Nghị sĩ Mỹ đe dọa tấn công Nga theo kiểu Iran: Máy bay ném bom tàng hình B-2 có đủ khả năng?

Sau khi B-2 Mỹ tấn công cơ sở hạt nhân Iran, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham đe dọa hậu quả nghiêm trọng nếu Moscow không nhượng bộ ở Ukraine.

Máy bay ném bom B-2 của Không quân Mỹ. Ảnh: USAF.

Máy bay ném bom B-2 của Không quân Mỹ. Ảnh: USAF.

Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham mới đây đã viện dẫn các cuộc không kích của Không quân Mỹ nhằm vào các cơ sở hạt nhân ở Iran để đưa ra lời đe dọa nhắm vào Nga và các đối tác thương mại của nước này. Ông cảnh báo sẽ có hậu quả nghiêm trọng đối với Moscow nếu nước này không đáp ứng các yêu cầu của Mỹ liên quan đến chiến dịch quân sự đang tiếp diễn ở Ukraine trong vòng 50 ngày.

“Nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin và những người khác đang băn khoăn không biết chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày thứ 51, tôi khuyên họ nên gọi cho Giáo chủ Iran”, ông Graham tuyên bố.

Cuộc tấn công được ông Graham nhắc đến diễn ra trong khuôn khổ Chiến dịch “Midnight Hammer” (Búa đêm), trong đó 7 máy bay ném bom tàng hình tầm xa B-2 Spirit cất cánh từ căn cứ không quân Whiteman ở Missouri, Mỹ. Kế hoạch bay ban đầu cho thấy điểm đến là đảo Guam, nhưng bất ngờ chuyển hướng tấn công các cơ sở hạt nhân Fordow và Natanz của Iran vào ngày 21/6. Các phi vụ này kéo dài tới 37 giờ.

Khả năng tấn công mục tiêu toàn cầu mà hầu như không báo trước, từ các căn cứ trong lục địa Mỹ, kết hợp với công nghệ tàng hình hiện đại giúp B-2 né tránh hệ thống radar, khiến mẫu máy bay này trở thành mối đe dọa lớn khi được đưa vào biên chế cuối những năm 1990.

 Máy bay ném bom B-2 tại Căn cứ Không quân Whiteman. Ảnh: MW.

Máy bay ném bom B-2 tại Căn cứ Không quân Whiteman. Ảnh: MW.

B-2 được phát triển đặc biệt để hoạt động sâu trong không phận Liên Xô vào cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, sự cải thiện nhanh chóng trong năng lực phòng không của Liên Xô đã khiến Không quân Mỹ nghi ngại về khả năng sống sót của B-2, ngay cả trước khi nó chính thức hoạt động. Mặc dù hệ thống phòng không của Nga hiện nay phát triển chậm hơn so với thời Liên Xô, thiết kế tàng hình đã lỗi thời của B-2 không còn phù hợp để tấn công các mục tiêu được bảo vệ chặt chẽ.

Không giống như tiêm kích tàng hình F-35 – vốn không được thiết kế để né tránh radar cảnh báo sớm băng tần dài, mà chủ yếu là gây khó khăn cho việc khóa mục tiêu – B-2 lại phụ thuộc vào khả năng tránh bị phát hiện ở mọi dải sóng radar để sống sót. Tuy nhiên, với tốc độ thấp, thiếu khả năng cơ động và không có tiêm kích hộ tống trong các nhiệm vụ tầm xa, B-2 sẽ cực kỳ dễ bị tổn thương nếu bị phát hiện.

Nga đặc biệt bố trí một số lượng lớn radar băng tần dài như Rezonans-NE và Voronezh-DM – điều này khiến lãnh thổ Nga trở thành một trong những mục tiêu khó khăn nhất cho các đợt tấn công bằng B-2.

 Ăng-ten radar tầm xa Voronezh-DM của Nga. Ảnh: MW.

Ăng-ten radar tầm xa Voronezh-DM của Nga. Ảnh: MW.

Một yếu tố có thể giúp ích cho đội bay B-2 nếu Mỹ quyết định tấn công là diện tích khổng lồ 17 triệu km² của Nga, khiến hệ thống phòng không, tiêm kích và máy bay đánh chặn bị dàn trải mỏng. Tại các khu vực hẻo lánh như vùng Bắc Cực, Trung Á và Viễn Đông Nga, năng lực phòng không vẫn còn hạn chế.

