Người trở về sau giấy báo tử

Trưa 25/12 âm lịch, ngày cận Tết Giáp Thìn 2024, sau vài lần chỉ dẫn của người dân, người tài xế lái chiếc xe taxi dừng trước cổng nhà ông Vũ Văn Khánh, khu 1, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì. Một người đàn ông tóc điểm bạc bước ra khỏi xe, đi vào nhà lặng lẽ đứng nhìn di ảnh trên bàn thờ rồi bật khóc. Những giọt nước mắt và bóng dáng, khuôn mặt của một người chỉ được nhìn qua lớp khẩu trang khiến ông Khánh ngỡ ngàng. Từ giật mình, bất ngờ đến òa khóc như một đứa trẻ khi ông Khánh nhận ra anh trai của mình là ông Vũ Văn Sự - người đã từng có giấy báo tử, treo di ảnh trên bàn thờ, nay trở về bằng xương, bằng thịt sau hơn 40 cái giỗ...

Hằng ngày, ông Sự (ở giữa) thường xuyên trò chuyện với em gái và em trai để dần phục hồi trí nhớ.

Hằng ngày, ông Sự (ở giữa) thường xuyên trò chuyện với em gái và em trai để dần phục hồi trí nhớ.

Nên duyên với người phụ nữ dân tộc Mường, huyện Thanh Sơn chưa đầy nửa tháng, năm 1977, ông Sự cùng hàng chục thanh niên địa phương lên đường nhập ngũ, người chiến sĩ năm xưa đóng quân tại đơn vị có địa chỉ: Hòm thư 4R - 824 Sông Bé - Tây Ninh và chiến đấu tại chiến trường Campuchia trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Gần 2 năm sau, gia đình nhận được giấy báo tử có ghi ông Sự hy sinh ngày 28/7/1979 và được nhận Bằng Tổ quốc ghi công số: 828/CT- KT ngày 22/7/1985. Không ai có thể ngờ rằng, sau ngần ấy năm, mọi thứ tưởng chừng như chỉ còn là cát bụi, máu xương đã hòa vào lòng đất mẹ thiêng liêng thì nay bỗng dưng người “liệt sĩ” trở về nhà.

Người cựu binh ấy như vỡ òa trong vòng tay của người thân và hàng xóm làng giềng khi tìm được về quê hương sau 45 năm đằng đẵng, người nắm tay ông, người dành những cái ôm thật chặt như thể chưa tin vào mắt mình.

Trò chuyện với chúng tôi, trong dòng hồi tưởng lúc nhớ, lúc quên và lời nói cũng không còn “tròn vành rõ chữ” ông Sự bảo: “Ngày đó, tôi và đồng đội cầm súng chiến đấu, do sức ép quá khốc liệt của bom đạn ngoài chiến trường khiến tôi bị chấn thương sọ não, chảy máu và ngất đi, khi tỉnh dậy tôi thấy mình được một người phụ nữ tận tình cưu mang, chăm sóc nhưng bị mất trí nhớ nên tôi không còn nhớ được gì trước đó”.

Trở về nhà khi bố mẹ đều không còn, gia đình ông Sự có 7 anh em, một người em trai đã hy sinh tại mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc. Ông Sự không tấc đất, không nhà cửa, hiện đang sinh sống nhờ tại nhà người em trai thứ hai, trong căn nhà cấp bốn nhỏ hẹp, thi thoảng ông lại cùng em gái đi làm cỏ vườn thuê cho người dân trong làng để có đồng tiền thuốc men.

Ông Khánh - em trai của ông Sự chia sẻ: "Mặc dù anh trai tôi đã được chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh đúng thông tin, giấy báo tử và các giấy tờ, chế độ liên quan cũng đã được thu hồi tuy nhiên đến nay vẫn chưa thể làm được thủ tục nhập khẩu do còn một số giấy tờ liên quan chưa được hoàn tất. Hiện trí nhớ của anh trai tôi cũng không được bình thường, lúc tỉnh táo, lúc lẫn, khi nhớ, khi quên và nặng tai nên lúc nghe rõ, lúc không".

Khi chúng tôi hỏi về lý do tìm về được quê hương, ông Sự bảo do hồi đó mất trí nhớ, cũng không có giấy tờ tùy thân nên ông đã ở lại sinh sống cùng người phụ nữ đã cứu, chăm sóc mình tại Tây Ninh và có với nhau một người con trai nhưng không đăng ký kết hôn. Năm tháng qua đi, sức khỏe dần được hồi phục, mỗi ngày ông đều cố gắng nhớ lại trong tâm trí mình nhưng đều chỉ nhớ được quê ở Phượng Lâu, có mẹ tên là Lãng (nhưng thực chất đây là tên của chị gái cả). Qua những thông tin ít ỏi, chính con trai là người đã tìm lại địa chỉ quê quán để ông tìm được quê hương.

Trí nhớ chưa được khôi phục hoàn toàn nên những ngày đầu trở về quê hương, ông Sự hầu hết không nhớ ai, suốt ngày chỉ quanh quẩn trong căn nhà nhỏ. Mãi cho đến thời gian gần đây, được sống và trò chuyện cùng người thân, bạn bè, làng xóm nên ông cũng phần nào minh mẫn hơn, ký ức được gợi lại nhiều hơn.

