Người Mông Bản Xèo gìn giữ nghề se lanh, dệt vải
Nhờ sự khéo léo, kiên trì, cần cù, chịu thương, chịu khó của phụ nữ dân tộc Mông ở Bản Xèo, nghề xe lanh, dệt vải truyền thống nơi đây đã được gìn giữ và phát huy hiệu quả trong đời sống.

Phụ nữ Mông thêu hoa văn thổ cẩm.
Nghề xe lanh, dệt vải gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào Mông xã Bản Xèo tỉnh Lào Cai. Từ nhiều đời nay, phụ nữ Mông ở Bản Xèo vẫn miệt mài gìn giữ tinh hoa văn hóa của dân tộc mình và trao truyền cho thế hệ tương lai.
Với đôi tay khéo léo, phụ nữ Mông đã dệt những tấm vải lanh với nhiều hoa văn tinh xảo, làm ra những bộ trang phục truyền thống và các vật dụng phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày.

Tước sợi lanh.
Cứ tháng Bảy hằng năm, gia đình chị Thào Thị Dính, thôn Séo Pa Cheo, xã Bản Xèo lại vào mùa thu hoạch cây lanh để dệt vải. Sau khi thu hoạch, chị Dính đem thân cây lanh phơi nắng cho khô rồi mới tước thành sợi.
Sợi lanh được đưa vào cối giã mềm rồi nối lại, cuộn lại thành từng cuộn tròn, mang đi ngâm nước và luộc cho đến khi thấy sợi lanh mềm, trắng thì mang ra phơi nắng. Sau đó, chị Dính dùng guồng chia sợi lanh, rồi mới mắc vào khung cửi để dệt vải.

Phụ nữ Mông truyền dạy cho con em mình nghề thủ công truyền thống.
Chị Thào Thị Dính tâm sự: “Lúc bé, tôi học thổ cẩm thêu từ bà, từ mẹ. Lớn lên đi lấy chồng, tôi học may quần, may áo cho chồng, cho con để giữ nghề truyền thống của dân tộc Mông”.
Sau công đoạn dệt vải, để tạo ra những tấm thổ cẩm độc đáo, phụ nữ Mông dùng kỹ thuật in, vẽ sáp ong, nhuộm chàm và thêu hoa văn trên vải lanh.
Sản phẩm thổ cẩm của người Mông ở Bản Xèo trang trí hoa văn, họa tiết khác nhau trên nền vải lanh, với các gam màu chủ đạo trắng, đỏ, vàng, xanh lá cây và tím... Họa tiết, hoa văn trên trang phục người Mông chủ yếu là các hoa văn hình học, là những đường ngang, viền đậm dài hoặc gẫy góc, tạo ra các khối hình vuông, chữ nhật, hình thoi.
Chị Châu Thị Sú, thôn Séo Pa Cheo, xã Bản Xèo cho biết: Phụ nữ Mông ai cũng biết dệt vải, thêu thùa, biết may trang phục cho mình và người thân trong gia đình. Ngay từ nhỏ, các bé gái đều được các bà, các mẹ dạy thêu, dạy may trang phục truyền thống.

Dệt vải lanh.
Hiện, đồng bào Mông ở Bản Xèo vẫn duy trì nghề xe lanh, dệt vải, thêu thổ cẩm, may trang phục truyền thống. Không chỉ tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường, phục vụ nhu cầu đời sống hằng ngày, còn mang ý nghĩa gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa và tâm linh của người Mông.

Vải lanh sau khi dệt, người Mông nhuộm chàm rồi mới may trang phục.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Xèo cho biết: Thực hiện bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Mông, cấp ủy, chính quyền xã đã thành lập tổ hợp tác; chủ động xây dựng được 3 sản phẩm OCOP từ vải lanh; liên kết với các đơn vị, hợp tác xã bao tiêu sản phẩm từ vải lanh cho bà con; đồng thời đưa sản phẩm dệt may ra thị trường, kết hợp sản xuất với phát triển du lịch để nâng cao thu nhập.
Giờ đây, ngoài giá trị kết nối văn hóa truyền thống, sản phẩm thủ công từ nghề xe lanh, dệt vải của đồng bào Mông Bản Xèo đã theo chân du khách đi khắp muôn nơi.
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/nguoi-mong-ban-xeo-gin-giu-nghe-se-lanh-det-vai-post648468.html