Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam nỗ lực chuyển đổi số trong mọi hoạt động
Chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu, trong đó có lĩnh vực biên soạn, cung ứng sách giáo khoa.
Với Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam - đơn vị chủ lực trong việc xuất bản, cung ứng, biên soạn sách giáo khoa, ấn phẩm giáo dục cho học sinh và giáo viên trên toàn quốc, quá trình chuyển đổi số đang được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt.
Để hiểu rõ hơn về nội dung này, phóng viên Báo Hànôịmới đã phỏng vấn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam.
-Ông có thể chia sẻ về những kết quả bước đầu trong việc chuyển đổi số của đơn vị thời gian qua?
-Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, có nhiệm vụ tổ chức biên soạn, biên tập, in, phát hành sách giáo khoa và các sản phẩm giáo dục phục vụ nghiên cứu, giảng dạy, học tập của các bậc học. Việc biên soạn, cung ứng sách giáo khoa phục vụ giáo dục phổ thông vừa là nhiệm vụ chính trị vừa là mảng hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ yếu của đơn vị.
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, thị trường sách điện tử, học liệu điện tử, kéo theo sự suy giảm nhu cầu sử dụng của các loại sách giáo dục truyền thống, in trên giấy. Do vậy, việc triển khai chuyển đổi số không chỉ là nhiệm vụ được thực hiện theo chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo mà còn là nhu cầu tự thân, tất yếu của đơn vị.
Từ năm 2020, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam cung cấp sách giáo khoa, học liệu điện tử trên hai nền tảng là taphuan.nxbgd.vn và hanhtrangso.nxbgd.vn. Mục đích của trang taphuan.nxbgd.vn là phục vụ giới thiệu sách giáo khoa, nhận ý kiến góp ý của xã hội và bồi dưỡng, tập huấn giáo viên dạy học theo sách giáo khoa của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các tài liệu điện tử được đưa lên trang web gồm: Sách học sinh; sách giáo viên, sách bổ trợ, tài liệu bồi dưỡng giáo viên, kế hoạch bài dạy; slide giới thiệu sách, bồi dưỡng giáo viên; video giới thiệu sách; tài liệu giới thiệu thiết bị dạy học; video giới thiệu thiết bị dạy học.
Mục đích chính của nền tảng hanhtrangso.nxbgd.vn là hỗ trợ giáo viên, học sinh dạy, học theo sách giáo khoa của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam. Các tài liệu điện tử được cung cấp trên trang web bao gồm: Sách học sinh, sách giáo viên, sách bổ trợ theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; các học liệu, bài tập điện tử có tương tác; học liệu đa phương tiện.
Việc cung cấp sách, học liệu điện tử trên hai nền tảng này đã hỗ trợ đơn vị khắc phục khó khăn khi công tác phát hành sách giấy không triển khai được do giãn cách xã hội trong đại dịch covid-19.
Từ năm 2020 đến năm 2024, công tác giới thiệu sách giáo khoa, tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý được triển khai bằng phương thức trực tuyến. Nhờ đó, đơn vị đã tập huấn sử dụng sách giáo khoa cho tất cả giáo viên, cán bộ quản lý của 63 tỉnh, thành phố với chất lượng tốt, hiệu quả cao.
-Nhờ công nghệ, quy trình biên tập - xuất bản một ấn phẩm sách giáo dục có những cải tiến, thay đổi như thế nào, thưa ông?
-Các phần mềm, tiện ích đã được ứng dụng trong các công đoạn làm sách như đăng ký đề tài, biên soạn, biên tập, thiết kế, chế bản. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình giao nhận file đưa in trên môi trường internet đã góp phần rút ngắn thời gian chuyển file tới các nhà in; đồng thời giúp kịp thời xử lý các lỗi phát sinh.
-Thưa ông, với sự phát triển của công nghệ, môi trường số hiện nay, việc đưa sách giáo khoa lên không gian số được định hướng và triển khai như thế nào?
-Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã đưa sách giáo khoa, học liệu điện tử kèm theo sách giáo khoa và các tài liệu hỗ trợ triển khai dạy, học trên website phục vụ miễn phí giáo viên, học sinh, các cơ sở giáo dục. Thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục cung cấp sách giáo khoa điện tử, phát triển học liệu điện tử trên internet, đơn vị sẽ tăng cường số hóa, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ người dùng khai thác sách giáo khoa hiệu quả hơn, từng bước giảm sản lượng sách in giấy, tăng cường sử dụng sách điện tử trên mạng.
-Theo ông, đâu là những trở ngại trong quá trình ứng dụng chuyển đổi số?
-Mặc dù đã có nhiều văn bản chỉ đạo về chuyển đổi số nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể, chi tiết về chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản.
Nhà Xuất bản Giáo dục thấy rõ lợi ích và dự báo được hiệu quả của việc ứng dụng chuyển đổi số vào công tác điều hành, quản lý, hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. Tuy nhiên, một trong những sản phẩm trọng tâm khi chuyển đổi số của đơn vị là sách điện tử thì khó có thể dự đoán được hiệu quả kinh tế trong thời gian ngắn. Bởi vì, sự phát triển thị trường sách điện tử, sự thay đổi thói quen sử dụng sách in trên giấy rất khó dự báo chính xác.
Một trở ngại nữa là về bảo mật và bảo vệ bản quyền. Các thông tin số hóa có thể dễ dàng sao chép, chia sẻ dẫn đến nguy cơ rò rỉ thông tin, số liệu về hoạt động, chiến lược sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, sách, học liệu điện tử cũng có thể dễ dàng bị sao chép, phát tán, vi phạm bản quyền làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh
-Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam có những định hướng lớn nào trong việc tăng cường chuyển đổi số?
-Chúng tôi xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm và quyết tâm thực hiện thành công trong thời gian tới. Chuyển đổi số sẽ được triển khai trong hoạt động quản lý điều hành, xuất bản và đặc biệt là phát triển mạnh sách điện tử, học liệu điện tử, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo phục vụ người sử dụng, trong đó học sinh, giáo viên, phụ huynh học sinh là những người được thụ hưởng nhiều nhất.
Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam hướng tới kết quả chuyển đổi số là toàn bộ các hoạt động quản lý, điều hành và quy trình xuất bản, phát hành, cung cấp sản phẩm tới người sử dụng sách hoàn toàn trên môi trường số.