Ngành học từng bị xem nhẹ, nay trở thành chìa khóa dẫn lối nghề nghiệp tương lai
Chỉ vài năm trước, trí tuệ nhân tạo (AI) vẫn còn là một học phần phụ trong chương trình công nghệ thông tin tại phần lớn các trường đại học Việt Nam. Thế nhưng, làn sóng chuyển đổi số mạnh mẽ cùng nhu cầu nhân lực chất lượng cao đã đưa AI từ 'vai phụ' thành 'ngôi sao chính' trong giáo dục đại học, tạo ra một ngành học độc lập, bài bản và đầy triển vọng cho thế hệ sinh viên tương lai.

Ngành học mới nhưng lại mở ra tương lai sáng cho nhiều sinh viên
Tại các trung tâm giáo dục lớn trên cả nước, AI giờ đây không chỉ là một phần của công nghệ thông tin mà đã trở thành ngành học riêng biệt. Ở miền Bắc, Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội đều đã thiết lập chương trình đào tạo riêng về Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo. Đặc biệt, tại ĐHQG Hà Nội, chương trình kết hợp chặt chẽ giữa AI và robot, giúp sinh viên tiếp cận xu hướng liên ngành hiện đại.
Miền Trung chứng kiến sự đột phá của Đại học Duy Tân với mô hình liên kết quốc tế cùng Đại học Carnegie Mellon (Hoa Kỳ) là một trong những cái nôi của ngành AI toàn cầu. Sinh viên được học giáo trình chuẩn quốc tế và thực chiến trong các dự án thực tế từ năm hai.
Tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, những cái tên như Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Đại học Công nghệ Thông tin - ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, Đại học FPT và RMIT Việt Nam đang đầu tư mạnh vào cơ sở vật chất phục vụ đào tạo AI: từ phòng thí nghiệm deep learning, thị giác máy tính đến hệ thống dữ liệu lớn. Hầu hết các chương trình tại đây đều giảng dạy bằng tiếng Anh, hướng tới việc chuẩn bị cho sinh viên tham gia thị trường lao động toàn cầu.
Một điểm nổi bật trong các chương trình đào tạo AI hiện nay là tính thực tiễn cao, nhờ vào sự đồng hành sát sao của doanh nghiệp. Nhiều công ty công nghệ hàng đầu như VinAI, FPT.AI, Viettel AI, KMS Technology, Rikkeisoft… đã chủ động hợp tác với các trường đại học qua nhiều hình thức: tài trợ học bổng, tổ chức hội thảo chuyên sâu (workshop), tiếp nhận sinh viên thực tập và chia sẻ dữ liệu thực tế cho nghiên cứu.
PGS.TS Nguyễn Văn Thủy - Phó Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng nhận định: Sự kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường đang giúp sinh viên được “chạm” vào các bài toán thật từ rất sớm. Điều này giúp các em hiểu rõ hơn về quy trình triển khai sản phẩm AI, rèn luyện tư duy giải quyết vấn đề thực tế, một yếu tố rất quan trọng khi bước vào thị trường lao động.
Thực tế cho thấy nhiều sinh viên năm ba, năm tư tại các trường công nghệ đã có thể tham gia làm việc bán thời gian tại doanh nghiệp hoặc nhận dự án phát triển AI cá nhân, giúp rút ngắn đáng kể khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn.
Theo khảo sát của nhiều trung tâm tuyển dụng, AI đang thuộc nhóm ngành có thu nhập khởi điểm cao nhất hiện nay. Cử nhân AI mới ra trường nếu có kỹ năng tốt và kinh nghiệm thực tế có thể nhận lương từ 15 - 25 triệu đồng/tháng. Sau 2 - 3 năm làm việc, mức lương có thể tăng lên 30 - 40 triệu đồng/tháng, đặc biệt ở các vị trí như kỹ sư học máy (machine learning engineer), kỹ sư thị giác máy tính (computer vision engineer), hoặc DevOps cho nền tảng AI.
Tuy nhiên, con đường theo đuổi AI không hề bằng phẳng. Người học cần có nền tảng toán học vững chắc, thành thạo lập trình và phải liên tục cập nhật công nghệ mới, vốn thay đổi từng ngày. Tài liệu học phần lớn là tiếng Anh, khối lượng kiến thức rất lớn, khiến không ít sinh viên gặp khó khăn hoặc bỏ dở nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Sinh viên không chỉ học lý thuyết mà còn tham gia các dự án AI trong tự động hóa (robot, điều khiển thông minh) và AI trong năng lượng
TS. Lê Việt Thủy - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin, Đại học Kinh tế Quốc dân cảnh báo: AI không phải là ngành học để chạy theo trào lưu. Nó đòi hỏi tư duy logic, tính kiên trì và sự tò mò khám phá không ngừng. Những sinh viên thiếu sự chuẩn bị về kiến thức nền hoặc không có đam mê thật sự sẽ rất dễ bị lọt lại phía sau.
Ngoài cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp công nghệ, sinh viên ngành AI còn có thể lựa chọn làm nghiên cứu tại các viện/trường, khởi nghiệp với các startup công nghệ, hoặc làm việc từ xa với các tổ chức quốc tế. Mô hình làm việc xuyên biên giới, ứng tuyển thông qua nền tảng freelance như Upwork, Toptal… đang mở ra hướng đi linh hoạt và hấp dẫn cho kỹ sư AI Việt Nam, những người có kỹ năng tốt và tiếng Anh thành thạo.
Từ một chuyên ngành phụ trở thành một ngành học “hot” với nhu cầu nhân lực ngày càng cao, trí tuệ nhân tạo đang cho thấy sức hút mạnh mẽ của mình trong giáo dục đại học. Tuy không dễ chinh phục, nhưng với sự đầu tư bài bản từ trường học, doanh nghiệp và sự nỗ lực cá nhân, AI đang mở ra một tương lai nghề nghiệp đầy triển vọng cho sinh viên Việt Nam – những người mang khát vọng làm chủ công nghệ tương lai.