Ngành da giày cần cú hích mới để 'thoát' phận gia công

Ngành công nghiệp da giày là một trong những ngành hàng xuất khẩu mũi nhọn, chỉ đứng sau dệt may và dầu thô. Nhưng cả một thời gian dài với tính chất gia-công-thuần-túy đã khiến giá trị gia tăng của ngành này đạt thấp, trong khi lại không chủ động được đơn hàng và nguồn nguyên liệu.

Ngành mũi nhọn, nhiều tiềm năng

Theo Bộ Công thương, vào những năm 1990, ngành da giày Việt Nam chủ yếu may mũi giày để xuất sang Liên Xô, với chất lượng không cao và chủng loại ít. Hiện ngành giày da Việt Nam đứng thứ tư trong số tám quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới, nhưng 90% sản phẩm của Việt Nam là hàng gia công.

Thật vậy,với 812 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động (hầu hết làm gia công ở tầng thứ 2, thứ 3, với hơn 70% các DN xuất khẩu lớn là công ty liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài, phụ thuộc nhiều vào các đối tác về thiết bị kỹ thuật, công nghệ, thiết kế sản phẩm, nguồn cung cấp nguyên liệu thô, phụ liệu và thị trường).

Ngành da giày cũng đã thu hút hơn 624.000 lao động trên cả nước, 75% là lao động nữ. Trong đó, các DN sản xuất giày dép chiếm tỷ trọng lớn (63,5%), kế đến là DN sản xuất cặp, túi, vì các loại (32%), số còn lại là các DN sản xuất da thuộc.

Trong giai đoạn năm 2010-2013, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của ngành da-giày-túi xách đạt 10-15%. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành đạt 10 tỷ USD, trong đó các sản phẩm da, giày đạt 8,3 tỷ USD, các sản phẩm túi cặp đạt 1,7 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 8% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Hiện cứ ba đôi giày tiêu thụ nội địa là có một đôi do Việt Nam sản xuất và với quy mô 130 triệu đôi giày tiêu thụ trong năm 2013 cho thấy triển vọng thị trường nội địa sản phẩm da giày ở Việt Nam cũng rất rộng lớn và đang tiếp tục tăng trưởng.

Ghi nhận trong bốn tháng đầu năm 2014, xuất khẩu toàn ngành cũng đạt 3,7 tỷ USD, tăng trên 26% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, sản phẩm giày dép đạt 2,9 tỷ USD, các sản phẩm túi xách, vali, cặp, dù đạt 817 triệu USD. Trong đó kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU đạt 984 triệu USD, tăng 26,7%, thị trường Mỹ đạt 947 triệu USD, tăng 26,5%, thị trường Nhật Bản đạt 171 triệu USD, tăng 43,2% và thị trường Trung Quốc đạt 150 triệu USD, tăng 31,4%... so với cùng kỳ năm trước. Nhiều DN da giày đã có đơn hàng đến hết quý III.

Có thể thấy rằng sự tăng trưởng ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày trong những tháng đầu năm có sự hậu thuẫn lớn từ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) từ thị trường EU. Bên cạnh đó thị trường EU, Mỹ có nhiều khởi sắc do tình hình kinh tế đã bắt đầu ổn định. Ngoài ra với lợi thế ổn định về chính trị, lao động, chất lượng hàng hóa, Việt Nam đã và đang thu hút được rất nhiều đơn hàng của các nước khác chuyển sang. Ngành đang có nhiều lợi thế xuất khẩu vào thị trường EU, giữ vị trí lợi thế số 2 sau Trung Quốc, nhưng đang đối mặt với cạnh tranh mạnh từ các nước Ấn Độ, Indonesia.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển ngành da giày Việt Nam đến năm 2020, tần nhìn 2025, đến năm 2020 mục tiêu của ngành Da-Giày Việt Nam là trở thành ngành công nghiệp xuất khẩu mũi nhọn của nền kinh tế, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho xã hội, nâng cao thu nhập cho người lao động và thực hiện tốt trách nhiệm đối với xã hội. Theo đó, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt 9,11 tỷ USD, năm 2020 đạt 14,5 tỷ USD; nâng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, trong đó năm 2015 đạt 60-65% , năm 2020 đạt 75-80%; với sản phẩm chiến lược là giày dép.

Chủ động nắm bắt hay “chờ” cơ hội mới

Thời gian qua, giày vải, mặt hàng vốn là thế mạnh của Việt Nam cũng bị hàng của Trung Quốc lấn át và Việt Nam hiện xuất khẩu chủ yếu là hàng thể thao, giày dép, hài đi trong nhà.

Trên thực tế, Việt Nam đã chủ động được nguyên liệu giày vải (100%) và một số dòng sản phẩm khác (30-40%), nhưng vẫn có đến 70% DN phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu nước ngoài; chủ yếu nhập nguồn nguyên liệu da giày từ ba thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan, số còn lại là các nước Italia và Tây Ban Nha với tỷ trọng không đáng kể.

Theo các điều kiện đang được đàm phán (chưa chính thức), để được hưởng mức thuế còn 0% thay vì mức 3,5-57,4% như hiện nay vào các thị trường TPP, ngành Da giày phải bảo đảm được 55% xuất xứ khu vực.

Nếu Hiệp định TPP được ký kết thì sẽ tạo động lực và cơ hội mới phát triển ngành da-giày Việt Nam. Được biết, hãng Nike đang lấy Việt Nam là địa điểm gia công lớn nhất để xuất khẩu sang Mỹ và như vậy sẽ được hưởng thuế suất 0%, thay vì 12% hiện tại.

Ngoài ra, khi FTA giữa Việt Nam với EU được ký kết cũng sẽ tạo cơ hội lớn cho ngành công nghiệp da giày Việt Nam, nhờ việc cắt giảm thuế từ 12,4% về 0% tại thị trường chung của 27 nước EU với dân số 499 triệu dân và thu nhập đầu người cao.

Hiện nay nhiều DN FDI đã dịch chuyển nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu sang Việt Nam để phục vụ cho sản phẩm xuất khẩu của họ. Trong khi các DN nước ta thì khá mơ hồ và thờ ơ về TPP. Hiện nhiều DN chưa biết và chưa có động thái gì chuẩn bị đón cơ hội này!

Một thực tế cho thấy, không chỉ dừng lại ở xác định mục tiêu của ngành trên giấy tờ, mà cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về các cơ hội, thuận lợi và thách thức từ TPP và các FTA giữa Việt Nam với EU và các đối tác khác cho các DN Việt Nam.

Đặc biệt, cần sớm có những quy hoạch vùng công nghiệp da giày, kể cả cho ngành thuộc da, quy mô lớn vài trăm ha, thuận tiện cho bảo vệ môi trường và tổ chức sản xuất tập trung, phát triển công nghiệp phụ trợ, với các cơ chế, chính sách trên thực tế thích hợp.

Đồng thời, cần có kế hoạch đa dạng hóa nguồn nguyên liệu cung ứng nhập khẩu và sản xuất, phát triển các khâu thiết kế, chế tạo mẫu mã và ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để chủ động sản xuất các sản phẩm da giày với thương hiệu Việt, chất lượng cao và giá thành cạnh tranh.

TS. NGUYỄN MINH PHONG

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/kinhte/nhan-dinh/item/23709702-nganh-da-giay-can-cu-hich-moi-de-thoat-phan-gia-cong.html