Ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi: Thuộc tốp đầu về tăng trưởng

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, trong 5 tháng đầu năm, nhập khẩu thức ăn và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đạt 322,6 triệu USD, tăng hơn 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng ấn tượng nếu so sánh với tình hình nhập khẩu chung của cả nước giảm hơn 12% so với cùng kỳ năm 2019.

Một đại lý thức ăn chăn nuôi tại xã Quang Trung, H.Thống Nhất. Ảnh:B. Nguyên

Một đại lý thức ăn chăn nuôi tại xã Quang Trung, H.Thống Nhất. Ảnh:B. Nguyên

Đồng Nai thuộc tốp đầu cả nước trong ngành chế biến thức ăn chăn nuôi. Điều đáng mừng là các doanh nghiệp trong ngành chế biến thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang khôi phục và tăng trưởng tốt sau giai đoạn khó khăn.

* Hồi phục theo ngành chăn nuôi

Giá heo hơi tăng cao đang khuyến khích người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh quan tâm đến việc khôi phục lại sản xuất. Toàn tỉnh hiện đã có 407 cơ sở chăn nuôi heo tái đàn với hơn 277 ngàn con, đạt hơn 59% kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh vẫn chỉ đạt trên 2 triệu con và vẫn giảm hơn 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, đây vẫn là tín hiệu tích cực cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi heo khôi phục và ổn định sản xuất.

Theo báo cáo của Cục Thống kê Đồng Nai, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã đi vào sản xuất ổn định trở lại. Trong đó, có nhiều công ty chế biến thức ăn chăn nuôi có mức tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ đó, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành sản xuất, chế biến thức ăn gia súc, gia cầm đạt hơn 361 ngàn tấn, tăng hơn 7,4% so với cùng kỳ.

Đạt mức tăng trưởng tốt trong giai đoạn hiện nay là ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi gia cầm và thủy sản. Tính đến nay, tổng đàn gia cầm của tỉnh đạt trên 24,7 triệu con, tăng gần 3,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nuôi trồng thủy sản đạt mức tăng trưởng cao nhất với tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm đạt gần 33 ngàn tấn, tăng gần 4,8% so với cùng kỳ năm 2019.

H.Trảng Bom hiện đang là địa phương dẫn đầu về chăn nuôi gia cầm của Đồng Nai. Ông Đoàn Xuân Trường, Trưởng phòng Kinh tế H.Trảng Bom nhận xét, chăn nuôi gia cầm đang tăng trưởng mạnh. Cụ thể, tổng đàn gia cầm của huyện hiện đạt trên 4 triệu con, tăng gần nửa triệu con so với cùng kỳ năm ngoái. Một số hộ và trang trại chăn nuôi heo cũng quan tâm tái đàn. Theo đó, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện cũng dần khôi phục sau giai đoạn khó khăn.

Trước đây, do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi, hàng loạt đại lý kinh doanh và cả doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi lâm vào nợ nần, thậm chí phá sản. Cùng với việc ngành chăn nuôi đang dần khôi phục, ngành chế biến thức ăn chăn nuôi cũng dần vượt qua giai đoạn khó khăn.

* Chuỗi cạnh tranh khép kín

Toàn tỉnh hiện có khoảng 40 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi với tổng thiết kế đạt trên 3 triệu tấn sản phẩm/năm. Các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi hoạt động ổn định, từng bước hình thành và phát triển cụm ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Với lợi thế là thủ phủ chăn nuôi của cả nước, Đồng Nai thu hút được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi với quy mô lớn, công nghệ hiện đại.

Ông Phạm Đức Bình, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam nhận xét, ngành chế biến thức ăn chăn nuôi của cả nước hiện vẫn chưa vượt qua giai đoạn khó khăn. Nhiều nhà máy, doanh nghiệp đã đóng cửa vì chăn nuôi heo vẫn chưa phục hồi. Tuy nhiên, riêng tại Đồng Nai, ngành này vẫn giữ mức tăng trưởng tốt là do các tập đoàn, doanh nghiệp gặp khó khăn có thể đóng cửa một số nhà máy chế biến ở các tỉnh, thành khác nhưng vẫn ưu tiên duy trì hoạt động và phát triển nhà máy chế biến tại Đồng Nai vì đây là tỉnh dẫn đầu về chăn nuôi trong cả nước.

Theo ông Bình, nhờ sự sàng lọc của giai đoạn khó khăn vừa qua, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi đã xây dựng được một môi trường cạnh tranh khá hoàn thiện với những chuỗi sản xuất khép kín, từ sản xuất thức ăn chăn nuôi đến chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ. Trước đây, lợi nhuận của ngành sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi khá cao nhưng hiện được điều chỉnh về mức phù hợp hơn trước áp lực cạnh tranh ngày càng lớn. Các tập đoàn lớn trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện đều đầu tư theo chuỗi, chấp nhận hạ thấp lợi nhuận ở mỗi khâu vì lợi ích chung của toàn chuỗi.

Ông Bình nêu dẫn chứng: “Trong 2 năm 2018-2019, tôi cho 4 doanh nghiệp thuê nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và đều phá sản vì họ chỉ thuần túy sản xuất và bán thức ăn chăn nuôi mà chưa xây dựng được chuỗi khép kín. Hiện thị trường thức ăn chăn nuôi đều là chuỗi khép kín”. Đây là xu hướng phát triển tốt vì góp phần đưa ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam ra sân chơi lớn, cạnh tranh trên quy mô toàn cầu.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202007/nganh-san-xuat-thuc-an-chan-nuoi-thuoc-top-dau-ve-tang-truong-3012404/