Ngư dân 'mắc cạn' - Bài 3: Nhọc nhằn tìm bạn tàu

Tình trạng thiếu hụt lao động nghề biển (bạn tàu), nhất là lao động đánh bắt xa bờ gia tăng báo động dọc dải biển miền Trung. Do không tìm được lao động khiến nhiều chủ tàu phải bỏ thêm chi phí, thậm chí thuê lao động không có tay nghề, kinh nghiệm nên gặp nhiều rủi ro.

Chỉ còn người già với biển

Chúng tôi có mặt tại cửa biển Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) khi nơi đây đang vào mùa khai thác cá ngừ sọc dưa, ngừ vằn. Chủ tàu QNg 94042 TS - ngư dân Nguyễn Nhơn (56 tuổi, ở thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, dù đang mùa cá ngừ nhưng do giá giảm, đánh bắt thất thu nên nhiều bạn tàu nghỉ biển hoặc chuyển qua làm thời vụ trên bờ. Tàu của ông may mắn mấy tháng rồi không lỗ nên bạn tàu còn đeo bám nhưng cũng thiếu trước hụt sau.

 Những lao động nghề biển đã lớn tuổi vẫn từng ngày bám biển tại tỉnh Bình Định. Ảnh: NGỌC OAI

Những lao động nghề biển đã lớn tuổi vẫn từng ngày bám biển tại tỉnh Bình Định. Ảnh: NGỌC OAI

“Tàu tôi hành nghề lưới vây cần 13 lao động nhưng mấy ngày nay chỉ kiếm được 10 người”, ông Nhơn than thở. Tương tự, nhiều chủ tàu ở các xã Hoài Hương, Hoài Hải (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) phải đặt cọc mỗi bạn tàu từ 5-6 triệu đồng/người mới có đủ lao động ra khơi.

Tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), ông Cao Văn Hoàng (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), chủ tàu ĐNa 90686 TS trăn trở khi bạn tàu của ông giờ chủ yếu ở độ tuổi từ 40-55, thậm chí đến 60 tuổi chứ trẻ hơn gần như không tìm được.

Ngồi bên mạn tàu, ông Nguyễn Thanh Đa (trú thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi), chủ tàu QNg 98656 TS, kể, ra khơi mà thiếu hụt bạn tàu khiến chuyến biển thêm vất vả. Một bạn tàu sẽ kiêm nhiều phần việc, vì vậy ông muốn kiếm lao động trẻ có sức khỏe để đảm đương công việc nhưng như mò kim đáy biển. “Đa số thanh niên hiện nay tìm việc ở bờ như làm công ty hoặc xuất khẩu lao động. Phần khác không chịu đi biển dài ngày”, ông Đa lý giải.

Ngư dân Nguyễn Văn Hùng (61 tuổi, ngụ thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) là chủ tàu công suất trên 90CV, cho biết, trước đây nghề đánh bắt cá khá thuận lợi, nhiều hải sản, mỗi chuyến đi biển kéo dài 3-5 ngày, sau khi trừ chi phí, chủ và bạn tàu đều có thu nhập khá nên thu hút nhiều bạn tàu. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, ngư trường khan hiếm nguồn lợi hải sản, luồng lạch bị bồi lắng, đi biển gặp nhiều rủi ro, vất vả, thu nhập giảm sâu, thậm chí nhiều chuyến biển không đủ bù đắp chi phí nhân công, dầu đèn, ăn uống...

Vì vậy, nhiều người dân vùng biển, nhất là lớp trẻ không còn mặn mà với nghề biển mà dần chuyển sang các nghề lao động phổ thông khác ở trên bờ. “Không tìm được bạn tàu trẻ để vươn khơi dài ngày, nhiều tàu chỉ còn lại bạn tàu già, quá tuổi lao động nên đành phải chuyển sang đánh bắt ven bờ”, ngư dân Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.

