Ngư dân vẫn đánh bắt bình thường trên vùng biển Việt Nam

Trước thông báo vô giá trị của Trung Quốc trong việc tạm ngừng đánh bắt cá có thời hạn trên các vùng biển, trong đó có cả các vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, ngư dân tỉnh Quảng Trị vẫn bám biển, vươn khơi đánh bắt trên các ngư trường truyền thống của mình.

 Hải sản đánh bắt được ở ngư trường Hoàng Sa

Hải sản đánh bắt được ở ngư trường Hoàng Sa

Trong câu chuyện với các ngư dân thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh vừa trở về từ ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, chúng tôi được họ chia sẻ, năm nào cũng vậy, cứ đến thời điểm này phía Trung Quốc lại áp đặt lệnh tạm ngừng đánh bắt cá, kèm theo đó là các hoạt động quấy nhiễu đối với ngư dân Việt Nam trên các ngư trường. Tuy vậy, ngư dân vẫn tiếp tục vươn khơi, bám biển bình thường. Trao đổi với chúng tôi khi vừa trở về bờ nghỉ trăng sau chuyến bám biển dài ngày, ngư dân Nguyễn Văn Tuấn cho biết: “Những ngày qua, khi đang khai thác tại ngư trường Hoàng Sa, ngư dân chúng tôi đã nghe về lệnh cấm đánh bắt cá của phía Trung Quốc. Trước thông tin trên chúng tôi chẳng e ngại gì vì mình đang đánh bắt trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng tôi đánh bắt cá trong vùng biển nước mình nên không quan tâm đến lệnh cấm đó. Sau khi cập cảng nghỉ ngơi, bổ sung thêm dầu, đá lạnh, nước ngọt, lương thực, thực phẩm, chúng tôi sẽ tiếp tục trực chỉ ngư trường Hoàng Sa đánh bắt hải sản”.

Anh Tuấn hiện đang là thuyền trưởng con tàu vỏ thép số hiệu QT 96969TS, công suất 829 CV, khai thác hải sản bằng nghề lưới vây. Theo anh Tuấn, việc phía Trung Quốc thông báo tạm ngừng đánh bắt cá có thời hạn trên các vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam là hết sức vô lí, vô giá trị. Do vậy tàu cá của anh cùng với 9 tàu cá khác trong tổ hợp tác đánh bắt trên biển vẫn ra khơi đánh bắt bình thường trên ngư trường Hoàng Sa như từ trước đến nay. “Họ cấm thì kệ họ, chúng tôi vẫn ra khơi đánh bắt bình thường. Ở thị trấn Cửa Việt này, các tàu cá xa bờ khác cũng tương tự như tàu cá của tôi, không ai e ngại gì cả bởi lệnh cấm này không có giá trị. Biển của mình thì mình đưa tàu ra đánh bắt, khai thác thôi, chẳng gì phải sợ. Anh em chúng tôi tôi chỉ nhắc nhở nhau cần thường xuyên liên lạc, hỗ trợ nhau trong quá trình đánh bắt”, anh Tuấn cho hay.

Theo lão ngư Bùi Đình Sành, Tổ trưởng tổ tự quản tàu thuyền khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, với 40 tàu cá đánh bắt xa bờ có công suất từ 450 - 1.000 CV, trong đó có 4 tàu vỏ thép, nghề khai thác chủ yếu là nghề lưới rê bùng nhùng và lưới vây, sở hữu những con tàu lớn, trang thiết bị hiện đại nên hoạt động của các tàu rất hiệu quả. Khi nghe chúng tôi đề cập đến việc cấm đánh bắt cá của Trung Quốc, ông Sành bức xúc: “Từ năm 1999 đến nay, năm nào Trung Quốc cũng áp đặt lệnh cấm phi lí này nhưng ngư dân chúng tôi không bao giờ e ngại trước hành động ngang ngược của phía Trung Quốc và sẽ tiếp tục ra khơi đánh bắt cá trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, đó là những ngư trường truyền thống bao đời nay của ngư dân chúng tôi”. Theo ông Sành, các ngư dân lúc nào cũng xác định ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, vịnh Bắc Bộ là của Việt Nam với những giá trị pháp lí rõ ràng, không ai được phép ngăn cấm đánh bắt hải sản, làm giàu từ biển. Phía Trung Quốc càng cấm đánh bắt thì ngư dân càng phải đồng tâm hiệp lực, đoàn kết ứng phó. Mỗi lần ra khơi đánh bắt cần phải đi theo tổ đội, nương tựa vào nhau để đánh bắt. Ngoài ra, trên biển lúc nào cũng có các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của nước ta đồng hành, bảo vệ, giúp ngư dân yên tâm đánh bắt hải sản. “Biết là Trung Quốc đang áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá hết sức ngang ngược nhưng ngư dân chúng tôi không nao núng. Biển của ta, ai có quyền cấm!”, ông Sành khẳng khái nói.

