Nhà thơ Cao Ngọc Thắng: Những 'ngã rẽ' của trái tim
Năm 1971, Cao Ngọc Thắng vào học Khoa Địa lý Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I.
Nhà thơ Cao Ngọc Thắng tâm sự: “Nếu Khoa Địa lý Trường Đại học Sư phạm 2 Hà Nội không giải thể (năm 1984), thì cuộc đời tôi vẫn sẽ gắn chặt với công tác giảng dạy có lẽ trọn đời”.
Năm 1971, Cao Ngọc Thắng vào học Khoa Địa lý Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I. Cuối năm thứ nhất, 5/1972, ông nhập ngũ. Tròn một năm, ông được xuất ngũ và trở về Trường Đại học Sư phạm học tiếp. Tốt nghiệp, ông làm giảng viên Khoa Địa lý Trường Đại học Sư phạm 2 Hà Nội.
Rời nhà trường, ban đầu Cao Ngọc Thắng chuyển công tác về Tạp chí Kinh tế Vùng thuộc Ủy ban phân vùng kinh tế Trung ương. Và, những cuộc sáp nhập đã đưa ông trải qua một số tờ báo, tạp chí.
Từ cuối năm 1995, ông về công tác ở Đài PT-TH Hà Nội cho tới lúc nghỉ hưu. Ở Đài, mọi người vừa vui vừa tôn trọng nên thường gọi ông là “Giáo Thắng”, hay “Thầy giáo Cao”, bởi ở ông vẫn giữ được phẩm chất của người lính và người thầy.
Tôi gặp ông vào một ngày Thu năm 1996. Ông ngồi chăm chú vẻ như đang tập trung làm nốt một việc gì đó. Và khoảng một tháng sau ông đưa tặng tôi truyện ký “Tháng ngày cách biệt” do NXB Phụ nữ ấn hành.
Nhà thơ, nhà báo Cao Ngọc Thắng tuổi Quý Tỵ, quê ở thôn Sở Thượng (Yên Sở, Thanh Trì nay là Hoàng Mai, Hà Nội) nhưng được sinh ra ở Đức Thọ, Hà Tĩnh. Hồi đó, cha mẹ ông thoát ly đi kháng chiến, vào hoạt động ở Liên khu 4. Cậu bé Thắng ngay từ khi mới chào đời đã được tắm nước dòng La, nghe lời ru đượm màu ví dặm.
Có lẽ vì thế chăng mà với công việc hay khi “đắm mình” trong cảm hứng sáng tác thì ông luôn có phong cách kiểu kết hợp giữa sự “gàn” của “ông đồ Nghệ” với “bay bổng” của chất Hà thành. Nghĩa là, ông cẩn thận đến mức chặt chẽ trong từng câu chữ nhưng nội dung của bài viết lại có cái ý tứ rất tinh tế của người Hà Nội. Tác phẩm của ông hay giảng giải kiểu lý luận cho ra nhẽ nhưng giọng văn lại từ tốn. Ông không hấp tấp hay vội vàng mà cân nhắc kỹ rồi mới quyết định viết.
Hôm Cao Ngọc Thắng tặng truyện ký “Tháng ngày cách biệt”, tôi thấy ông cảm xúc lắm, vì ở truyện ký này ông viết về cuộc đời luôn xa cách của đôi vợ chồng nhà tình báo Nguyễn Văn Trọng. Câu chuyện bám sát sự thật mà ly kỳ như tiểu thuyết vậy.
Năm 2004, Cao Ngọc Thắng ra mắt cuốn truyện ký “Đường tới mùa Xuân” (NXB Thanh niên) viết về các nhà cách mạng hồi 1936 - 1945, mà nhân vật trung tâm là cụ Phí Văn Bái, người đã từng nuôi giấu đồng chí Hoàng Văn Thụ ở Hà Nội, và một số sự kiện liên quan đến việc in bài hát “Tiến quân ca” do Văn Cao sáng tác. Tiếp đó, là các tập ký “Ngược Lô Giang” (NXB Lao động, 2010); “Một ngày bên Bác Văn” (NXB Dân trí, 2014).
Đọc ký và truyện ký của Cao Ngọc Thắng, tôi hiểu trong ông “tiềm tàng” những tư liệu quý, tư liệu khó mà không nhiều người có được. Chẳng hạn, cuốn “Một ngày bên Bác Văn”, gồm 8 bài viết, chứa đựng khá nhiều dữ liệu về cuộc đời bình dị, những suy tư của một vị “Tướng gốc văn” suốt đời vì nước vì dân; ở đó toát lên tình cảm chân thành, kính trọng và cách tiếp cận khoa học, khách quan của người viết đối với bậc vĩ nhân. Và ông gắn các sự kiện lịch sử trong những bối cảnh địa lý cụ thể khá nhuần nhuyễn, cấp cho các tác phẩm một không gian đầy đặn, có sắc màu.
