Nhà sản xuất châu Á đối mặt thách thức khi cơn bùng nổ thương mại hạ nhiệt

Các công ty may mặc và các nhà sản xuất thiết bị điện tử ở châu Á đang cảm nhận được những dấu hiệu đầu tiên cho thấy nhu cầu từ khách hàng của họ trên toàn cầu đang suy yếu khi lạm phát tăng mạnh.

Nhân viên làm việc ở một đơn vị sản xuất của Lever Style (Hồng Kông), công ty chuyên may gia công cho các thương hiệu thời trang hàng đầu trên toàn cầu. Ảnh: Bloomberg

Xuất khẩu bùng nổ từ châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, là động lực chính thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu phục hồi sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19. Nhưng các dữ liệu gần đây cho thấy xuất khẩu từ khu vực này đang chậm lại do vấn đề tắc nghẽn nguồn cung liên quan đến tình trạng phong tỏa kiểm soát dịch bệnh ở Trung Quốc và cuộc xung đột Nga-Ukraine. Hàng tồn kho dồi dào của các nhà bán lẻ nước ngoài là một cản lực khác đối với hàng hóa xuất khẩu từ châu Á.

Các nhà sản xuất ở châu Á cho biết sau khi đại dịch Covid-19 lắng xuống, nhu cầu đang chuyển từ hàng hóa sang mua dịch vụ cùng lúc với việc lạm phát và lãi suất tăng đã khiến người tiêu dùng ở các nước phương Tây hạn chế chi tiêu cho những khoản mua sắm tùy ý.

Một trong những nhà sản xuất nhận thấy dấu hiệu người tiêu dùng phương Tây đang chuyển sang chi tiêu cho dịch vụ nhiều hơn là Lever Style (Hồng Kông), công ty chuyên may gia công cho các thương hiệu thời trang hàng đầu trên toàn cầu. Theo Stanley Szeto, Chủ tịch điều hành Lever Style, dù nhu cầu tổng thể vẫn mạnh, các đơn đặt hàng giao trong quý cuối cùng của năm nay vẫn có vẻ yếu hơn.

Ông nói: “Tôi đang nhận thấy tốc độ tăng trưởng doanh số của công ty chúng tôi sẽ giảm dần và rời xa thời kỳ đỉnh cao trong vài tháng tới. Chúng tôi thường nhận được các đơn đặt hàng nhiều tháng và nhiều quý trước khi chúng thực sự được giao. Nhưng giờ đây, chúng tôi đang thấy mọi người trở nên rất thận trọng trong việc tích trữ hàng tồn kho và đặt đơn hàng mới”.

Szeto nói trong khi một số thay đổi trong chi tiêu của người dân ở các nền kinh tế phát triển phản ánh sự bình thường hóa thói quen, thì một số thay đổi đó cũng phản ánh nhu cầu nói chung của họ đã giảm bớt khi lạm phát và lãi suất tăng. Ông cho biết việc các chính phủ phương Tây giảm các biện pháp kích thích và tình hình biến động của thị trường tài chính cũng đang có tác động đến nhu cầu ở nước ngoài.

Ông nói: “Các khó khăn ập đến cùng một lúc. Tôi có thể nhận thấy tất cả các điều kiện kinh tế vĩ mô đang ảnh hưởng đến người tiêu dùng”.

Tăng trưởng thương mại toàn cầu đang chậm lại nhưng chưa đến mức suy thoái. Các nhà phân tích và nhà sản xuất đều cho rằng nhu cầu cơ bản vẫn ổn định và người tiêu dùng phương Tây vẫn còn sức chi tiêu. Ví dụ, chi tiêu hộ gia đình ở Mỹ tiếp tục tăng lên trong tháng 4 vừa qua. Thượng Hải cũng đang nới lỏng phong tỏa, giúp giảm bớt áp lực đối với các nhà xuất khẩu ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, sự thay đổi tổng thể rất đáng chú ý. Tháng trước, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hạ dự báo tăng trưởng thương mại hàng hóa trên toàn cầu trong năm nay xuống 3%, so với mức dự báo trước đó là 4,7%. Trong tháng 4, hoạt động sản sản xuất của châu Á suy giảm lần đầu kể từ tháng 6-2020.