Cần tầm nhìn và chiến lược dài hạn

Thực trạng thiếu hụt lao động nghề biển, nhất là lao động trẻ, xảy ra ở hầu hết các tỉnh miền Trung bởi lớp trẻ vùng biển lớn lên chủ yếu đi làm ăn xa, làm công nhân trong các công ty, đi xuất khẩu lao động chứ không muốn gắn bó nghề đi biển của cha ông. Hiện ở Hà Tĩnh có 2.570 tàu đã đăng ký với trên 10.000 lao động khai thác thủy sản trên biển, tuy nhiên con số này liên tục biến động.

Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết, theo thống kê sơ bộ, lao động đi biển của nước ta hiện chỉ có 0,1% được đào tạo qua các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, còn lại chủ yếu dựa vào kinh nghiệm người đi trước truyền cho người đi sau. Đây là cản ngại lớn trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nghề biển, đe dọa đến sự phát triển của ngành đánh bắt hải sản. Tại hầu hết các trường đại học, cao đẳng ở miền Trung hiện không có ngành đào tạo nghề biển.

Ghé thăm một số khu vực cửa biển vùng bãi ngang ở Hà Tĩnh, chúng tôi ghi nhận, dù đang trong mùa đánh bắt nhưng hàng chục tàu thuyền vẫn nằm bờ dài ngày, trong đó nguyên nhân chủ yếu là thiếu nhân lực. Một số tàu ra khơi thì phần lớn là những ngư dân già, không còn trong độ tuổi lao động nên hiệu quả đánh bắt không như mong muốn. “Không chỉ thiếu lao động có sức khỏe và kinh nghiệm, nghề biển còn thiếu nhân lực đươc đào tạo bài bản về cách thức sử dụng tàu công suất lớn, kỹ thuật đánh bắt và bảo quản sản phẩm hải sản dài ngày. Điều này cũng khiến hiệu quả khai thác thủy hải sản tại miền Trung chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế”, một cán bộ Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết.

Ông Nguyễn Lại, Trưởng ban Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết, đặc thù của nghề biển là chủ tàu không trả lương tháng mà ăn chia theo từng chuyến biển. Giữa chủ và bạn tàu không có ràng buộc nào nên thường xảy ra tình trạng nhảy việc. Điều này cũng tạo nên sự bất ổn trong hoạt động khai thác thủy hải sản tại các tỉnh miền Trung.

Theo ông Phan Văn Mỹ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng, trước tình hình khan hiếm lao động, việc tổ chức lại mô hình tổ đội để có hướng đánh bắt phù hợp giúp những con tàu sớm trở lại biển khơi là cần thiết. Ông Nguyễn Văn Mười, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi thì cho rằng, cả nước đang tái cơ cấu ngành thủy sản nên ưu tiên hướng khai thác cân bằng, bền vững. Trong đó, địa phương đẩy nhanh việc tái cơ cấu đội tàu theo hướng giảm dần tàu cũ, tàu xuống cấp, hoạt động không hiệu quả; từng bước hình thành các tổ đội, tập đoàn đánh bắt chuyên nghiệp...

Về lâu dài, để giải quyết tình trạng khát lao động nghề biển, rất cần một chiến lược và tầm nhìn tổng quan, dài hạn, không chỉ ở miền Trung mà cả nước. Nhà nước cần sớm ban hành cơ chế chính sách phù hợp như cải hoán, nâng cấp tàu cá, tổ chức đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động nghề biển, nhất là lao động trẻ. Chuyển đổi và nhân rộng các mô hình vươn khơi có hiệu quả; tăng cường đầu tư chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật, máy móc, cơ khí vào hoạt động khai thác trên biển để tiết kiệm chi phí, giảm số lượng lao động và tăng hiệu quả mỗi chuyến biển. Ngoài ra, chủ tàu chú trọng cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt trên tàu an toàn, tiện lợi để ngư dân có sức khỏe, yên tâm gắn bó với nghề...

DƯƠNG QUANG - XUÂN QUỲNH - NGỌC OAI - VĂN THẮNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ngu-dan-mac-can-bai-3-nhoc-nhan-tim-ban-tau-post770570.html