Ngày quốc tế Hòa bình 21/9: Cố nhạc sĩ Xuân Oanh trong ký ức bạn bè Mỹ

Cố nhạc sĩ Xuân Oanh thường được công chúng biết đến với ca khúc nổi tiếng 'Mười chín tháng Tám'. Cuộc đời ông là tấm gương tiêu biểu về sự hiểu biết, tài trí và nghệ thuật, đặc biệt trong việc vận động, thuyết phục bạn bè quốc tế ủng hộ Việt Nam trong những năm kháng chiến.

Cố nhạc sĩ Xuân Oanh

Cố nhạc sĩ Xuân Oanh

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố nhạc sĩ Xuân Oanh (4/1/1923-2023), cuốn sách Đỗ Xuân Oanh-Cánh chim Oanh của mùa Xuân Cách mạng đã ra mắt, tập hợp những tư liệu quý về cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến của ông cho cách mạng và ngoại giao nhân dân. Trong đó, không ít câu chuyện xúc động, thể hiện tình cảm trân trọng mà những người bạn Mỹ đã dành cho ông…

“Nhà cách mạng quốc tế, nhà văn hóa nhân dân”

Đó là tựa đề bài viết của bà Merle Ratner (sinh năm 1957), đồng Chủ tịch tổ chức Vận động cứu trợ và trách nhiệm đối với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (CCDS) tại Mỹ - người dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp chống chiến tranh, chống đế quốc, chống chủ nghĩa phát xít.

Merle Ratner gặp ông Xuân Oanh trong dịp lần đầu tiên đến thăm Việt Nam vào khoảng cuối năm 1985 đến đầu năm 1986. Trước đó, từ năm 1968, bà tích cực hoạt động trong phong trào tại Mỹ phản đối cuộc chiến tranh chống Việt Nam và sau đó là phong trào đòi chấm dứt lệnh cấm vận của Mỹ áp đặt lên Việt Nam và từ sau ngày giải phóng năm 1975 tiếp tục vun đắp tình đoàn kết nhân dân với Việt Nam.

Bà kể: “Trong và sau chuyến thăm đó, nhạc sĩ Xuân Oanh đã dạy cho tôi và phong trào của chúng ta về mối quan hệ biện chứng giữa đấu tranh quân sự giành độc lập với xây dựng tình đoàn kết quốc tế và sự ủng hộ của nhân dân Mỹ cùng các nước khác.

Ông cũng cho thấy một thực tế rằng, dù nguồn lực rất ít ỏi, chỉ là một nhóm nhỏ những con người tận tụy vẫn có thể làm được nhiều như thế nào trong xây dựng tình đoàn kết nhân dân.

Nhìn cách mà Xuân Oanh tiếp xúc với tôi và những người khác, thành công của ông trong xây dựng những mối quan hệ này rõ ràng là dựa trên tinh thần sâu sắc về chủ nghĩa quốc tế và tình yêu thương với quần chúng nhân dân”.

Merle Ratner cho biết, ông Xuân Oanh hiểu biết sâu sắc không chỉ về Việt Nam mà còn về nước Mỹ và thế giới. Ông hiểu rõ chính trị và văn hóa Mỹ, kể cả âm nhạc, những cách diễn đạt thông tục của Mỹ, sự hài hước và thẳng thắn mà người Mỹ thường thể hiện.

Bà chia sẻ: “Tôi hồi tưởng về những lần cùng trò chuyện, nhâm nhi li rượu hay nghe một vài bản nhạc với Xuân Oanh… tôi sẽ luôn nhớ đến tấm lòng nhân hậu, sự tinh anh, tinh thần cách mạng, tình đoàn kết của ông”.

Anh Tom Wilber trong một lần thăm lại nhà ông Xuân Oanh tại phố Quán Sứ, năm 2023. (Nguồn: VietTimes)

Anh Tom Wilber trong một lần thăm lại nhà ông Xuân Oanh tại phố Quán Sứ, năm 2023. (Nguồn: VietTimes)

Di sản ngoại giao nhân dân còn mãi

Trung tá, phi công Hải quân Mỹ Gene Wilber (sinh năm 1930) trở về quê hương vào ngày 16/2/1973, sau hơn bốn năm sống tại nhà tù Hỏa Lò, kể từ khi chiếc máy bay của ông bị bắn rơi trên bầu trời tỉnh Nghệ An vào năm 1968.

Thomas (Tom) Wilber - con trai của Gene Wilber, hiện sống tại bang Connecticut (Mỹ), nhớ cha anh bảo rằng: “người Việt Nam không ghét Mỹ… Khi máy bay bay trên đầu, người Việt Nam sẽ chỉ lên trời và hét 'Nixon!’ ”

Bởi vậy, anh đã cất công đến Việt Nam rất nhiều lần, tìm kiếm nhân chứng, thông tin, tư liệu về cha mình và đồng đội để chứng minh cho công luận tại Mỹ biết điều cha mình nói đúng về chính sách nhân đạo của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) đối với tù binh Mỹ – mà trong một thời gian dài dư luận tại Mỹ còn hoài nghi và chỉ trích.

Tom Wilber viết: “Có thể nói rằng, Xuân Oanh thể hiện trí thông minh cảm xúc ở mức độ cao cùng với trí tuệ siêu phàm mà ông đã có được thông qua tự học mà không cần sự trợ giúp của giáo dục chính quy. Sau khi quân đội Hoa Kỳ không kích miền Bắc Việt Nam từ tháng 8/1964, Xuân Oanh đã đi khắp châu Á và châu Âu đại diện cho VNDCCH tại các hội nghị hòa bình quốc tế, tiếp xúc với các nhà ngoại giao quan trọng ở nhiều nước. Ông kêu gọi chính phủ và công dân các nước lên án những hành động của Mỹ nhằm vào nhân dân Việt Nam.

