Người giữ hồn cho những làn điệu hát Xoan, Ghẹo

PTĐT - Hát Xoan, hát Ghẹo là những làn điệu dân ca lâu đời, đặc trưng của văn nghệ dân gian tỉnh Phú Thọ và được UNESCO công nhận ngày 24/11/2011 là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, cần được bảo vệ khẩn cấp.

PTĐT - Hát Xoan, hát Ghẹo là những làn điệu dân ca lâu đời, đặc trưng của văn nghệ dân gian tỉnh Phú Thọ và được UNESCO công nhận ngày 24/11/2011 là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, cần được bảo vệ khẩn cấp. Ngày nay, những làn điệu ấy ít được phổ biến, lan tỏa trong đời sống nhân dân. Vì thế, người nông dân Nguyễn Ngọc Tiến, xã Bằng Giã, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ vẫn dành hết tâm huyết của mình để truyền thụ hát Xoan, hát Ghẹo cho mọi người, nhất là giới trẻ.
Ông Nguyễn Ngọc Tiến vốn là người có giọng hát hay, yêu mến dân ca quan họ Bắc Ninh. Mỗi lần Đền Hùng mở hội, ông lại đến diễn quan họ Bắc Ninh. Ở đó, ông thấy người ta hát Xoan, Ghẹo và cảm thấy mình là người con Đất Tổ mà lại không biết hát nền văn hóa dân gian quê mình thì thấy thật là áy náy. Vậy là ông tự mày mò, nghiên cứu học trên mạng. Đến năm 2017, ông tham gia sinh hoạt hát Xoan, Ghẹo ở thị trấn Hạ Hòa. Thấy được sự nhiệt tình và niềm đam mê ca hát, các cấp chính quyền đã cử ông đi học hát Xoan, Ghẹo ở trung tâm Văn hóa - Du lịch tỉnh Phú Thọ. Tại đây, từ năm 2017 đến 2019, mỗi năm 10 ngày, ông được các nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch, Nguyễn Ngọc Tuấn truyền dạy hát Xoan, Ghẹo. Sau mỗi đợt tập huấn, ông trở về câu lạc bộ hát Xoan, Ghẹo thị trấn Hạ Hòa để truyền thụ cho mọi người. Đối tượng mà ông hướng đến truyền dạy chủ yếu là các cháu học sinh. Ông truyền dạy bằng nhiều biện pháp như: Dạy ở câu lạc bộ thị trấn Hạ Hòa, dạy ở nhà các cháu, hoặc ở nhà ông, có khi truyền dạy trực tiếp tại các lễ hội đình làng, các buổi liên hoan, gặp mặt...Với năng khiếu vốn có, ông hát Xoan, Ghẹo rất hay và đã biểu diễn tại lễ hội Đền Hùng, Đền Mẫu Âu Cơ, đình làng ở các địa phương trong và ngoài tỉnh. Ông chia sẻ: “Mới đầu nghe những làn điệu này thì mọi người không thích. Nhưng nghe thường xuyên thì chúng ta mới hiểu được cái hay và ý nghĩa sâu đậm trong từng câu hát. Tôi băn khoăn nhất là làm sao để lớp trẻ nhiệt tình tham gia. Vì lớp trẻ chính là măng non của những là điệu này”.Hàng ngày, sau những buổi đồng áng, ông lại xem sách, vở, trên mạng những điệu hát Xoan, Ghẹo để nghiên cứu và học tập. Mỗi khi rảnh rỗi, ông lại tuyên truyền vận động mọi người đến với những điệu hát Xoan, Ghẹo, nhằm gìn giữ giá trị văn hóa ngàn năm của quê hương Đất Tổ.

HÀ THIỆN HÙNG

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/net-dep-doi-thuong/202101/nguoi-giu-hon-cho-nhung-lan-dieu-hat-xoan-gheo-174792