Người gìn giữ nét văn hóa mo Mường

Trong sắc màu văn hóa đồng bào dân tộc Mường vùng trung du, mo Mường là linh hồn của mọi nghi lễ, tín ngưỡng. Trải qua dâu bể thời gian, sức sống của mo Mường và câu chuyện về những con người dành trọn cuộc đời gắn bó với thanh âm từ thuở 'đẻ đất, đẻ nước' vẫn mãi lưu giữ, lan tỏa và trường tồn bất biến với thời gian.

Chiếc đai ấn trao trong ngày cấp sắc được ông Nguyễn Hữu Chỉnh (xã Đồng Thịnh, huyện Yên Lập) gìn giữ suốt nhiều năm làm thầy mo.

Những bài mo Mường được chép bằng văn tự cổ, lưu giữ qua nhiều đời thầy mo.

Về miền sơn cước lần này, tôi có dịp được lắng đọng tâm hồn trong giai điệu bài mo Mường thiêng liêng, huyền bí – vốn là nét đặc trưng ngàn đời của dân tộc Mường trong các nghi lễ, tín ngưỡng. Bắt nhịp bằng đôi bàn tay gầy guộc, nhăn nheo, sạm đen vì năm tháng, thầy mo Nguyễn Hữu Chỉnh (71 tuổi, xã Đồng Thịnh, huyện Yên Lập) diễn xướng từ cử chỉ, điệu bộ đến lời mo trong âm vực trầm bổng độc đáo rất riêng của người Mường. Ông Chỉnh cho biết: “Mo Mường là hoạt động diễn xướng văn hóa dân gian lâu đời của người Mường. Người Mường sử dụng các bài mo để thực hành các nghi lễ trong đời sống như nghi lễ cầu phúc lộc, lễ cưới, lễ cơm mới hay các nghi lễ gọi linh hồn con người, lễ cầu mạnh khỏe, nghi lễ trừ tà ma,…”.

Theo học nghề từ thuở còn niên thiếu, sau 15 năm, khi đã thông thạo, tận tường các bài mo mà tổ tiên truyền tụng qua nhiều đời bằng văn tự cổ, ông Chỉnh được làm lễ cấp sắc, chính thức trở thành thầy mo kế tụng cha ông. Với người Mường, thầy mo là người được dân làng đặc biệt quý trọng. Họ là người giữ trọng trách thực hiện một số công việc liên quan đến tín ngưỡng, tâm linh của cá nhân, gia đình và cộng đồng. Để được làm thầy mo, trước hết trong gia đình phải có người từng làm thầy, truyền nghề lại cho con cháu. Bên cạnh đó, người được chọn làm thầy mo phải là người có tâm, tài, đức, thật thà, ăn nói phải đĩnh đạc, phúc hậu và phải là người giữ gìn được nề nếp, gia phong trong gia đình. Thầy mo không chỉ thông thạo văn tự cổ, lưu giữ được nhiều sách cổ, phong tục tập quán, những lễ nghi của dân tộc, mà còn là người có khả năng giao tiếp và cầu xin các đấng siêu nhiên phù hộ cho con người có cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Những bài mo Mường được chép bằng văn tự cổ, lưu giữ qua nhiều đời thầy mo.

Mỗi khi thực hiện nghi lễ, thầy mo thường mang các loại đồ tế khí dụng đa dạng như chuông, chiêng, gươm, kiếm… Mỗi vật dụng mang theo là một biểu tượng sức mạnh phò trợ cho thầy mo trong công việc. Với người Mường vùng đất Yên Lập, đai ấn được trao từ ngày cấp sắc là thứ không thể thiếu trong trang phục của thầy mo mỗi khi thực hiện nghi lễ. Chiếc đai ấn được ví như “chứng chỉ hành nghề”, niềm tự hào của người làm thầy mo.

Cả cuộc đời trọn tâm với mo Mường, dù đã bước sang tuổi 71 nhưng ông Nguyễn Hữu Chỉnh vẫn thuộc vanh vách từng bài mo cổ, ông bộc bạch: “Mo Mường là nét văn hóa đặc sắc, là hồn cốt, huyết mạch trong đời sống văn hóa người Mường. Các bài mo đã gắn liền với đời sống tâm linh và thể hiện quan niệm nhân sinh quan, lịch sử phát triển của dân tộc, sự sống và cái chết, sự tồn tại vĩnh cửu của linh hồn con người. Đồng thời, mo Mường cũng thể hiện ước mong của con người hướng tới một tương lai tốt đẹp. Bởi lẽ đó, ngày nay, Mo Mường vẫn được truyền dạy qua các thế hệ từ đời này qua đời khác, mang bản sắc văn hóa riêng của người Mường. Những người làm thầy mo như chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục cố gắng tận tâm với công việc để góp phần biểu đạt những tinh hoa văn hóa dân tộc Mường, giúp cộng đồng hướng tới điều tốt đẹp trong cuộc sống”.

Đồng Niên

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//van-hoa/nguoi-gin-giu-net-van-hoa-mo-muong/187063.htm