Ngôi trường 4.0 giữa Biển Đông

Nằm giữa Biển Đông, cách đất liền trên 100km, Trường THPT Ngô Quyền, ngôi trường THPT duy nhất trên huyện đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) đã và đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong công tác quản lý, dạy học. Ít ai ngờ rằng, ở ngôi trường xa xôi này, dấu ấn của cách mạng công nghệ 4.0 đang hiện diện và có sự phát triển không thua kém, thậm chí có sự vượt trội so với bất kỳ ngôi trường nào trong đất liền.

Số hóa trong quản lý và dạy học

Trên chuyến tàu cao tốc, chúng tôi chỉ mất hơn 2 giờ để có mặt tại huyện đảo Phú Quý. Có tàu cao tốc, có điện 24/24 giờ, đảo Phú Quý hôm nay phát triển trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Ghé thăm Trường THPT Ngô Quyền, những giờ học lý thuyết khô khan, hay những tiết học thầy đọc - trò chép nay đã không còn, thay vào đó là những tiết học trực quan, sinh động với thiết bị hiện đại.

 Học sinh Trường THPT Ngô Quyền (đảo Phú Quý) trao đổi kỹ năng sống

Học sinh Trường THPT Ngô Quyền (đảo Phú Quý) trao đổi kỹ năng sống

Ông Lê Quang Trọng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền, chia sẻ, năm 2019, đây là trường đầu tiên của tỉnh Bình Thuận được Microsoft cấp quyền tự tạo và quản trị hệ thống Office 365 Education (bộ phần mềm, tiện ích văn phòng được phát triển trên nền điện toán đám mây của Microsoft) cho nội bộ trường với 10.000 tài khoản được cho phép. Từ đó, tất cả giáo viên cùng học sinh toàn trường được trải nghiệm một hệ sinh thái phong phú, chuyên nghiệp cho công việc quản trị nhà trường và tổ chức hoạt động dạy học.

Cũng từ năm học 2019-2020, toàn bộ học sinh được hướng dẫn, tổ chức học tập trên nền tảng công nghệ hiện đại. Trong đó, các phòng học đều được gắn tivi màn hình lớn có kết nối internet, học sinh được sử dụng điện thoại và được tài trợ gói dữ liệu 4G để học tập theo yêu cầu của giáo viên.

Hiện nay, nhà trường đã đưa ứng dụng Microsoft Team để tổ chức hội họp, tập huấn trực tuyến và dạy học, quản lý, giao bài tập, chấm điểm… cho học sinh toàn trường. Cùng với các ứng dụng của Office 365 hiện có, kết hợp với mạng xã hội như Facebook, Zalo và ứng dụng quản lý nhà trường vnEdu, mọi hoạt động của nhà trường đã được quản lý, duy trì một cách toàn diện trên nền tảng công nghệ hiện đại.

Trước đây, các loại sổ sách nhà trường như báo giảng, sổ chủ nhiệm, sổ quản lý thiết bị… đều phải thiết lập và lưu trữ thủ công, khiến việc trích xuất và tham khảo gặp khó khăn. Trước những bất cập này, Trường THPT Ngô Quyền đã số hóa toàn bộ sổ sách thông qua ứng dụng OneNote (ứng dụng ghi chú kỹ thuật số cung cấp một nơi duy nhất để lưu giữ tất cả tài liệu). Nhờ đó, dù ở bất cứ đâu, chỉ cần có điện thoại kết nối internet, mọi thành viên đều có thể truy xuất dữ liệu của cá nhân mình và nhà trường từ những năm trước một cách dễ dàng.

“Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, vừa chia sẻ trong nội bộ nhà trường, vừa góp sức lan tỏa trong cộng đồng, hướng tới mục tiêu góp sức để thay đổi nền giáo dục theo hướng hiện đại của Cộng đồng Giáo dục sáng tạo Việt Nam, 2 giáo viên của trường đã được công nhận là Chuyên gia Giáo dục Sáng tạo Microsoft (Microsoft Innovative Educator Expert)”, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền Lê Quang Trọng thông tin.

Truyền cảm hứng cho học sinh

Bên cạnh việc tiên phong trong công tác chuyển đổi số trong quản lý và dạy học, Trường THPT Ngô Quyền còn đẩy mạnh công tác giáo dục kỹ năng, truyền cảm hứng cho học sinh. Trong đó, mô hình “Thư viện truyền cảm hứng” của trường đã được Hội đồng Khoa học sáng kiến tỉnh Bình Thuận công nhận đạt phạm vi áp dụng trong toàn tỉnh. Đây là một mô hình tiêu biểu trong nỗ lực rèn luyện “kỹ năng mềm” cho học sinh.

Mỗi tuần, các lớp có 1 tiết thư viện, học sinh sẽ luân phiên giới thiệu với bạn bè và thầy cô cuốn sách hoặc chương sách mình tâm đắc nhất. Bên cạnh đó, những chủ đề “nóng” được sắp xếp để tạo ra những bài hùng biện, những ý kiến phản biện sôi nổi. Tất cả các hoạt động trong tiết thư viện được ghi hình và gửi lại cho học sinh để các em có cơ hội xem lại, điều chỉnh hình ảnh của mình cũng như lưu lại những ký ức đáng yêu của một thời cắp sách đến trường.

Bà Nguyễn Thị Toàn Thắng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận, khẳng định, Trường THPT Ngô Quyền, ngôi trường xa nhất của tỉnh Bình Thuận, không chỉ đi đầu trong công tác chuyển đổi số trong giáo dục mà còn là đơn vị tiên phong, có nhiều thành tích nổi trội trong công tác rèn luyện, đào tạo kỹ năng sống và hợp tác quốc tế cho học sinh.

“Đây là hoạt động trọng tâm, đã được nhà trường thực hiện từ năm 2016. Hiện nay, hoạt động này tiếp tục được nhà trường đẩy mạnh thông qua việc tổ chức các hoạt động đọc sách rộng rãi đối với cả giáo viên và học sinh. Tất cả giáo viên của trường được yêu cầu tham gia và tốt nghiệp khóa học Kiến tạo văn hóa đọc”, ông Lê Quang Trọng cho biết.

Ngoài việc vận dụng phương pháp dạy học tích cực, Trường THPT Ngô Quyền còn tổ chức đa dạng các hoạt động rèn luyện kỹ năng cho học sinh. Xuyên suốt tất cả các tuần học trong năm và tại buổi sáng chào cờ hàng tuần đều diễn ra các hoạt động giáo dục kỹ năng sống đa dạng, với chủ đề phong phú. Ngoài ra, cảnh quan vườn trường luôn được chú trọng xây dựng xanh, sạch, đẹp với mục tiêu hướng đến là trường cấp 3 sạch, đẹp nhất tỉnh Bình Thuận.

Không chỉ chú trọng đến công tác giảng dạy, với mong muốn học sinh có cơ hội vươn mình ra thế giới, từ năm 2018 đến nay, Trường THPT Ngô Quyền là trường THPT duy nhất của tỉnh Bình Thuận ký kết thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học ngắn hạn Nishi Nippon, Chuo (Nhật Bản). Hàng chục học sinh của trường đã được qua Nhật Bản du học, giao lưu và tìm kiếm cơ hội việc làm. Đây cũng là tiền đề để Trường THPT Ngô Quyền tiếp tục hợp tác đào tạo với các cơ sở giáo dục ở những quốc gia khác, nhằm xây dựng và phát triển chiến lược hợp tác quốc tế để phát triển giáo dục tại địa phương.

NGUYỄN TIẾN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ngoi-truong-40-giua-bien-dong-post772778.html