Nghề giúp việc gia đình: Khoảng trống trong đào tạo
Theo Quyết định số 806/QĐ-LĐTBXH ngày 14/7/2021 về việc công bố Tiêu chuẩn kỹ năng nghề Quốc gia năm 2020, giúp việc gia đình đã trở thành 1 trong 199 nghề có tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có cơ quan, đơn vị nào mở lớp đào tạo nghề này hoặc định hướng cho những người thuộc đối tượng để tham gia đào tạo, từ đó nâng cao trình độ nghề nghiệp, giúp họ có cơ hội việc làm và thu nhập tốt hơn. Thực tế này đang rất cần sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.
Có cầu nhưng chưa có cung
Ông Ngô Mạnh Thơ, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đại Từ, cho biết: Đến nay, chúng tôi chưa có lớp đào tạo nào về nghề giúp việc. Một phần là do nhu cầu đăng ký một số ngành nghề khác (như chế biến chè, sửa chữa máy nông nghiệp...) nhiều hơn; phần vì muốn mở lớp đào tạo thì cần có lực lượng giáo viên cơ hữu về nghề này. Trong khi đó lâu nay, Trung tâm lại chưa có. Thêm nữa là giáo viên đứng lớp cũng cần có bằng cấp về ngành nghề đào tạo, ít nhất là trung cấp.
Mặt khác, để đào tạo được ngành nghề hoàn chỉnh thì cần có cả cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công việc giúp việc gia đình như: Nấu ăn, dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, sân vườn, giặt giũ... Cá nhân tôi cho rằng, nếu đưa giúp việc gia đình vào đào tạo, mà bước đầu chỉ cần trình độ sơ cấp (3 tháng) như một số nghề tương tự như nấu ăn, chế biến chè... là có thể ứng dụng được vào thực tế. - Ông Ngô Mạnh Thơ
Thực tế tìm hiểu chúng tôi được biết, không riêng ở huyện Đại Từ mà các địa phương khác trên địa bàn tỉnh cũng chưa có cơ quan, đơn vị nào đứng ra tổ chức đào tạo nghề giúp việc gia đình cho người lao động.
Bà Thân Thị Quyên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phú Bình, cho biết: Từ hàng chục năm qua, nhiều chị em trên địa bàn huyện đã đi làm giúp việc ở cả trong và ngoài tỉnh. Phần lớn trong số này, ban đầu chỉ là đi làm cho người thân, người quen, rồi dần trở thành nghề kiếm sống. Tuy nhiên, hầu hết chị em vẫn chỉ làm việc theo kinh nghiệm và theo sự hướng dẫn của chủ nhà, chứ chưa được đào tạo bài bản. Vì thế, nhiều người đã không đáp ứng được yêu cầu của gia chủ nên công việc không ổn định.
Theo khảo sát của chúng tôi, việc tìm kiếm người giúp việc chủ yếu qua các kênh thông tin tự phát như từ người quen, người nhà, mạng xã hội…, còn số đơn vị chuyên cung cấp người giúp việc thì chưa nhiều. Một số đơn vị từng cung cấp dịch vụ này, sau đó đã phải tạm dừng. Công ty TNHH tư vấn thương mại và dịch vụ Green House, phường Tích Lương (TP. Thái Nguyên) là một ví dụ, mà nguyên nhân chính là do có nhiều rủi ro tiềm ẩn.
Chị Ngô Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty, cho biết: Một gia đình thuê người giúp việc qua Công ty, nếu người được thuê mà không trung thực, dẫn đến mất mát đồ đạc, Công ty sẽ phải chịu trách nhiệm. Hay như trong quá trình làm việc, người giúp việc có nhu cầu nghỉ một vài ngày, Công ty sẽ phải điều người khác làm thay. Nhiều trường hợp, sau một thời gian làm việc, chủ nhà và người giúp việc đã quen biết nhau, họ sẵn sàng thuê trực tiếp để đỡ phải trả một khoản phí dịch vụ cho Công ty. Rồi có nhiều người do không đáp ứng được công việc phải đổi đi, đổi lại người mới…
Được đào tạo vẫn hơn
Cũng đi làm giúp việc, thế nhưng, chị Trần Thị Lan, phường Trung Thành (TP. Thái Nguyên) lại có thu nhập cao gấp 1,5-2 lần nhiều người giúp việc khác. Sở dĩ có được điều nay, chị Lan cho hay: Tôi đã từng đi giúp việc gia đình tại Đài Loan cách đây hơn 10 năm. Khi đó, tôi được công ty xuất khẩu lao động ở Hà Nội cho đi đào tạo với thời gian hơn 1 tháng. Trong khoảng thời gian này, tôi được học cách chăm sóc người già, trẻ em, người ốm; cách ứng xử với chủ nhà và học cách sử dụng nhiều thiết bị trong gia đình như nồi cơm điện, máy giặt sấy, máy hút bụi, ti-vi, tủ lạnh, lò nướng, lò vi sóng…
Nhờ có khóa đào tạo đó nên khi bắt tay vào công việc, tôi không bị bỡ ngỡ và thường được chủ nhà thưởng thêm vì làm việc tốt. Sau khi về nước, tôi được nhiều người thuê giúp việc cố định theo ngày, với mức lương hiện từ 350-400 nghìn đồng/ngày. - Chị Trần Thị Lan
Hiện nay, chưa có thống kê cụ thể nào về số lượng người lao động đi làm giúp việc gia đình, song có thể dễ dàng nhận thấy, xu thế này ngày càng gia tăng và phần lớn vẫn là phụ nữ trung niên; số ít người trẻ cũng đã bắt đầu tham gia vào công việc này.
