Người đàn ông đòi chém CSGT ở Gia Lai có thể bị xử phạt như thế nào?

Người đàn ông không chịu ký biên bản khi vi phạm giao thông, đồng thời còn đòi chém CSGT có thể bị xử phạt như thế nào?

Ngày 20-12, Cơ quan CSĐT Công an huyện Ia Pa (Gia Lai) đã ra quyết định tạm giữ hình sự ông H.V.T (50 tuổi, ngụ xã Ia Mrơn) về hành vi chống người thi hành công vụ. Hiện cơ quan công an đang hoàn tất hồ sơ để khởi tố vụ án.

Vấn đề pháp lý được nhiều người quan tâm là người đàn ông này có thể phải đối mặt với mức phạt ra sao?

Trao đổi nhanh với PLO, Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết theo Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (được sửa đổi bổ sung bởi Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020) quy định như sau:

"Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất 1 người chứng kiến xác nhận việc cá nhân, tổ chức vi phạm không ký vào biên bản; trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì phải ghi rõ lý do vào biên bản".

“Do đó, CSGT giải thích, dù người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không ký vào biên bản vi phạm giao thông thì vẫn phải nộp phạt vì biên bản đó sẽ được làm chứng bởi đại diện chính quyền cấp xã hoặc người chứng kiến xác nhận”- luật sư Tuấn cho hay.

Cũng theo luật sư Tuấn, theo Nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 123/2021) không có quy định nào về việc không chịu ký vào biên bản xử phạt sẽ bị xử lý thêm về lỗi khác.

“Không ký vào biên bản là chống người thi hành công vụ, còn nếu người vi phạm dùng vũ lực thì sẽ bị xử lý hình sự theo quy định”- luật sư Tuấn nhấn mạnh.

Luật sư Tuấn phân tích, theo Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội chống người thi hành công vụ như sau:

Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.”

Theo luật sư, để cấu thành tội chống người thi hành công vụ thì người phạm tội phải có một trong các hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ. Bên cạnh đó, tại Nghị định 100/20219, không có quy định xử phạt hành vi không ký vào biên bản của người vi phạm giao thông.

“Như vậy, việc không ký vào biên bản vi phạm giao thông không được xem là hành vi chống người thi hành công vụ nếu người này không sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực”- luật sư Tuấn kết luận.

THY NHUNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/nguoi-dan-ong-doi-chem-csgt-o-gia-lai-co-the-bi-xu-phat-nhu-the-nao-post767725.html