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt Mai Văn Minh chia sẻ, do địa bàn thị trấn có rất đông ngư dân làm nghề biển nên sau khi Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh, Chi cục Thủy sản có công văn khẳng định việc Trung Quốc có thông báo tạm ngừng đánh bắt cá trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là không có giá trị thì địa phương đã tăng cường tuyên truyền, vận động ngư dân đoàn kết tiếp tục ra khơi bám biển đánh bắt trên vùng biển Việt Nam. “Hiện tại thị trấn có đội tàu đánh bắt xa bờ lớn nhất nhì tỉnh với 95 chiếc, trong đó có 10 chiếc tàu vỏ thép được đóng mới theo Nghị định 67 chuyên đánh bắt hải sản tại các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa và vịnh Bắc Bộ. Đã thành lập được 6 tổ đội hợp tác sản xuất trên biển. Việc Trung Quốc đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá là phi lí. Ngư dân thị trấn không vì thế mà nao núng, ngược lại càng quyết tâm hơn trong việc vươn khơi bám biển, giữ vững ngư trường, giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”, ông Minh nói.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nguyễn Hoài Nam, trước thông báo tạm ngừng đánh bắt cá có thời hạn từ 12 giờ ngày 1/5/2019 đến 12 giờ ngày 16/8/2019 của phía Trung Quốc trên các vùng biển đối với tất cả các nghề, trừ nghề câu, trong đó có vùng đánh cá chung (vùng biển phía Đông đường phân định vịnh Bắc Bộ) và vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, Chi cục Thủy sản đã có văn bản hướng dẫn cho các chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân khai thác thủy sản trên biển biết và khẳng định việc Trung Quốc tạm ngừng đánh cá trong vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam là không có giá trị. Ông Nam cho biết: “Hiện ngư dân trong tỉnh vẫn đi đánh bắt bình thường trên vùng biển Việt Nam chứ không ảnh hưởng gì cả. Để ngư dân yên tâm bám biển sản xuất và bảo đảm an toàn trong quá trình hoạt động trên biển, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với các địa phương ven biển hướng dẫn ngư dân biết về chủ quyền của vùng biển Việt Nam; động viên ngư dân bám biển sản xuất bình thường trong phạm vi vùng biển Việt Nam và hướng dẫn ngư dân đánh bắt theo tổ đội để hỗ trợ nhau trên biển. Phối hợp với các Đồn Biên phòng quản lí chặt chẽ việc xuất bến của tàu cá hoạt động trong thời gian này”.

Ông Nam cũng lưu ý, đối với các tàu cá có Giấy phép đánh bắt trong vùng đánh cá chung vịnh Bắc Bộ năm 2018 - 2019 tuyệt đối không sang khai thác thủy sản tại vùng biển phía Đông đường phân định vịnh Bắc Bộ trừ những tàu hoạt động nghề câu trong thời gian nói trên; những tàu cá khai thác ở vùng biển xa bờ phải bật máy thông tin có tích hợp định vị vệ tinh, hằng ngày báo cáo vị trí và liên lạc về Trạm Quản lí Thông tin của Chi cục Thủy sản để theo dõi và cảnh báo cho các chủ tàu nếu khai thác không đúng vùng biển để biết và di chuyển ra khỏi vùng biển nước ngoài, nhất là vùng biển của Trung Quốc. Các tàu cá trong quá trình hoạt động sản xuất trên biển phải hết sức thận trọng ở các ngư trường nhạy cảm; phát hiện và cung cấp thông tin kịp thời các loại tàu Trung Quốc gây rối đối với tàu cá Việt Nam, vi phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam cho các cơ quan chức năng để có biện pháp giải quyết. “Ngoài ra, các ngư dân khi khai thác, đánh bắt trên biển cần tuân thủ Kế hoạch số 5442/KH-UBND ngày 30/10/2017 của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân tỉnh Quảng Trị khai thác trái phép trên các vùng biển nước ngoài; Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU)”, ông Nam lưu ý thêm.

Thục Quyên - Nguyễn Lan

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=140189