Người Mỹ không ghét đi làm, chỉ muốn chuyển việc

Làn sóng 'đại nghỉ việc' trong những năm đại dịch khiến nhiều người làm tưởng rằng dân xứ cờ hoa đã chán công việc, nhưng trên thực tế, họ chỉ chuyển nơi làm để tăng thu nhập.

“Không ai muốn làm việc cả”, tờ New York Times Magazine nhận định trên trang bìa vào tháng 2. Trong số báo trên, cây viết Noreen Malone giải thích rằng giữa tình trạng bất mãn với công việc lan rộng cùng làn sóng "đại nghỉ việc", đại dịch đã “giúp người lao động nhận ra sự chán ghét làm việc của họ”.

Tạp chí New York đồng tình. Dưới tiêu đề “Ai Cũng Có Công Việc Nhưng Không Ai Vui”, Kevin T. Dugan viết rằng “dù số lượng công việc có thể lớn hơn, chất lượng của chúng đang dần xói mòn”.

Điều này cũng giải thích cho chuyên mục “Antiwork” (tạm dịch: Ghét công việc) nổi tiếng trên nền tảng Reddit với hơn 1 triệu người theo dõi vào cuối năm 2021, theo The Atlantic.

 Nhận định rằng người Mỹ đã chán đi làm là sai lầm. Ảnh: iStock.

Nhận định rằng người Mỹ đã chán đi làm là sai lầm. Ảnh: iStock.

Kevin McKenzie, người điều phối trang, nói với Rolling Stone rằng chuyên mục phản ánh “tình trạng bất mãn chung với việc đi làm”. Ngay cả Kim Kardashian cũng tuyên bố rằng “không ai muốn làm việc cả”.

Với những lý lẽ trên, dường như có thể kết luận 3 điều: (1) Người Mỹ không muốn làm việc; (2) Họ chán ghét công việc và đại dịch làm họ nhận ra điều đó; (3) Xu hướng "đại nghỉ việc" phản ánh cảm xúc chán ghét trên. Tuy nhiên, cả 3 câu chuyện đều sai.

Những hiểu lầm

Điều đầu tiên có thể bị phản biện dễ dàng. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ ở mức dưới 4%. Hơn 80% những người lao động ở độ tuổi vàng đều đang đi làm hoặc tìm việc. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của những người nằm trong khoảng 25-54 tuổi cao hơn so với 6 năm trước.

Các dẫn chứng này cho thấy hầu hết người Mỹ đều muốn làm việc. Những người không đi làm như các bà mẹ hoặc nội trợ thường khát khao được quay lại.

Nhận định rằng người Mỹ chán ghét công việc cũng không chính xác. Trong tháng 4/2021, Conference Board báo cáo rằng sự hài lòng với công việc trong năm đầu đại dịch đạt mức cao nhất mà tổ chức từng ghi nhận từ năm 1995.

 Các khảo sát cho thấy người Mỹ vẫn hài lòng với công việc. Ảnh: Getty.

Các khảo sát cho thấy người Mỹ vẫn hài lòng với công việc. Ảnh: Getty.

Tổ chức General Social Survey đã khảo sát người Mỹ về đời sống tại nơi làm của họ từ năm 2002. Mỗi năm, khoảng 80% người tham gia cho biết họ “rất” hoặc “tương đối” hài lòng với công việc.

Trong năm 2018-2021, sau khủng hoảng kinh tế, sa thải hàng loạt và tình trạng thất nghiệp tăng vọt, tỷ lệ những người hài lòng với công việc chỉ giảm từ 88% xuống 84%, không quá chênh lệch.

Năm 2016, khảo sát của Pew Research Center cho thấy người Mỹ “nhìn chung là hài lòng với công việc”, và hơn nửa số nhân viên toàn thời gian nói rằng họ “rất hài lòng”.

Cuối cùng, làn sóng "đại nghỉ việc" không phản ánh sự kiệt sức hay ghét công việc. Thay vào đó, xu hướng trên thể hiện sự chuyển dịch về cơ hội làm việc.

Trong khảo sát gần đây của công ty Angus Reid Global, số người nói rằng họ đang cân nhắc nghỉ việc tăng kỷ lục trong năm 2021.

“Tuy nhiên, phần lớn những người này không thể hiện sự bất mãn với công việc hiện tại”, Scott Schieman, giáo sư xã hội học tại Đại học Toronto, người hỗ trợ thực hiện khảo sát, cho biết. Nói cách khác, tình trạng nghỉ việc đang tăng bởi mọi người có nhiều cơ hội hơn chứ không do chán ghét công việc.

Xu hướng "đại nghỉ việc" liên quan đến vấn đề chuyển đổi công việc hơn là nghỉ làm. Năm 2021, ngành dịch vụ nơi ở, ăn uống (như khách sạn, nhà hàng) có nhiều người nghỉ việc hơn các thành phần khác của nền kinh tế. Tuy nhiên, điều đó đã giúp các ngành khác nhận về thêm 2 triệu lao động.

Ở các khu vực kinh tế khác, tình trạng nghỉ việc phần lớn là do nhân viên đổi nơi làm nhằm tăng thu nhập. Vì vậy, làn sóng này nên được gọi là "đại chuyển việc" hơn là "đại nghỉ việc".

 Bản chất của làn sóng "đại nghỉ việc" là tình trạng người lao động muốn thay đổi ngành nghề. Ảnh: New York Times.

Bản chất của làn sóng "đại nghỉ việc" là tình trạng người lao động muốn thay đổi ngành nghề. Ảnh: New York Times.

Sự hiểu sai vấn đề cho thấy một thói quen đáng buồn của những người lên mạng quá nhiều: diễn giải những điều phiền hà nhỏ nhặt thành vấn đề lớn của toàn nhân loại.

Sâu xa hơn, những nhà làm chính sách sẽ không thể cải thiện vấn đề lớn nhất của nước Mỹ nếu họ còn không rõ nó là gì.

Ngoài ra, việc kết luận rằng mọi công việc đều tệ hại có thể đánh lạc hướng dư luận khỏi những nghề nghiệp thực sự khủng khiếp, cần bị xóa bỏ hoặc tự động hóa.

Chúng ta nên muốn người lao động yêu thích công việc của mình. Và chẳng phải họ đã đều nói vậy rồi sao?

Mai Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-my-khong-ghet-di-lam-chi-muon-chuyen-viec-post1305343.html