Người trên 30 tuổi nổi hạch ở cổ có nguy hiểm không?

Nổi hạch vùng cổ có thể chỉ là tình trạng viêm nhiễm vùng mũi xoang nhưng cũng có thể là hạch di căn đến từ khối ung thư nằm ở chỗ khác trong cơ thể.

Hạch là một cơ quan trong hệ thống miễn dịch của cơ thể, được trải rộng khắp cơ thể, có vai trò như lọc, nắm bắt các vi sinh vật (vi trùng), vật lạ (kháng nguyên) khi chúng xuất hiện trong cơ thể.

BS Nguyễn Trọng Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) cho hay, nổi hạch vùng cổ là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau, có thể chỉ là tình trạng viêm nhiễm vùng mũi xoang nhưng cũng có thể là hạch di căn đến từ khối ung thư nằm ở chỗ khác trong cơ thể.

Hạch nổi vùng cổ thường được chia làm hai nhóm: Lành tính và ác tính. Theo BS Lâm Đức Hoàng, Bệnh viện Ung bướu TP HCM, đại đa số một khối hạch xuất hiện ở vùng cổ là lành tính. 75% là hạch viêm.

Nổi hạch ở cổ phải thận trọng nếu hạch có kích thước từ 1-3cm trở lên, dài ngày

Nổi hạch ở cổ phải thận trọng nếu hạch có kích thước từ 1-3cm trở lên, dài ngày

Nổi hạch ở cổ có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng viêm nhiễm vùng mũi xoang, viêm loét amidan, viêm họng, viêm tấy nướu răng, viêm tuyến nước bọt,... gây nổi hạch cổ. Hạch lúc này là loại hạch tăng sinh phản ứng do viêm nhiễm. Nếu được chẩn đoán đúng bệnh này, bệnh nhân không cần phải điều trị uống thuốc hay mổ, chỉ cần theo dõi. Hạch sẽ tự nhỏ lại, lặn đi khi sức khỏe toàn thân tốt hơn, hết viêm, không tái phát tình trạng viêm.

Nếu hạch chuyển hướng từ nhỏ, mềm, không đau, sang hạch sưng to, đau, có thể kèm theo triệu chứng như sốt thì nên đến cơ sở y tế khám. Cũng có trường hợp hạch đang bình thường, tự nhiên lớn nhanh, sờ thấy đau, nhưng đôi khi đau là do có tình trạng viêm nhiễm cấp tính chứ chưa hẳn do hạch ác tính.

Hạch vùng cổ cũng có thể là dấu hiệu mắc giang mai, lao hạch.

Nếu mắc bệnh về máu đơn cử như: Bạch cầu cấp, hạch cũng có thể nổi ở cổ, cùng với các vị trí khác như nách, bẹn, hố thượng đòn; Bệnh bạch cầu mạn thể lympho; Hạch Hodgkin... cũng khiến hạch nổi ở cổ.

BS Hoàng khuyến cáo, một trong những dấu hiệu ung thư vùng tai - mũi - họng (vòm mũi họng, hạ họng, thanh quản, hoặc gần đó là phổi) là khi phát hiện khối hạch vùng cổ khoảng vài phân, không đau, tăng dần. Một số loại ung thư khác như ung thư hạch, ung thư dạ dày, vú, tinh hoàn, buồng trứng... di căn cũng có thể gây sưng hạch cổ.

Với người trên 30 tuổi, BS Hoàng cho hay khi đột nhiên xuất hiện hạch vùng cổ lớn hơn 3cm (một số bác sĩ cho rằng chỉ cần hơn 1cm, dài ngày), không đau, phải hết sức thận trọng, cần đi khám chuyên khoa tai mũi họng hoặc ung bướu để được tư vấn và chẩn đoán đúng mức. Đây có thể là dấu hiệu hạch di căn của một số loại ung thư ở vùng hầu họng. Bệnh nhân cần được siêu âm vùng cổ và nội soi tai mũi họng kỹ trước khi sinh thiết hạch.

Các bước chẩn đoán, hỏi bệnh sử, khám lâm sàng (sờ nắn vùng hạch và tổ chức lân cận) tìm ổ viêm nhiễm lân cận, siêu âm mới chỉ là gợi ý bản chất hạch là lành hay ác.

Để giúp chẩn đoán chính xác bản chất hạch cần phải thực hiện kỹ thuật lấy hạch (tiểu phẫu có gây tê tại chỗ) bằng cách rạch một chút da cổ nơi hạch nổi để lấy ít mô của hạch đem đi thử. Xét nghiệm này gọi là sinh thiết hạch. Việc này được thực hiện nếu bác sĩ thấy cần thiết, xác định có ung thư hay không phụ thuộc một phần lớn vào kết quả sinh thiết này.

Gần đây, người ta còn sử dụng phương pháp chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNA) hay chọc hút cọng mô (core biopsy) dưới hướng dẫn của siêu âm, cách này có thể giúp chẩn đoán hạch ở mức tương đối chính xác.

Chẩn đoán hạch là vấn đề không dễ, nhất là với các bác sĩ chưa có kinh nghiệm. Do đó, khi nổi hạch ở cổ hoặc bất kỳ ở vị trí nào như: bẹn, thượng đòn, dưới hàm, cổ, nhất là đã dài ngày (trên 10 ngày) thì các bạn nên đến khám ở cơ sở y tế chuyên khoa để xác định đó có phải là hạch hay không; tính chất hạch và hướng điều trị.

Quỳnh An

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/y-te/nguoi-tren-30-tuoi-noi-hach-o-co-co-nguy-hiem-khong-20191023131232591.htm