Nghệ thuật đương đại qua góc nhìn họa sĩ trẻ
Sân chơi dành cho những ý tưởng sáng tạo, tươi mới - Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 7 năm 2024 được đánh giá đem đến nhiều cảm xúc, mang tiếng nói khác thế hệ đi trước.
Những tín hiệu vui
Festival Mỹ thuật trẻ 2024 dành cho các họa sĩ có độ tuổi 18 - 35. Ở lần thứ 7 tổ chức, liên hoan nhận được 1.050 tác phẩm của 300 tác giả trong cả nước gửi về tham dự. So với kỳ liên hoan trước, số lượng tác giả và tác phẩm đều tăng đáng kể, chất lượng cũng được nâng lên.
Trong biên độ mở rộng không giới hạn để các họa sĩ trẻ sáng tạo, các tác phẩm vì thế đã vượt qua những khuôn mẫu, định kiến nghệ thuật, tự do bứt phá. Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhận định, ở triển lãm lần này, các nghệ sĩ trẻ đang tìm chỗ đứng xứng đáng trong xã hội.
“Những người trẻ năng động đã nỗ lực tìm kiếm cho mình các hình thức nghệ thuật ở mọi chất liệu, kiểu dáng, chủ đề, cách thể hiện", họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhấn mạnh. Điều đó cho thấy đây là thời điểm chuyển giao thế hệ. Không nói đến thế hệ 7x sau năm 1975 mà là 8x, 9x thậm chí trẻ hơn nữa, các nghệ sĩ đã bắt đầu nhập cuộc, sống đời sống đương đại để tìm nguồn cảm xúc, tìm tiếng nói khác thế hệ đi trước.
Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, các họa sĩ trẻ đã tự tin, can đảm, sáng tạo hình ảnh mới, với nét đẹp mới, quyết liệt trong những cách nhìn khác để thể hiện trong tác phẩm. Vì thế, mặc dù các tác phẩm tại Festival không có độ chênh lệch nhưng đã thấy những tín hiệu vui.
“Các bạn đã hòa điệu cảm xúc khi cảm nhận xã hội, cảm nhận con người đương đại. Nó giống như việc xoay bản lề, lật giở trang mới, là điều may mắn cho nền mỹ thuật đương đại Việt Nam”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nói.
Thúc đẩy sự phát triển của mỹ thuật đương đại
Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 7 năm 2024 do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức, là dịp tôn vinh, công bố, giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật mới của các nghệ sĩ trẻ. Công chúng yêu nghệ thuật trong và ngoài nước có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu, thưởng thức những tác phẩm tiêu biểu của các nghệ sĩ trẻ.
Ban tổ chức không đưa ra đề tài sáng tác cố định, khuyến khích các tác phẩm có nội dung về đời sống đương đại, các hình thức, khuynh hướng, ý tưởng, phong cách, bút pháp sáng tạo độc đáo.
Trong 148 tác phẩm của 121 tác giả trưng bày tại triển lãm, Hội đồng nghệ thuật đã lựa chọn 27 tác phẩm, bộ tác phẩm xuất sắc để trao giải thưởng. Trong số đó, tác phẩm được trao giải Nhì Ngàn năm soi bóng của Nguyễn Tuấn Dũng từng tham gia triển lãm “Dấu xưa văn hiến” tại Văn Miếu cuối năm 2023 được đánh giá cao. Nguyễn Tuấn Dũng cho biết, khi bắt tay thực hiện tác phẩm về văn hóa, anh có nhiều ý tưởng, như đưa hình ảnh di tích, vốn cổ vào tác phẩm.
“Để có chất liệu mới kết hợp với hình ảnh, câu chuyện từ truyền thống, tôi đã tìm đến gốm. Tác phẩm là sự tạo tác của những mảnh gốm thể hiện dấu tích các triều đại Việt Nam. Tôi dùng thêm chất liệu composite, đèn led, acrylic để tác phẩm có độ tương tác, với ý nghĩa thắp sáng những di sản bị chìm vào quên lãng, giúp thế hệ trẻ tìm và hiểu hơn về di sản”, họa sĩ Nguyễn Tuấn Dũng chia sẻ.
Từng tham gia 5 kỳ Festival Mỹ thuật trẻ, họa sĩ Nguyễn Tuấn Dũng cho đây là dịp thích hợp để đưa tác phẩm đến công chúng thay vì chỉ gói gọn ở studio. “Tiếng nói nghệ thuật qua mỗi năm một khác, vì thế chúng tôi dựa vào đánh giá từ các cuộc thi, liên hoan như thế này để khẳng định sự phát triển trong công việc của mình. Tại Festival Mỹ thuật trẻ có nhiều tác phẩm với xu hướng mở của thế hệ nghệ sĩ mới. Họ có nhiều câu chuyện độc đáo, nhiều màu sắc, thể hiện những suy nghĩ của giới trẻ...”.
Chia sẻ niềm vui khi được nhận giải Nhất với tranh khắc gỗ “Sau cơn mưa”, họa sĩ Bùi Thị Yến Vy cho biết, tác phẩm chính là đồ án tốt nghiệp của chị. "Giải thưởng giúp tôi có thêm động lực cho các sáng tác tương lai. Tôi nghĩ, các bạn của tôi, thậm chí các em sinh viên ngành mỹ thuật sẽ thấy được mục đích rõ ràng khi theo đuổi con đường nghệ thuật và phấn đấu để có được thành quả này".
Đây cũng là mục đích của nhiều họa sĩ trẻ tham gia Festival. Họ cho rằng, qua Festival, họ được làm quen, gặp gỡ trao đổi chuyên môn, được tạo điều kiện về không gian, địa điểm tổ chức, truyền thông sự kiện, giới thiệu tác phẩm đến công chúng. Việc được tự do “bơi” ở những sân chơi lớn là thuận lợi căn bản để nghệ sĩ thể hiện hết khả năng và sự sáng tạo phong phú của mình, từ đó có suy nghĩ trách nhiệm hơn trước nghề nghiệp trong tương lai.
Festival Mỹ thuật trẻ do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức. Cùng với các cuộc thi, triển lãm có quy mô quốc gia và quốc tế như: Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, Triển lãm tranh đồ họa các nước ASEAN, Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc, Triển lãm Điêu khắc toàn quốc, Liên hoan tranh thiếu nhi châu Á Enikki… Festival Mỹ thuật trẻ qua 7 lần tổ chức đã tạo dựng được uy tín, góp phần thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành.
Đây là cơ hội để giới trong nghề quảng bá mỹ thuật, đất nước, con người Việt Nam; là dịp để công chúng tiếp cận các phong cách nghệ thuật đa dạng, độc đáo và đặc sắc của họa sĩ trong nước.
Bài viết có sự phối hợp của Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch