Ngành sắn chưa tận dụng được cơ hội từ các FTA

Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn chủ yếu vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc (chiếm khoảng 93% tổng sản lượng sắn và sản phẩm sắn xuất khẩu), trong khi bỏ ngỏ các cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mà Việt Nam đã có hiệp định thương mại tự do (FTA).

Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, thị trường Trung Quốc tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiếu tính ổn định. Thời gian vừa qua, Trung Quốc hay thay đổi về chính sách xuất nhập khẩu (cấm biên, đóng/mở nhiều cửa khẩu, danh sách xuất khẩu, thay đổi quy định nhãn mác bao bì, hạn chế số lượng xe qua cửa khẩu, thời gian mở cửa khẩu ít...) đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong đó có ngành sắn.

Xuất khẩu sắn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Xuất khẩu sắn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Hiện nay, đã bước vào niên vụ sản xuất 2021-2022 nhưng nhiều nhà máy sản xuất tại Tây Ninh vẫn ngừng hoạt động, nguồn cung sắn khan hiếm do ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội. Trong khi đó, nắng nóng gay gắt kéo dài khiến nhiều diện tích sắn trồng mới tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên bị héo hoặc chết khô.

Dịch bệnh COVID-19 cũng gây nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu nguyên liệu từ Campuchia và Lào về Việt Nam, làm gia tăng sự thiếu hụt lượng sắn củ tươi cung cấp cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn.

Cả nước hiện có hơn 130 nhà máy sản xuất tinh bột sắn quy mô công nghiệp, 7 nhà máy chế biến cồn và hàng trăm doanh nghiệp thương mại sắn. Công suất chế biến đã vượt quá so với nguyên liệu (so với 7 năm trước đã tăng gấp 2 về số lượng nhà máy và gấp 3 lần về công suất).

Năng suất sắn bình quân cả nước còn thấp, giá thành đầu vào cao, nguyên nhân cơ bản do chưa hình thành được nhiều vùng nguyên liệu tập trung có quy mô lớn. Bên cạnh đó, chưa có bộ giống sắn năng suất cao và kháng bệnh tốt, canh tác thiếu bền vững một phần do tập tục canh tác của người dân.

Đáng chú ý, Hiệp hội Sắn cũng bày tỏ mong muốn được hỗ trợ để xúc tiến mở rộng thị trường sang các nước, các khu vực có ký FTA với Việt Nam như EU, Hàn Quốc, Nhật Bản,...

V dụ, theo Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, tinh bột sắn là sản phẩm được cấp hạn ngạch miễn thuế quan (0%) đứng thứ hai sau lúa gạo, với số lượng là 30.000 tấn/năm (thuế suất nhập khẩu tinh bột sắn vào EU ngoài hạn ngạch là 166 EUR/tấn; sắn củ tươi, sắn đông lạnh cắt lát hoặc không ngoài hạn ngạch tính thuế là 9,5 EUR/kg).

Hiện nay, ngành sắn Việt Nam vẫn chưa tận dụng được các cơ hội nêu trên, Hiệp hội Sắn Việt Nam đang rất quan tâm và rất mong muốn xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước, các khu vực có ký FTA nhưng Hiệp hội chưa tiếp cận được các tổ chức xúc tiến thương mại hiệu quả để tận dụng các cơ hội hưởng hạn ngạch thuế quan và mở rộng thị trường xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn của Việt Nam. "Chúng tôi rất mong được sự giúp đỡ của Bộ Công Thương và các ban ngành liên quan về vấn đề này", Hiệp hội Sắn cho hay.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/nganh-san-chua-tan-dung-duoc-co-hoi-tu-cac-fta-1081304.html