tôi nghiện ma túy và trượt dài trên con đường nghiện ngập. Giờ thì tôi vẫn đang nỗ lực cai nghiện để thoát ra khỏi ma túy” - anh V. chia sẻ.

Những người nghiện ma túy vẫn tưởng dùng ma túy để chứng tỏ bản thân, để thử cảm giác khoái lạc. Họ không nghĩ rằng, ma túy đã “nuốt trọn” thanh xuân của mỗi người và bào mòn cuộc sống của họ theo thời gian. Để đến khi nhận ra được sự nguy hại của ma túy thì họ đã để lỡ nhiều cơ hội trong cuộc sống, trong công việc, sức khỏe bị suy giảm, kinh tế kiệt quệ, gây không ít hệ lụy cho gia đình và xã hội.

* Bảo vệ thế hệ trẻ khỏi ma túy

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh, thành phần đối tượng nghiện ma túy tập trung chủ yếu ở nhóm có trình độ học vấn thấp, đối tượng có tiền án, tiền sự, không nghề nghiệp, không có thu nhập ổn định. Hơn nữa, các loại ma túy ngày càng phong phú, dễ sử dụng hơn trước khiến cho ma túy ngày càng dễ dàng xâm nhập vào giới trẻ.

Trưởng phòng Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TBXH) Đặng Xuân Hòa cho hay, hiện tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ANTT do số người sử dụng trái phép chất ma túy được lập hồ sơ quản lý, theo dõi còn thấp so với tổng số người sử dụng trái phép chất ma túy (chỉ chiếm gần 45%). Đặc biệt hơn là tỷ lệ những người hoàn thành chương trình cai nghiện tái nghiện vẫn còn cao.

“Số lượng người nghiện báo cáo giảm chủ yếu là do trước đây các địa phương thống kê số liệu người sử dụng trái phép chất ma túy chưa chính xác. Một số nơi còn nhầm lẫn giữa người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy nên báo cáo số liệu người nghiện trùng với số người sử dụng trái phép chất ma túy. Ngoài ra, có một số người nghiện ma túy cũng di chuyển sang địa bàn khác nên số người nghiện trên địa bàn giảm đáng kể” - ông Đặng Xuân Hòa cho hay.

Trước thực trạng trên, trong những năm qua, ngoài công tác tiếp nhận, điều trị, cắt cơn cho người nghiện ma túy tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh đạt hiệu quả cao thì các địa phương cũng đã tiến hành điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng. Các địa phương đã tiến hành lựa chọn địa điểm, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, bố trí nguồn nhân lực và đã thành lập, đi vào hoạt động 8 cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng tập trung tại các địa phương: Định Quán, Long Thành, Nhơn Trạch, Tân Phú, Thống Nhất, Xuân Lộc, Vĩnh Cửu và Biên Hòa.

Ngoài ra, tại các xã, phường cũng đã thành lập và đi vào hoạt động 170 điểm tư vấn, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng cấp xã với gần 960 thành viên. Trong năm 2022, các điểm này đã tổ chức tư vấn cho gần 1,5 ngàn người.

Nhằm kéo giảm số lượng người nghiện ma túy và bảo vệ thế hệ trẻ trước tác hại khôn lường của ma túy, thời gian tới, Ban Chỉ đạo phòng chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh đề nghị các ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội cần chung tay đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục về tác hại của ma túy, thực hiện cai nghiện ma túy bằng nhiều nội dung phong phú, hình thức phù hợp. Nhất là tập trung tuyên truyền trong các trường học, nhà trọ, khu công nghiệp hoặc các khu vực vùng sâu, vùng xa…

Bên cạnh công tác phát động toàn dân tích cực tham gia phòng, chống ma túy, tố giác tội phạm về ma túy, cũng cần chú trọng công tác nắm tình hình, quản lý chặt địa bàn, đối tượng để sớm phát hiện và triệt xóa các đường dây vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy; đồng thời quản lý tốt người nghiện, hỗ trợ vốn, tạo việc làm, giúp họ có cuộc sống ổn định, tránh tình trạng tái nghiện.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 3,7 ngàn người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (giảm hơn 850 người so với cuối năm 2021). Trong đó, số người nghiện ma túy từ 16-30 tuổi chiếm tỷ lệ hơn 46%.

Tố Tâm

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202303/ngan-ngua-te-nan-ma-tuy-3161773/