Tình trạng này ngày càng tệ hơn sau khi Nga cắt giảm mạnh đội bay đánh chặn MiG-31 tại các khu vực này, đồng thời hai chương trình phát triển mẫu máy bay kế nhiệm bị hủy bỏ, còn chương trình thứ ba bị trì hoãn nghiêm trọng. Do đó, ngay cả khi B-2 bị phát hiện, Mỹ vẫn có thể dùng chúng để tấn công các mục tiêu kinh tế ở vùng xa như các cơ sở khai thác dầu tại Bắc Cực.

Nếu lực lượng Nga không thể dự đoán được vị trí bị tấn công, họ có thể không kịp ứng phó – đặc biệt vì khả năng tàng hình của B-2 buộc hệ thống phòng thủ phải phản ứng ở cự ly ngắn hơn.

 Máy bay đánh chặn MiG-31BM của Lực lượng Không gian Vũ trụ Liên Xô. Ảnh: MW.

Máy bay đánh chặn MiG-31BM của Lực lượng Không gian Vũ trụ Liên Xô. Ảnh: MW.

Tuy nhiên, khác với Iran, Nga đã đầu tư rất lớn vào hệ thống phòng không, với “xương sống” là tổ hợp S-400 tầm xa. Gần đây, S-500 – hệ thống phòng thủ tiên tiến hơn, đặc biệt được tối ưu hóa để tiêu diệt các máy bay chiến lược cỡ lớn như B-2 – cũng đã đi vào hoạt động, với tầm bắn lên tới 600 km.

Dẫu vậy, các hệ thống này vẫn bị hạn chế về khả năng bao phủ trên diện rộng nếu so với tiêm kích hoặc máy bay đánh chặn. Chính vì lý do đó, Liên Xô từng phát triển dòng MiG-31 để lấp đầy khoảng trống mà hệ thống phòng không mặt đất không thể che chắn.

Hiện tại, Nga đang phát triển mẫu máy bay kế nhiệm MiG-31 theo chương trình PAK DP – được xem là chìa khóa để bảo vệ lãnh thổ Bắc Cực và Trung Á, nhất là khi Mỹ đang hiện đại hóa lực lượng ném bom chiến lược với sự ra đời của B-21 vào đầu thập niên 2030.

Tuy nhiên, việc PAK DP chậm tiến độ nghiêm trọng – dù trước đó được kỳ vọng sẽ đi vào hoạt động cuối những năm 2020 – khiến Nga đối mặt với nguy cơ mất khả năng phòng thủ khi B-21 xuất hiện. Việc S-500 cũng mất gần một thập kỷ mới được đưa vào sử dụng càng khiến vấn đề trầm trọng hơn, hiện tại chỉ có một trung đoàn S-500 đang được triển khai để bảo vệ bán đảo Crimea.

 Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Yasen của Hải quân Nga. Ảnh: MW.

Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Yasen của Hải quân Nga. Ảnh: MW.

Mặc dù phòng không của Nga vượt trội so với Iran, yếu tố chính giúp Nga tránh được các cuộc không kích từ B-2 hay các tài sản khác của Mỹ là khả năng răn đe trả đũa vượt trội.

Trong khi Iran đã phát triển một kho tên lửa đạn đạo đáng kể có thể đe dọa các cơ sở quân sự Mỹ tại Trung Đông và Đông Âu, thì Nga có thể tấn công đáp trả trực tiếp vào lãnh thổ Mỹ, cũng như các cơ sở quân sự và lợi ích kinh tế của Mỹ trên toàn cầu.

Phương tiện để thực hiện điều đó bao gồm hạm đội tàu ngầm tấn công hạt nhân tiên tiến, cũng như đội bay chiến lược Tu-160M – tuy nhỏ nhưng đang mở rộng nhanh chóng – cả hai đều có khả năng phóng tên lửa hành trình đến bất kỳ mục tiêu nào trên thế giới.

Vì vậy, mặc dù B-2 có thể được sử dụng trong các cuộc tấn công mạo hiểm nhằm vào những vùng xa xôi của Nga, khả năng trả đũa mạnh mẽ từ Moscow khiến tính khả thi của một chiến dịch như vậy bị suy giảm đáng kể.

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/nghi-si-my-de-doa-tan-cong-nga-theo-kieu-iran-may-bay-nem-bom-tang-hinh-b-2-co-du-kha-nang-post187717.html