Công cụ theo dõi Thương mại của Bloomberg (BTT) cho thấy bằng chứng mới nhất về sự giảm sút trong dòng chảy thương mại: sản lượng hàng hóa đi qua một số cảng bận rộn nhất thế giới bị ảnh hưởng nặng nề trong tháng 4. 9 trong số 10 chỉ số của BTT đều ở dưới mức trung bình dài hạn. Chỉ số thứ 10, theo dõi hoạt động xuất khẩu của Hàn Quốc, có vẻ tốt hơn trên giấy tờ do có thêm 2 ngày làm việc so với năm ngoái.

Priyanka Kishore, nhà kinh tế ở Công ty tư vấn Oxford Economics, cho biết: “Triển vọng thương mại đã trở nên khá thách thức trong năm nay và tình hình này sẽ kéo dài ít nhất đến sang năm. Ngay cả trước khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra, chúng ta đã nói về sự luân chuyển nhu cầu từ hàng hóa sang dịch vụ”.

Steve Chuang, người sáng lập Công ty ProVista Group, có trụ sở tại Hồng Kông, chuyên sản xuất các sản phẩm như hệ thống điện cho xe cắm trại và các loại xe chuyên dụng cho những chuyến du ngoạn khác, đã chứng kiến đơn đặt hàng đạt các con số kỷ lục vào năm 2020 và 2021 khi mọi người muốn tự túc đi nghỉ dưỡng gần nhà hơn trong thời kỳ dịch bệnh.

Tuy nhiên, ông cho biết tình hình kinh doanh đang thay đổi. Ông nói: “Bạn có thể cảm thấy sức ép của lạm phát. Sức mua ở các thị trường lớn của chúng tôi đang trở nên rất yếu ớt. Thương mại vẫn tăng trưởng nhưng sẽ không như 2 năm qua”.

Ngay cả những người tiêu dùng, vốn có sức mua mạnh mẽ ở Mỹ, cũng đang có dấu hiệu chùn tay trong hoạt động mua sắm. Các chuỗi bán lẻ khổng lồ của Mỹ như Walmart và Target trong tháng này đã chứng kiến cổ phiếu của họ giảm mạnh sau khi công bố các báo cáo kinh doanh cho thấy doanh số bán hàng nói chung đang suy yếu.

Bức tranh thương mại toàn cầu có thể trở nên ảm đạm hơn. Các mô hình dự báo của Goldman Sachs cho thấy thương mại châu Á sẽ tăng trưởng chậm lại hơn nữa trong những tháng tới. Các nhà kinh tế của Ngân hàng HSBC ghi nhận cơn bùng nổ thương mại của khu vực châu Á đang xuất hiện những rạn nứt đầu tiên, trong khi đó, chỉ số hàng đầu của Ngân hàng Nomura về xuất khẩu châu Á giảm mạnh nhất trong tháng 5 kể từ nửa đầu năm 2020.

Christopher Tse, Giám đốc điều hành Musical Electronics, có trụ sở tại Hồng Kông, chuyên sản xuất các thiết bị điện tử tiêu dùng như loa Bluetooth và hệ thống âm thanh nổi tại nhà có công suất lớn cho thị trường Mỹ, cho biết rõ ràng người tiêu dùng ở nền kinh tế lớn nhất thế giới đã trở nên thận trọng trong chi tiêu.

Ông nói: “Chúng tôi chứng kiến lượng đơn đặt hàng suy yếu bắt đầu từ tháng 3. Lạm phát đang gây sức ép lên nhu cầu và lãi suất sẽ tăng tiếp. Người tiêu dùng đang chi tiêu rất thận trọng”.

Theo Bloomberg

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nha-san-xuat-chau-a-doi-mat-thach-thuc-khi-con-bung-no-thuong-mai-ha-nhiet/