Lớn lên cùng nhau từ thuở thiếu thời và rồi lại cùng nhau lên đường nhập ngũ, cùng vào sinh ra tử nơi chiến trường, ông Ngô Đức Vượng - người bạn, người đồng chí, đồng đội của ông Sự chia sẻ: “Nghe tin ông Sự còn sống trở về tôi cũng bỏ dở việc chạy sang ngay. Ngày ấy bom đạn khắc nghiệt, ông Sự lại trực tiếp tham gia chiến đấu ở các trận đánh lớn, rất nhiều người đã hy sinh, không thể nghĩ được rằng người bạn, đồng đội của mình vẫn còn sống và trở về như thế này. Tôi chỉ biết ôm bạn của mình mà nước mắt chực trào. Còn sống và trở về đã là một điều ý nghĩa hơn trăm ngàn những điều khác”.

Câu chuyện của ông Sự không phải là trường hợp hy hữu, trước đó, chúng tôi cũng gặp trường hợp tương tự là người cựu binh Lê Duy Vở, xã Tiên Lương, huyện Cẩm Khê. Tháng 4/1963, ông Vở lên đường nhập ngũ thuộc Sư đoàn 35B, sau một năm huấn luyện ông cùng đồng đội vào chiến trường miền Nam, chiến đấu trên khắp các mặt trận, không may trong trận đánh tháng 5/1968, ông bị bắn trọng thương không còn sức chiến đấu nên đã bị rơi vào vòng vây của địch sau đó bị chuyển ra đảo tại phân khu C4, nhà tù Phú Quốc. Không lâu sau đó, gia đình nhận được giấy báo tử, người thân đã lập bàn thờ, bia mộ và hằng năm đều làm giỗ cho ông.

Ông Vở kể lại những năm tháng tù đầy gian khổ.

Tháng 3/1973 theo tinh thần của Hiệp định Pari, sau gần 5 năm, các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày tại trại giam Phú Quốc được trao trả bên bờ sông Thạch Hãn. Ông Vở trở về nhà trong sự ngỡ ngàng, vui mừng và xúc động của gia đình, hàng xóm. Vẫn mảnh đất ấy, trong căn nhà xưa cũ của bố mẹ nhưng mọi thứ khi ông trở về đều đã khác. Người chết đã xanh mộ, người còn sống là vợ ông, vài năm sau khi nhận giấy báo tử, cũng vì nghĩ chồng mình hy sinh nên đã đi bước nữa.

Ông Vở bảo, ngày đó trở về nhà, cầm tờ giấy báo tử mà vừa mừng, vừa tủi. Mừng vì mình còn sống trở về, được gặp lại người thân, tủi vì nhiều điều đã không như mình tưởng tượng. Nhớ lại quãng thời gian từng bị nhốt trong chuồng cọp kẽm gai, phơi nắng dưới cát đến rộp da, bị tra tấn bằng roi cá đuối, dùi cui, ông Vở bảo: “Bọn cai ngục có thể nghĩ ra bất kỳ hình thức nào dã man nhất, độc ác nhất, có người còn bị bẻ răng, đóng đinh vào mười đầu ngón tay, hòng làm nhụt chí khí chiến đấu của chiến sĩ ta, ai tư tưởng không vững, ý chí không kiên cường là dễ thành chiêu hồi. Người đủ sức khỏe thì còn đợi được đến ngày tự do còn không thì cũng hy sinh trong sự dã man, tàn bạo ấy”.

Ở tuổi 83, chân chậm, tay run, mắt đã mờ, nhưng khi ngồi kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời mình, trong đôi mắt ông vẫn sáng ngời tình yêu và niềm tin tuyệt đối vào lý tưởng mà mình đã chọn. Dù sự hy sinh ấy cũng đã khiến ông “giữa đường đứt gánh” lương duyên, dang dở hạnh phúc của cuộc đời mình. Để giờ đây, khi đã ở cái dốc bên kia của cuộc đời, ông vẫn giường đơn gối chiếc trong chính căn nhà nhỏ bé của mình, dẫu rằng luôn có sự quan tâm động viên của các con và người thân, hàng xóm.

Nhớ lại những ký ức đau thương, những người như ông Vở, ông Sự đều không khỏi xúc động, dù họ đã hiên ngang, bất khuất như thế nào trước sự tàn bạo của kẻ thù nhưng giờ đây những giọt nước mắt vẫn rơi giữa thời bình, mang theo nhiều nỗi niềm sâu kín. Họ khóc bởi niềm tự hào vì những ngày tháng hoạt động cách mạng kiên cường, anh dũng, khóc vì đồng đội đã ngã xuống, khóc cho những người may mắn trở về giống như họ và khóc cho cả những éo le trong chính cuộc đời mình.

Mong rằng với sự quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ của chính quyền địa phương, tình cảm của quê hương, gia đình, người thân cộng hưởng cùng bản lĩnh của người chiến sỹ đã kinh qua trận mạc, khi tấm giấy báo tử được thu hồi, người còn sống đã trở về sẽ có cuộc sống mới nhẹ nhàng hơn so với tất cả những đau thương, thiệt thòi, mất mát mà họ đã từng trải qua trong cuộc chiến tranh đầy khốc liệt, gian khổ.

Thu Hương

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/nguoi-tro-ve-sau-giay-bao-tu-218147.htm