Người lao động làm gì khi quyền lợi bị xâm phạm?

Trong quan hệ lao động, người lao động (NLĐ) được xem là yếu thế hơn so với người sử dụng lao động (NSDLĐ). Chính vì vậy, khi nhận thấy quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình bị xâm hại, nhiều NLĐ vẫn còn lúng túng trong chọn giải pháp xử lý.

Luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia TP.Biên Hòa) tư vấn cho người lao động về cách thức bảo vệ quyền lợi khi bị doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động không đúng luật. Ảnh: Đ.Phú

Luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia TP.Biên Hòa) tư vấn cho người lao động về cách thức bảo vệ quyền lợi khi bị doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động không đúng luật. Ảnh: Đ.Phú

* Khi doanh nghiệp vi phạm hợp đồng lao động

Mặc dù đã ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) với NLĐ nhưng vẫn có doanh nghiệp cố tình vi phạm khiến NLĐ bức xúc. Các vi phạm chủ yếu xoay quanh việc đơn phương chấm dứt hợp đồng với NLĐ, chi trả lương không đúng thỏa thuận trong HĐLĐ; không đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho NLĐ theo quy định…

Bà P.D.T. (ngụ xã Tân An, H.Vĩnh Cửu) phản ảnh, ngày 18-2-2022, bà được Công ty G. (đóng tại xã Trị An, H.Vĩnh Cửu) nhận vào thử việc. Kết thúc 1 tháng thử việc, bà được công ty ký HĐLĐ không xác định thời hạn. Đột ngột trưa 23-11-2022, công ty thông báo cho bà và nhiều người khác đến ngày 1-1-2023 sẽ nghỉ việc, không phải đi làm vì HĐLĐ được chấm dứt từ ngày 31-12-2022. “Việc công ty đột ngột cho tôi nghỉ việc ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập, khiến cuộc sống của tôi khó khăn hơn” - bà P.D.T. chia sẻ.

Khoản 2, Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17-1-2022 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có quy định, phạt tiền từ 5-50 triệu đồng đối với NSDLĐ có một trong các hành vi: trả lương không đúng hạn theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong HĐLĐ từ 1-301 NLĐ trở lên.

Trường hợp ông T.Đ.B. (ngụ xã Long Hưng, TP.Biên Hòa) lại bức xúc khi doanh nghiệp chi trả lương cho ông không đúng theo thỏa thuận. “Tôi được Công ty M. ký HĐLĐ không xác định thời hạn, công việc là lái xe cuốc, lương 8,8 triệu đồng/tháng. Tuy vậy, từ tháng 11-2022 đến tháng 1-2023, công ty chỉ trả cho tôi có 2,6 triệu đồng/tháng, thiếu lại tổng cộng 18,6 triệu đồng. Việc chi trả lương không đúng theo HĐLĐ khiến tôi không đủ tiền trang trải cuộc sống và lo cho gia đình” - ông T.Đ.B. cho hay.

Một trong những điều “khó xử” nhất hiện nay của NLĐ là khi biết doanh nghiệp không đóng BHXH cho mình nhưng vẫn không biết có ý kiến ra sao. Vì việc không đóng BHXH cho NLĐ là vi phạm HĐLĐ và ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của NLĐ nếu doanh nghiệp nợ đọng BHXH dây dưa, kéo dài hoặc phá sản.

Anh H.L.G. (ngụ P.An Hòa, TP.Biên Hòa) chia sẻ, anh bị doanh nghiệp chậm đóng BHXH 2 tháng (tháng
12-2022 và tháng 1-2023). Nếu doanh nghiệp nợ đóng BHXH kéo dài, quyền lợi của NLĐ sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

* Bảo vệ NLĐ bằng pháp luật

Trao đổi về trường hợp của bà P.D.T., luật sư Nguyễn Văn Hòa (Đoàn Luật sư Đồng Nai) phân tích, muốn biết việc NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với bà đúng hay sai thì phải căn cứ vào Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2019 về quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ. Do đó, căn cứ theo thông tin bà cung cấp thì công ty không đảm bảo về thời gian báo trước ít nhất 45 ngày làm việc đối với HĐLĐ không xác định thời hạn. Cho nên bà có quyền yêu cầu công ty nhận bà trở lại làm việc, bồi thường về tiền lương và đóng đầy đủ các chế độ khác theo quy định của pháp luật trong thời gian không được làm việc, bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật. Nếu yêu cầu của bà không được công ty đáp ứng thì bà có quyền khởi kiện vụ việc ra tòa án để đòi quyền lợi.

Cũng theo luật sư Nguyễn Văn Hòa, ngoài việc Bộ luật Lao động năm 2019 cho phép NSDLĐ được quyền chấm dứt, đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với NLĐ thì tại Điều 37 Bộ luật Lao động năm 2019 cũng quy định rất rõ trường hợp NSDLĐ không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ khi NLĐ ốm đau hoặc bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền; NLĐ đang nghỉ hàng năm, nghỉ việc riêng và trường hợp nghỉ khác được NSDLĐ đồng ý; NLĐ nữ mang thai; NLĐ đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Riêng trường hợp của anh T.Đ.B., luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia TP.Biên Hòa) hướng dẫn, khi NLĐ được NSDLĐ trả tiền lương không đủ, đúng thời hạn thì có các quyền sau: Gửi yêu cầu trực tiếp đến ban lãnh đạo công ty yêu cầu giải quyết tiền lương trả còn thiếu; khiếu nại sự việc tới chánh thanh tra Sở LĐ-TBXH nhờ can thiệp; yêu cầu hòa giải thông qua hòa giải viên lao động; yêu cầu giải quyết bởi Hội đồng trọng tài lao động; khởi kiện vụ việc ra tòa án.

“Nếu anh muốn chọn giải pháp yêu cầu tòa án giải quyết thì trước tiên anh phải thực hiện một trong các bước như: Khiếu nại sự việc tới chánh thanh tra Sở LĐ-TBXH nhờ can thiệp; yêu cầu hòa giải thông qua hòa giải viên lao động; yêu cầu giải quyết bởi Hội đồng trọng tài lao động giải quyết mà không thành” - luật gia Phạm Đình Đức cho hay.

Luật gia Phạm Đình Đức lưu ý, trong trường hợp NLĐ phát hiện công ty không đóng BHXH cho mình theo đúng quy định của pháp luật về lao động, BHXH thì có quyền khiếu nại tới Ban giám đốc công ty, tổ chức Công đoàn công ty. Nếu công ty cố tình chây ì không thực hiện thì NLĐ kiến nghị đến cơ quan BHXH nơi NLĐ tham gia đóng hoặc thanh tra LĐ-TBXH trên địa bàn hoặc khởi kiện công ty ra tòa án cấp huyện nơi công ty có trụ sở để yêu cầu giải quyết.

Khoản 3, Điều 18 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11-11-2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc có quy định, NSDLĐ có trách nhiệm đóng đủ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định đối với NLĐ đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202303/nguoi-lao-dong-lam-gi-khi-quyen-loi-bi-xam-pham-3158671/