Ngư dân tố bị lừa khi đóng tàu mới
Dù giấy tờ mua bán máy tàu là mới, công suất 950CV nhưng đến khi hoạt động, phương tiện liên tục bị hỏng hóc… Ngư dân phát hiện máy đã qua sử dụng, công suất thấp hơn nhiều so với hồ sơ đơn vị cung cấp
Ngày 9-8, ông Bùi Tín - ngụ thôn 1, xã Nghĩa Dũng, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi - cho biết đã có đơn gửi Bộ Công an cùng các cơ quan chức năng liên quan để tố cáo hành vi lừa đảo khi cung cấp máy tàu cá của Công ty TNHH Thương mại nông ngư cụ Mỹ Loan (trụ sở trên đường Kinh Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM).
Theo ông Tín, năm 2015, ông quyết định vay vốn đóng đôi tàu để hoạt động nghề biển. Theo dự toán khi làm hồ sơ vay vốn, mỗi tàu công suất 950CV, tổng vốn đầu tư 12 tỉ đồng, trong đó vốn ngư dân bỏ ra 50%, còn lại được vay ngân hàng. Khi tàu đang đóng, ông Tín được ông Phạm Tài (thợ máy, ngụ xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi) dẫn vào TP HCM giới thiệu với ông Nguyễn Thọ (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại nông ngư cụ Mỹ Loan) để mua máy tàu. Theo hợp đồng với cơ sở đóng tàu, ngư dân tự mua máy về lắp ráp. Sau đó, ông Tín được ông Thọ dẫn đi xem máy tại một kho ở Long An.
"Tôi chọn mua 2 máy hiệu Mitsubishi, công suất 935CV với tổng giá 2,150 tỉ đồng. Đến tháng 3-2016, tàu được hạ thủy, ra khơi đánh bắt chuyến đầu tiên. Thế nhưng, vừa ra khỏi xưởng 500 m thì một tàu bị hỏng máy. Sau khi tàu sửa xong, chạy được một đoạn, máy lại hỏng tiếp. Trong quá trình hoạt động, tàu liên tục bị hỏng máy. Năm 2016, mỗi tàu có hơn chục lần hỏng máy. Do quá chán nản và nợ nần chồng chất, từ đầu năm 2017 đến nay, tôi chuyển tàu cho người khác sử dụng. Hiện tàu được neo đậu ở Quảng Trị" - ông Tín bức xúc.
Theo ông Tín, sau nhiều lần máy hỏng, ông báo cho bảo hiểm để họ đền bù. Sau đó, đơn vị bảo hiểm mời tổ chức giám định độc lập mới phát hiện máy tàu không phải mới mà đã qua sử dụng, công suất máy chỉ 300-400CV và thuộc dòng máy phát điện, chứ không phải máy tàu.
"Sau khi phát hiện đơn vị cung cấp máy tàu gian dối, tôi đã làm đơn gửi cơ quan chức năng và cầu cứu cơ quan công an. Hiện cơ quan công an thụ lý điều tra vụ việc" - ông Tín nói.
Ông Lê Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi, nhìn nhận đôi tàu của ông Bùi Tín không thuộc diện vay vốn từ Nghị định 67. "Chúng tôi cấp giấy chứng nhận an toàn cho đôi tàu cá của ông Tín dựa trên cơ sở kiểm tra thực tế trùng khớp giữa số tàu và hồ sơ máy. Nhiều khả năng máy tàu đã bị đục lại số để phù hợp với hồ sơ. Đây là vụ việc không hiếm, bà con ngư dân cần cảnh giác" - ông Sơn cảnh báo.
Công ty Đại Nguyên Dương từ chối thay vỏ thép dỏm
Ngày 9-8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bình Định cho biết đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh và Tổng cục Thủy sản - Bộ NN-PTNT về việc Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (trụ sở ở tỉnh Nam Định) từ chối tháo vỏ thép không đạt chất lượng để thay loại vỏ thép như hợp đồng đã ký với ngư dân.
Trước đó, đầu tháng 8-2017, Công ty Đại Nguyên Dương kéo 5 tàu vỏ thép hư hỏng lên đà Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) sửa chữa. Trong thời gian này, các cơ quan chức năng đã lấy 10 mẫu thép ở phần mạn và đáy của các tàu trên để kiểm định chất lượng.
Kết quả, 3 tàu có 2 mẫu thép không đạt chuẩn mác A và 1 tàu có 1 mẫu không đạt chuẩn thép mác A. Trên cơ sở đó, các chủ tàu yêu cầu Công ty Đại Nguyên Dương phải tháo ra, thay toàn bộ vỏ tàu bằng thép đạt chất lượng như đã cam kết trong hợp đồng. Tuy nhiên, phía Công ty Đại Nguyên Dương vẫn giữ phương án chỉ thay một số vị trí thép không đạt chất lượng chứ không thay toàn bộ. Trước tình hình này, ngày 7-8, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định đã tổ chức buổi đối thoại giữa Công ty Đại Nguyên Dương và 5 chủ tàu có tàu bị hỏng để tìm phương án giải quyết nhưng bất thành. Tại buổi làm việc này, đại diện Công ty Đại Nguyên Dương cho rằng do đang khó khăn về tài chính nên không thể thay toàn bộ vỏ thép kém chất lượng.
Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, khẳng định quan điểm của tỉnh trước sau như một. Công ty Đại Nguyên Dương đã ký hợp đồng, nhận tiền của ngư dân đóng loại thép nào thì phải thực hiện đúng như vậy. Đối với vỏ tàu nào được đóng bằng thép không đạt chất lượng thì phải tháo ra, thay bằng thép đạt chất lượng. "Hướng khắc phục của Công ty Đại Nguyên Dương là không thể chấp nhận" - ông Châu nhấn mạnh.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/ngu-dan-to-bi-lua-khi-dong-tau-moi-20170809232406848.htm