Trước thực tế trên, bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hóa Trung (Đồng Hỷ) cho rằng: Việc đào tạo bài bản nghề giúp việc là cần thiết để bảo về quyền lợi người lao động cũng như đáp ứng tốt hơn nhu cầu của chủ nhà. Bởi lẽ, phần lớn người giúp việc có xuất thân từ nông thôn, ít có điều kiện tiếp xúc với môi trường, cũng như trang thiết bị hiện đại như ở thành phố, khiến nhiều người không tìm được việc hoặc không làm việc được lâu dài với chủ nhà.
Việc đào tạo bài bản không chỉ giúp nâng cao kỹ năng mà còn cung cấp cho người học những kinh nghiệm, cách ứng xử để có thể tự bảo vệ quyền lợi cho bản thân, tránh bị đối xử không tốt, đánh đập, quỵt lương... như nhiều trường hợp đã diễn ra trong xã hội. - Bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ
Với tình hình như hiện nay, phương án đào tạo và cấp chứng chỉ sơ cấp hoặc trung cấp cho người giúp việc để họ có khả năng làm việc được cho là phương án thích hợp, hiệu quả. Tuy nhiên, do đây là lĩnh vực chưa được biết đến nên để bắt tay vào thực hiện, các đơn vị, tổ chức có liên quan phải chú trọng đến công tác truyền thông để mọi người hiểu sâu sắc, từ đó mới có thể thay đổi về nhận thức và hành vi của cả người đi làm giúp việc, lẫn người có nhu cầu sử dụng.
Được biết, Trường Trung cấp Nghề Thái Nguyên hiện đã đào tạo nghề vệ sinh công nghệ. Khi chúng tôi đặt vấn đề về nguyên nhân chưa đưa giúp việc gia đình vào chương trình đào tạo, đại diện Nhà trường thừa nhận đây thực sự là một nghề rất có tiềm năng nên sẽ dành sự quan tâm, tìm hiểu, để nếu được sẽ sớm triển khai đào tạo trong thực tế.
“Khát” nguồn cung chất lượng
Thời buổi hiện nay, người đi làm giúp việc và gia chủ không thiếu cách để tìm thấy nhau, thế nhưng, để tìm được người phù hợp, gắn bó lâu dài cũng như đáp ứng được các yêu cầu của gia chủ không phải điều dễ dàng.
Chị Nguyễn Thị Thanh, Giám đốc một doanh nghiệp tại phường Gia Sàng (TP. Thái Nguyên) chia sẻ: Nhà tôi khá rộng và tôi cũng đòi hỏi nhà cửa luôn ngăn nắp, sạch sẽ; biết nấu ăn và chăm sóc vườn tược. Tôi sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu đồng, thậm chí đóng cả bảo hiểm xã hội như những nhân viên khác Công ty cho người giúp việc, miễn sao thấy ưng ý. Tuy nhiên, để tìm được người ưng ý, đã qua đào tạo, rất khó. Chính vì thế, tôi đã nhiều lần phải thay người.
Có người chưa biết làm bất cứ việc gì, tôi chấp nhận dành thời gian để chỉ bảo, nhưng nói trước, quên sau, nhiều lần làm hỏng đồ có giá trị nên tôi không thể thuê tiếp mặc dù họ rất thật thà, chịu khó. Có người thì làm được việc nhưng chủ nói chưa xong đã cãi xong; lại có người tỏ thái độ không tôn trọng, thể hiện cái tôi lớn quá… Giá mà họ được đào tạo thì chắc sẽ không thế. - Chị Nguyễn Thị Thanh
Còn chị Hoàng Thu Nga, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên) phân trần: Trong số 4 người từng làm giúp việc cho gia đình, tôi chỉ ưng 1 cô ở huyện Phú Lương do người quen giới thiệu. Cô này nhanh nhẹn, thật thà, biết ý và không đòi hỏi. Còn mấy người khác, không tật này thì tật khác nên chỉ làm được một thời gian, tôi lại phải thay người. Giờ thì tôi đang thuê một người Philipin. Tuy việc giao tiếp của vợ chồng tôi với họ có phần hạn chế, nhưng bù lại, các con tôi lại có cơ hội để nói chuyện bằng tiếng Anh. Đặc biệt là do họ được đào tạo bài bản nên rất tự giác, mọi việc bếp núc, nhà cửa, họ làm đâu ra đấy.
Với nhu cầu và tốc độ phát triển xã hội như hiện nay, thị trường giúp việc nhà chắc chắn còn rất nhiều tiềm năng rộng mở. Đã đến lúc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần quan tâm đến việc đào tạo nghề giúp việc gia đình, nhằm đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của xã hội. Bởi chỉ bằng cách này thì những người làm công việc giúp việc gia đình mới mong có được sự chuyên nghiệp, bài bản và nâng cao được giá trị của bản thân, cũng như công việc đang làm, để từ đó có điều kiện và khả năng gắn bó lâu dài.
Đây cũng là điều kiện cần thiết để người lao động có cơ hội được tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế như những ngành nghề khác, khi người sử dụng lao động thấy được vai trò, vị trí của họ. Thực tế này đang rất cần sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp.