Nguyên nhân gây nên thảm họa Làng Nủ là lũ bùn đá

Trận lũ quét vùi lấp Làng Nủ ở Lào Cai vừa qua, thực chất là một trận lũ bùn đá tạo thành do mưa rất lớn tập trung tại một điểm.

Theo PGS Nguyễn Châu Lân, Phó trưởng Bộ môn địa kỹ thuật, Khoa Công trình, Trường Đại học Giao thông Vận tải đã có chuyến đi thực địa tại thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai). Nhóm nghiên cứu xác định nguyên nhân gây nên thảm họa Làng Nủ là lũ bùn đá.

Bộ đội bới củi, đất đá tìm kiếm nạn nhân mất tích. Ảnh: Ngọc Thành

Bộ đội bới củi, đất đá tìm kiếm nạn nhân mất tích. Ảnh: Ngọc Thành

Lũ bùn đá là một trong số hàng loạt thiên tai có ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng con người. Lũ bùn đá có cả đất, đá và nước. Khi có trượt lở đất đá, nếu có độ chênh lệch về độ cao và mưa tích lũy thì sẽ tạo dòng chảy. Trong dòng chảy đó có đá ở phía trên, dòng nước chảy phía dưới, tạo ra sự va chạm rất lớn. Trên đường đi của dòng lũ, bùn lẫn đá dịch chuyển sẽ phá hủy nhà cửa và các công trình nằm trong dòng chảy của nó.

Lũ bùn đá thường có 3 phần. Phần phát sinh trượt lở ban đầu giúp cung cấp vật liệu cho dòng chảy. Phần thứ hai là dòng chảy chính với kênh dẫn có độ dốc lớn, thường là các khe suối trong điều kiện thông thường. Phần tiếp theo là vùng lắng đọng của lũ bùn đá, là vùng hình quạt tại hạ lưu nơi các vật liệu của lũ xòe ra trên một diện tích rộng.

Lũ bùn thường xảy ra khi có mưa lớn hoặc mưa dài ngày tại nơi có địa hình dốc (chữ V) và đất bề mặt rời rạc. Các tham số quan trọng để tạo xác định xảy ra một trận lũ bùn đá gồm: cấu trúc của bề mặt đất thể hiện qua các đặc trưng hình thái lưu vực như diện tích, chiều dài, chiều rộng, độ dốc, mật độ sông, suối, hình dạng lưu vực..

Theo phân tích của PGS Nguyễn Châu Lân, trận lũ sáng 10/9 tại thôn Làng Nủ có vị trí phát sinh trượt lở là núi Con Voi. Các vật liệu tạo dòng chảy chủ yếu là gneiss biotit, đá phiến thạch anh biotit, thấu kính đá hoa. Vùng phát sinh trượt trên đỉnh núi Con Voi có cao độ 774 m, vùng ảnh hưởng dưới cùng (thôn Làng Nủ, là vùng lắng đọng bùn đá) có cao độ 160 - 200 m. Chiều dài dòng lũ bùn đá (từ đỉnh núi Con Voi xuống thôn Làng Nủ) là 3,6 km. Diện tích ảnh hưởng của dòng lũ bùn đá là khoảng 38 ha.

Sau khi nhập dữ liệu vào mô hình, PGS Nguyễn Châu Lân nhận được kết quả mô phỏng như sau: chiều sâu tích tụ dòng bùn là 8 - 15 m, nơi sâu nhất khoảng 18 m, vận tốc dòng chảy là 20 m/giây (rất lớn). Thời gian chảy từ trên núi xuống (cho cả quãng đường 3,6 km) là khoảng 10 - 15 phút.

PGS Nguyễn Châu Lân nhận định, tại khu vực xã Bảo Khánh, vào lúc 5h sáng 9/9 đã có mưa rất lớn, đạt mức 57 mm trong 1 giờ. Với cường độ mưa này, tình trạng trượt lở đất đá đã có thể xảy ra từ ngày 9/9. Lượng mưa tích lũy ngày 9/9 là 500 mm. Như vậy, nhiều khả năng ở khu vực đỉnh núi Con Voi đã phát sinh trượt lở ban đầu (phần thứ nhất) từ ngày 9/9. Nhưng ngày 9/9, người dân ở thôn Làng Nủ chưa ai cảm nhận được sẽ có lũ bùn đá.

Vị trí thôn Làng Nủ là vị trí đứt gãy địa chất. Đây là vị trí nguy hiểm khi có tai biến địa chất xảy ra. Chính quyền cần khuyến cáo người dân không làm nhà ở các vị trí này, PGS Nguyễn Châu Lân cho biết.

Theo PGS.TS Nguyễn Châu Lân, thực tế cho thấy một số nhà dân khu vực hình quạt phía dưới vẫn an toàn, nhờ vị trí đủ cao so với phạm vi dòng chảy của lũ. Qua đó cho thấy, nếu lượng mưa giờ lớn hơn 40 mm, lượng mưa tích lũy trên 200 mm, cơ quan chức năng có thể xem xét để cảnh báo người dân về nguy cơ trượt lở, lũ bùn đá, từ đó xác định các khu vực có địa hình, địa chất, đặc điểm tương tự để giúp người dân tìm cách phòng tránh an toàn.

Thông tin từ Sở Chỉ huy tiền phương tại thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai), sáng 15/9, các cơ quan, đơn vị chuyên môn của huyện, chính quyền xã Phúc Khánh và thôn Làng Nủ đã tiến hành rà soát lại, do đó đã có sự thay đổi về thiệt hại người và tài sản. Theo đó, tổng số hộ trong khu vực bị lũ quét là 33 hộ với 40 nóc nhà (có 7 hộ đã có nhà riêng nhưng chưa tách hộ), là nơi sinh sống của 168 người. Vụ lũ quét khiến 52 người bị chết, 14 người mất tích và 15 người bị thương.

Ngày 15/9, khu nhà tạm cho người dân làng Nủ đã được xây dựng cách khu ở cũ của bà con gần 1,5km, nhưng vẫn trong địa bàn thôn Làng Nủ. Được bố trí trên nền nhà văn hóa cũ của thôn và tổng diện tích đất mượn của người dân là 2.500m2, mỗi gian nhà có diện tích 36m2.

Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh Lào Cai, chiều 21/9, UBND huyện Bảo Yên tiến hành bàn giao 25 căn nhà tạm cư mới cho các hộ dân bị mất nhà trong trận sạt lở ở thôn Làng Nủ.

Song song với việc hoàn thiện khu nhà tạm, khu tái định cư mới của thôn Làng Nủ hiện đã cơ bản giải phóng mặt bằng, bà con đang thu dọn cây cối, hoa màu. Từ chiều 19/9, các phương tiện, máy móc đã được đưa vào để triển khai thi công, xây dựng 40 căn nhà theo truyền thống của đồng bào Tày. Đảm bảo tiến độ trước ngày 31/12/2024 sẽ hoàn thành bàn giao toàn bộ dự án.

Mời độc giả xem thêm video Người dân Làng Nủ 100% tán thành tới khu tái định cư mới:

Bình Nguyên (t/h)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/nguyen-nhan-gay-nen-tham-hoa-lang-nu-la-lu-bun-da-2036047.html