Ngành Giáo dục và Đào tạo chủ động, linh hoạt thích ứng với dịch COVID-19

Năm học 2021-2022, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai các giải pháp đồng bộ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo với tinh thần chủ động, sáng tạo; các cơ sở giáo dục đã và đang triển khai kế hoạch dạy học linh hoạt, ứng phó với tình hình dịch COVID-19, đảm bảo chất lượng, tiến độ kế hoạch năm học. Phóng viên Báo Phú Thọ đã có cuộc trò chuyện với Nhà giáo Ưu tú Phùng Quốc Lập - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT.

Nhà giáo Ưu tú Phùng Quốc Lập

Phóng viên: Thưa đồng chí, trước diễn biến của dịch COVID-19, ngành GD&ĐT đã có những giải pháp như thế nào để chỉ đạo các cơ sở giáo dục đảm bảo ứng phó với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh?

Giáo viên Trường Tiểu học Cổ Tiết, huyện Tam Nông dạy trực tuyến (ảnh chụp ngày 22/2)

Nhà giáo Ưu tú Phùng Quốc Lập: Nhằm đảm bảo an toàn trường học trước dịch COVID-19, ngay từ đầu năm học 2021-2022, Sở GD&ĐT đã kịp thời ban hành các văn bản, kế hoạch chỉ đạo việc dạy và học thích ứng an toàn, hiệu quả và ứng phó với dịch COVID-19. Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản về việc đảm bảo an toàn cho học sinh trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Thường xuyên theo dõi, cập nhật số liệu, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn; phối hợp với Sở Y tế, UBND các huyện, thị, thành để đánh giá tình hình và tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Phối hợp với UBND huyện, thị, thành thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Sau Tết nguyên đán Nhâm Dần, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Sở có văn bản yêu cầu phòng GD&ĐT các huyện, thị, thành: Chỉ đạo, tổ chức dạy học trực tuyến đối với giáo dục tiểu học, trung học cơ sở từ ngày 21/02/2022 cho đến khi có thông báo mới.

Riêng Giáo dục mầm non: Căn cứ tình hình dịch bệnh COVID-19 và điều kiện thực tế, các cơ sở giáo dục tiếp tục phối hợp với phụ huynh để thống nhất phương án chăm sóc trẻ đảm bảo an toàn; tạo điều kiện để phụ huynh tham gia lao động, sản xuất.

Chỉ đạo Phòng giáo dục và đào tạo, các Cơ sở giáo dục tổ chức dạy học thích ứng an toàn, linh hoạt; hoàn thành chương trình, kế hoạch giáo dục năm học 2021 - 2022 đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Đối với Giáo dục trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên: Căn cứ tình hình dịch bệnh COVID-19 và điều kiện thực tế, Sở GD&ĐT phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành chỉ đạo các đơn vị quyết định hình thức dạy học trực tiếp hoặc trực tuyến hoặc kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến đối với từng lớp, khối lớp hoặc toàn trường cho phù hợp.

Phối hợp với Sở Y tế: Rà soát lại các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học để tiếp tục có chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời. Phối hợp với các cơ sở y tế trên địa bàn tăng cường tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ năng phòng, chống dịch COVID-19 cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh; đánh giá nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19 và hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 đảm bảo an toàn cho học sinh khi đến trường.

Phóng Viên: Với dự báo tình hình dịch bệnh COVID-19 chưa có dấu hiệu kết thúc trong thời gian ngắn, vậy ngành giáo dục đã có phương án đối phó dài hơi ra sao trong bối cảnh này?

