Người dân khắp châu Á đang ăn món gì vào ngày Tết?

Bánh chưng, sủi cảo, gỏi cá Yu Sheng, Poon Choi... là những món ăn truyền thống dịp Tết ở các nước châu Á.

Bánh chưng - Việt Nam: Theo truyền thuyết, bánh chưng xuất hiện vào thời vua Hùng. Chiếc bánh tượng trưng cho mặt đất, đồng thời cũng thể hiện lòng biết ơn với tổ tiên, đất trời. Trong quan niệm của người Việt, quá trình làm bánh chưng là dịp để gia đình gắn kết, quây quần bên nhau. Nguyên liệu của món bánh là gạo nếp, thịt heo, đậu xanh và được gói bằng lá dong, buộc bằng lạt mềm. Sau khi gói xong, bánh sẽ được nấu chín trong khoảng 12 giờ trên bếp than củi. Ảnh: Luxtraveldmc.

Sủi cảo - Trung Quốc: Với lịch sử hơn 1.800 năm, sủi cảo là món ăn may mắn truyền thống trong đêm giao thừa và ngày đầu năm mới ở Trung Quốc. Người Trung Quốc quan niệm sủi cảo có hình dáng giống nén vàng, nén bạc ngày xưa. Do đó, chúng tượng trưng cho sự giàu có, thịnh vượng.

Trong lúc làm sủi cảo, người làm bánh sẽ lén cho sợi chỉ hoặc đồng xu vào trong nhân. Ai ăn trúng bánh có sợi chỉ sẽ nhận được lời chúc sống trường thọ, còn ai ăn trúng bánh có đồng xu thì năm mới sẽ giàu có, thịnh vượng. Ảnh: Eat Cho Food.

Gỏi cá Yu Sheng - Singapore: Món gỏi được làm từ 27 nguyên liệu gồm cá hồi, rau củ, các loại nước sốt và gia vị. Điều thú vị của Yu Sheng là các nguyên liệu phải được thêm vào theo thứ tự. Ví dụ, cá hồi là món đầu tiên được đưa vào, người phục vụ phải đọc câu “nian nian you yu”, có nghĩa hy vọng về sự dồi dào trong cả năm. Sau đó, mọi người ngồi quanh bàn sẽ đứng lên dùng đũa để xóc Yu Sheng, nghi lễ này gọi là “lo hei” (có nghĩa là trỗi dậy). Người ném Yu Sheng cao nhất được cho là sẽ đạt được thành tích cao nhất, sự thịnh vượng ngày càng tăng trong năm mới.

Tteokguk - Hàn Quốc: Người Hàn Quốc đón năm mới bằng một bữa sáng với món Tteokguk (súp bánh gạo). Món ăn này gồm bánh gạo, nước xương bò hầm, thịt bò, trứng, nấm, hành hoa và các loại rau thái mỏng. Bánh gạo ban đầu được sử dụng cho món súp này có dạng dài, mang ý nghĩa trường thọ trong cuộc sống. Sau đó, nó sẽ được cắt thành từng miếng bầu dục vừa ăn để cho vào súp. Hình bầu dục của bánh gạo giống như đồng xu, tượng trưng cho mong muốn giàu có và thịnh vượng. Ảnh: tarasmulticulturaltable.

Lẩu - Đài Loan (Trung Quốc): Lẩu là món ăn yêu thích của các gia đình tại Đài Loan vào đêm giao thừa và dịp Tết Nguyên đán. Người Đài Loan quan niệm lẩu là món ăn gắn kết gia đình, biểu thị sự đoàn tụ và hạnh phúc. Vào dịp lễ hội, nguyên liệu nấu lẩu đều được mua gấp đôi, gấp ba bình thường để thể hiện sự dư dả, dồi dào trong năm mới. Ảnh: Socksy.

Poon Choi - Hong Kong (Trung Quốc): Đây được xem như món lẩu đặc biệt của người Trung Quốc, xuất hiện từ triều đại Nam Tống, khi những người dân địa phương nấu các cao lương mỹ vị, đặt trong một chiếc nồi lớn để phục vụ hoàng đế. Poon Choi có 3 lớp. Lớp đầu tiên bắt buộc phải là nguyên liệu tươi ngon, hảo hạng nhất như bào ngư, hải sâm, vây cá mập, thịt bò, thịt cừu, tôm, cua... để nhấn mạnh sự thịnh vượng. Phần giữa thường được lót bằng thịt lợn và nấm khô, trong khi các thành phần như củ cải, da lợn và đậu phụ đều được đặt ở phía dưới cùng. Người Hong Kong quan niệm rằng Poon Choi tượng trưng cho sự đoàn kết và gắn bó, quy tụ mọi người về một nơi. Ảnh: thehoneycombers.

Tikoy - Philippines: Tikoy là món ăn không thể thiếu của người dân Philippines trong dịp năm mới. Bánh được làm từ gạo nếp trộn mỡ lợn, đường, nước, nhúng vào trứng gà rồi chiên. Người Philippines tin rằng ăn bánh Tikoy vào dịp Tết sẽ giúp thành viên trong gia đình thêm gắn bó, đoàn kết và có được sự may mắn, hạnh phúc. Ảnh: foxyfolksy.

Kagami Mochi – Nhật Bản: Kagami Mochi là món ăn cầu may trong dịp Tết Nguyên đán ở Nhật Bản, tượng trưng cho sự may mắn, mùa màng bội thu và cuộc sống viên mãn. Cách sắp xếp những chiếc bánh mochi và quả quýt chồng lên nhau, tượng trưng cho sự may mắn và trọn vẹn liên tục trong mọi việc. Ngoài ra, từ "Kagami" trong món ăn còn có nghĩa là sự suy ngẫm, như thể nhìn lại chính mình trong một năm qua. Ảnh: Fun!Japan.

Hảo Hảo

Nguồn Znews: https://znews.vn/nguoi-dan-khap-chau-a-dang-an-mon-gi-vao-ngay-tet-post1459629.html