Trong số các công dân quốc tế vì hòa bình mà ông gặp trong các chuyến đi có các nhà hoạt động Mỹ, nhiều người trong số đó sau này đã đến Việt Nam để bày tỏ sự ủng hộ của nhân dân Mỹ và tìm cách thúc đẩy được tốt hơn mong muốn hòa bình của họ với các quan chức chính phủ Hoa Kỳ và công chúng Mỹ”.

Qua những tìm hiểu của mình, Tom Wilber cho biết, nhiều người Mỹ đã thực hiện những chuyến đi đầy thử thách đến miền Bắc Việt Nam vào đầu năm 1965, bất chấp lệnh cấm của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Một số nhà hoạt động vì hòa bình như John McAuliff đã đến Hà Nội vào ngày hiệp định Paris được ký kết.

Nhiều nhà hoạt động đều có chung một cảm xúc rằng, không khí cởi mở và cuốn hút mà họ có được trong giao tiếp với người Việt Nam là nhờ người dẫn chương trình - Xuân Oanh.

Bà Merle Ratner chụp với ảnh của Xuân Oanh tại nhà riêng ở New York, Mỹ, năm 2022. (Ảnh: NVCC)

Bà Merle Ratner chụp với ảnh của Xuân Oanh tại nhà riêng ở New York, Mỹ, năm 2022. (Ảnh: NVCC)

Các nhà hoạt động Staughton Lynd và Tom Hayden kể chi tiết chuyến đi tới Bắc Việt Nam trong cuốn sách “Phía bên kia: Hai người Mỹ báo cáo về chuyến đi bị cấm đoán của họ tới Việt Nam”, trong đó đề cập Xuân Oanh không chỉ với tư cách là người hướng dẫn, phiên dịch mà còn là người giúp họ khám phá nền văn hóa và di sản phong phú của Việt Nam.

Ghi chép minh họa đặc điểm nổi bật của Xuân Oanh: “Gặp gỡ được Oanh đã cho chúng tôi một cái nhìn sâu sắc về văn hóa và đời sống xã hội Việt Nam. Khi chúng tôi đi dọc Bờ Hồ vào một buổi tối, ông ấy bắt đầu nói về văn hóa Việt Nam. Ông nhắc nhở chúng tôi rằng ngôn ngữ Việt là một ngôn ngữ thi ca đến nỗi đối thoại thông thường cũng trở thành thơ”.

Tom Wilber cho biết, chính thời gian ở nhà tù Hỏa Lò giúp cho cha anh hiểu ra rằng người Việt Nam chỉ chống lại chính sách xâm lược của chính quyền Mỹ, không chống nước Mỹ và nhân dân Mỹ. Đó là khoảng thời gian 1972-1973 khi ông Xuân Oanh đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực, bao gồm đối ngoại nhân dân, điều phối các đoàn quốc tế đi thăm viếng, thậm chí hỗ trợ quản lý số tù binh Mỹ giam giữ tại các nhà tù ở Hà Nội.

Khoảng thời gian ấy, những người tiếp xúc ghi nhận ở ông sự hiểu biết, tài năng nghệ thuật, kỹ năng giao tiếp, ngoại giao và trên hết – tính nhân văn của ông với tư cách là đại diện cho lợi ích của nước VNDCCH. Cựu tù binh Bob Chenoweth, nhớ đến ông ở sự quan tâm sâu sắc, những lo lắng về điều kiện ăn ở và tạo thuận lợi để họ trở về an toàn.

Tom Wilber chia sẻ: “Tại lễ khai mạc một cuộc triển lãm đặc biệt tại Bảo tàng Nhà tù Hỏa Lò vào tháng 11/2017 nhân dịp kỷ niệm 45 năm “Điện Biên Phủ trên không”, Chenoweth thừa nhận rằng những bài học cuộc sống mà ông đã học được từ những người Việt Nam trong suốt năm năm bị cầm tù là vô giá. Ông bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc vì họ đã giúp mình trở thành “người tốt hơn” so với khi đến… Nghe những lời tưởng niệm của Chenoweth, người ta thấy rằng di sản về ngoại giao nhân dân của Xuân Oanh luôn còn mãi”.

Đỗ Xuân Oanh, sinh ngày 4/1/1923, tại Quảng Yên, Quảng Ninh, mất tại Hà Nội. Ông là một trong những người tham gia thành lập Ủy ban bảo vệ Hòa bình thế giới của Việt Nam theo chỉ đạo của Đảng và Bác Hồ để vận động, kêu gọi, tranh thủ sự đoàn kết và ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình và tiến bộ trên thế giới, nhất là nhân dân Mỹ và Pháp trong cuộc đấu tranh của nhân dân ta chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Ông là thành viên của Phái đoàn VNDCCH tại Hội nghị Paris về Việt Nam giai đoạn 1968-1972, tham dự nhiều hội nghị hòa bình quốc tế. Ông đã gặp gỡ, giao lưu, nói chuyện với nhiều nhà hoạt động hòa bình, văn hóa, nghệ thuật và bạn bè quốc tế.

HÀ ANH

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngay-quoc-te-hoa-binh-219-co-nhac-si-xuan-oanh-trong-ky-uc-ban-be-my-243052.html