Nhà giáo Ưu tú Phùng Quốc Lập: Với dự báo tình hình dịch bệnh COVID-19 chưa có dấu hiệu kết thúc trong thời gian ngắn, toàn ngành xác định tiếp tục thực hiện "nhiệm vụ kép".Trong đó, vừa thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn, chỉ đạo các đơn vị, trường học chủ động xây dựng các hình thức dạy học thích ứng, phù hợp với các điều kiện hiện có của đơn vị.Tổ chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học, đảm bảo hoàn thành khung thời gian quy định và chuẩn bị tâm thế cho học sinh thực hiện kiểm tra, đánh giá để hoàn thành quá trình dạy học hiệu quả. Đối với các học sinh (tiểu học, THCS, THPT, GDTX) thuộc diện phải cách ly y tế, nhà trường phối hợp với phụ huynh để có phương án dạy học từ xa phù hợp (dạy học trực tuyến hoặc hướng dẫn học sinh học trên truyền hình, hướng dẫn học sinh tự học…). Căn cứ vào số lượng học sinh thuộc diện phải cách ly y tế cụ thể ở từng khối, lớp, các trường có thể chia thành các lớp, nhóm lớp để tổ chức dạy học trực tuyến vào các khung giờ phù hợp, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Đối với các trường tổ chức dạy học trực tiếp phải thực hiện nghiêm túc quy định 5K đối với tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và khách đến cơ quan; bố trí thời điểm ra vào lớp, thời gian nghỉ giữa các tiết học và quản lý học sinh đảm bảo phù hợp, an toàn. Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm về việc đảm bảo các quy định phòng, chống dịch COVID-19 tại đơn vị theo quy định.

Các đơn vị thường xuyên cập nhật các nội dung chỉ đạo của cơ quan cấp trên về công tác phòng, chống dịch COVID-19; theo dõi, nắm bắt tình hình diễn biến dịch bệnh COVID-19 tại địa phương và đơn vị để kịp thời báo cáo, đề xuất điều chỉnh phương án tổ chức dạy học cho phù hợp.

Học sinh Trường THPT Công nghiệp Việt Trì thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 (Ảnh chụp ngày 18/2)

Phóng viên: Ngành Giáo dục có những giải pháp gì để triển khai chương trình đúng kế hoạch và đảm bảo chất lượng giáo dục, nhất là khi phải học online hoặc học trên truyền hình?

Nhà giáo Ưu tú Phùng Quốc Lập: Do tình hình dịch bệnh COVID-19 rất phức tạp tại một số huyện, thị, thành nên Sở GD&ĐT đã linh hoạt từng giai đoạn diễn biến của dịch bệnh để quyết định các hình thức dạy học trực tiếp hoặc trực tuyến. Trong trường hợp các nhà trường, cấp học phải chuyển sang dạy học trực tuyến, Sở GD&ĐT đã có những giải pháp đảm bảo chất lượng dạy học trực tuyến và coi đây vẫn là giải pháp an toàn và hiệu quả để tổ chức dạy học:

Thứ nhất, giáo viên và học sinh các trường, nhiều ít đã có kinh nghiệm trong công tác dạy học trực tuyến từ năm học trước.

Thứ hai, ngay từ đầu năm học, từ lúc còn được dạy học trực tiếp, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường chuẩn bị về cơ sở vật chất, thiết bị hạ tầng cũng như học liệu để sẵn sàng chuyển sang hình thức học trực tuyến khi cần. Sở GD&ĐT đã chỉ đạo phòng GD&ĐT các huyện, thành, thị; các trường THPT trên địa bàn tỉnh bắt nhịp rất nhanh với việc chuyển đổi hình thức dạy học, ôn thi trực tuyến để hoàn thành đúng tiến độ chương trình năm học; Sở GD&ĐT đã thẩm định, lựa chọn các phần mềm dạy học trực tuyến phù hợp do như K12 Oline, VNPT-LMS, Teams, Zoom…để giới thiệu và tập huấn, hướng dẫn giáo viên sử dụng linh hoạt một số phần mềm hỗ trợ dạy, học trực tuyến tại nhà. … Nhằm bảo đảm yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật để tổ chức và quản lý hoạt động dạy học qua mạng internet, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường phối hợp với các nhà mạng như: FPT, VNPT, Vietel Phú Thọ hỗ trợ đường truyền, thiết bị. Các phương án dạy học trực tuyến được nhà trường thống nhất theo khung phân phối chương trình ở các môn một cách hợp lý, hiệu quả. Các giáo viên chủ động lựa chọn phương pháp và công cụ dạy học trực tuyến, đồng thời sắp xếp thời lượng dạy kiến thức hợp lý, phù hợp với điều kiện của từng học sinh ở mỗi đơn vị. Đến nay cơ bản giáo viên, học sinh các trường đã biết sử dụng được ít nhất một phần mềm để dạy và học trực tuyến.

Phóng viên: Xin cảm ơn Nhà giáo Ưu tú Phùng Quốc Lập về cuộc trò chuyện!

Hạnh Thúy

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/giao-duc/202202/nganh-giao-duc-va-dao-tao-chu-dong-linh-hoat-thich-ung-voi-dich-covid-19-182934