Cũng ở những năm đầu thế kỷ 21, Cao Ngọc Thắng cho xuất bản hai chuyên luận về Tư tưởng Hồ Chí Minh: “Hồ Chí Minh – Nhà báo cách mạng” và “Tư duy kinh tế Hồ Chí Minh” (khi tái bản mang tên “Hồ Chí Minh – Tư duy kinh tế”), đều do NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật ấn hành.
Hai cuốn sách thể hiện sự khảo cứu công phu và phân tích khá thấu đáo, chứng tỏ khả năng nghiên cứu độc lập của tác giả. Năm 2014, Cao Ngọc Thắng cho xuất bản tập 10 truyện ngắn nhan đề “Đò quen” (NXB Văn học), trong đó truyện ngắn “Đò quen” được bạn đọc chú ý vì chất thơ khá đậm đà.
Thế rồi, “bỗng nhiên” Cao Ngọc Thắng liên tiếp cho ra các tập “bình luận và chân dung”: “Lý lẽ của trái tim” (2020), “Khoảnh khắc của cái đẹp” (2022) và “Miền ký ức” (2023), do NXB Hội Nhà văn ấn hành.
Ở lĩnh vực này, ngòi bút của Cao Ngọc Thắng có cơ hội và thoải mái diễn đạt cảm xúc trên nền tảng tri thức văn hóa, nghệ thuật mà bấy lâu ông tích cóp với phương pháp từ tác phẩm (văn, thơ hay hội họa) mà “vẽ” nên chân dung tác giả, xác định giá trị lao động nghệ thuật của tác giả qua tác phẩm của họ.
Gần đây nhất, tham gia Trại sáng tác điện ảnh tại Đà Lạt, Cao Ngọc Thắng có kịch bản phim truyện “Chàng rể quan Tổng đốc”. Chuyện kể về mối tình hiếm có giữa chàng TS Nguyễn Văn Huyên, người Việt Nam đầu tiên đỗ tiến sĩ Văn khoa tại Trường Đại học Sorbone Cộng hòa Pháp, với thiên kim tiểu thư Kim Ngọc, ái nữ của Tổng đốc Vi Văn Định.
Trong thời gian ở Đà Lạt, ông quan tâm tìm hiểu sự kiện Hội nghị trù bị năm 1946 để lấy cảm xúc cho trường đoạn phim liên quan tới quyết định hẹn hò giữa chàng tiến sĩ họ Nguyễn và nàng tiểu thư xinh đẹp họ Vi.
Ngoài ra, ông làm thơ cũng nhanh giống như viết báo vậy. Tôi có cảm tưởng “chất thi ca” đã chất chứa trong ông lâu rồi nay mới được dịp “thăng hoa” cùng con chữ. Thơ ông khúc chiết nhiều khi đến mức kiệm lời, kiệm dòng và thường khai thác “chiều sâu” của lý lẽ.
Ví dụ như: “Hoa cỏ may/ Rụng/ Chân đê ấm hơi người” hay như: “Quánh bắp chân/ Soi/ Dấu hỏi cấy mùa”. Ào ạt như “dòng nước chảy”, sôi nổi như “cơn gió mùa Xuân”, từ 2008 đến 2015, Cao Ngọc Thắng liên tiếp cho xuất bản 6 tập thơ với tên gọi cho thấy “cái chất kiệm lời”: “Bẻ gió”, “Giao mùa”, “Thức hạ”, “Trở nồm”, “Mùa không nhà” và “Bên sông mẹ”.
Có thể thấy, thơ ông không ngừng “trưởng thành”, ngôn ngữ dần dà đằm thắm, giàu chất thơ hơn: “Có một trái tim - trốn vào mùa Thu/ Mùa Thu ơi - điều gì ẩn ức/ Lá nhuộm vàng nhức nhói cành non”; hay như: “Cầu vồng em khoe sắc/ Tít tắp chân trời xa/ Phía ấy mưa vừa tạnh/ Nơi anh mây vỡ òa”.
Những khúc ngoặt của Cao Ngọc Thắng vẫn luôn “đèo bòng” chất thơ, dù ở thể loại sáng tác nào. Hay nói cách khác, hồn cốt thơ luôn là điểm tựa vững chắc cho ông sáng tạo.