Ngành Da giày sẵn sàng đương đầu với thách thức mới

Năm 2012, ngành da giày Việt Nam chứng kiến sự sụt giảm đơn hàng đáng kể từ những thị trường nhập khẩu chính, nhưng cuối cùng vẫn về đích với kim ngạch 8,5 tỷ USD. Chính điều này đã khiến ngành tự tin đặt mục tiêu xuất khẩu 9,5 tỷ USD trong năm 2013.

 Năm 2013, chi phí đầu vào của doanh nghiệp da giày tăng khoảng 30%-Ảnh minh họa

Năm 2013, chi phí đầu vào của doanh nghiệp da giày tăng khoảng 30%-Ảnh minh họa

Kết quả đạt được trong năm qua là do các doanh nghiệp tiếp cận được các thị trường mới có mức tăng trưởng hết sức ấn tượng so với năm 2011 như: Slovakia tăng 205,34%, Đan Mạch tăng 129,77%, Ba Lan tăng 121,35%... Việc tìm kiếm thị trường mới đang là chiến lược dài hơi của ngành Da giày cũng như một số ngành xuất khẩu chủ lực khác.

Giải pháp chủ yếu được các doanh nghiệp da giày lựa chọn trong tình hình hiện nay là điều chỉnh sản xuất, tiết giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, thậm chí chấp nhận hòa vốn đối với những đơn hàng nhỏ lẻ để giữ chân khách hàng, ổn định được đơn hàng.

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso) cho biết trừ một số doanh nghiệp có quy mô nhỏ vẫn còn khó khăn trong việc tiếp nhận các đơn hàng gia công, phần lớn các doanh nghiệp có quy mô, có thương hiệu xuất khẩu đều đạt được những hợp đồng đến hết quý II/2013, với giá đơn hàng cơ bản được giữ bằng so với năm 2012.

Đánh giá các thị trường xuất khẩu trọng điểm của ngành năm 2013, ông Kiệt cho rằng thị trường Mỹ sẽ có đơn hàng xuất khẩu tăng khoảng 10% so với năm 2012 do tác động tích cực từ cơ hội mở ra của Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) như thuế suất đối với ngành hàng da giày vào Hoa Kỳ sẽ giảm.

Với EU, mức ổn định đơn hàng được dự báo tăng lên, thay vì sụt giảm ở mức 5-10% như của năm 2012, khi các vòng đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU bắt đầu trong giai đoạn khởi động.

Tuy nhiên, cơ hội này cũng chính là thách thức cho hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu da giày Việt Nam, vì khi TPP được thông qua sẽ có quy định bắt buộc về tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu đối với sản phẩm giày để được hưởng ưu đãi.

Ngoài ra, khi nhận được đơn hàng, niềm vui chưa hẳn đã trọn vẹn, vì dù giá đơn hàng có thể tương đương năm 2012 nhưng các chi phí đầu vào của doanh nghiệp trong năm 2013 dự kiến tăng khoảng 30%, như vậy làm nhiều chưa chắc lãi. Thêm vào đó, một thách thức rất lớn khác đang đặt ra với toàn ngành chính là năng suất lao động thấp hơn đến 30% so với một số nước trong khu vực.

Công Trí

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/nganh-da-giay-san-sang-duong-dau-voi-thach-thuc-moi/20131/159139.vgp