Nhận diện đầy đủ kết quả và tồn tại, hạn chế

Sau khi thảo luận tại tổ, Quốc hội dành trọn ngày hôm qua, 31.5 và sáng nay, 1.6 để thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Theo Báo cáo của Chính phủ, năm 2022 dù bối cảnh rất khó khăn nhưng nước ta vẫn thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; 13/15 chỉ tiêu đạt và vượt 13/15 kế hoạch. Sang những tháng đầu năm nay, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh; ngành du lịch tiếp tục phục hồi. Các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc người có công tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh, quốc phòng an ninh được bảo đảm.

Thực tế, dù trong quý I, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta vẫn đạt hơn 3,3% so với cùng kỳ năm trước nhưng các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế đều đang trên đà suy giảm, đồng thời xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi có thể tác động đến mục tiêu tăng trưởng và các chỉ tiêu của năm 2023. Cụ thể, xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm giảm 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 2%; giải ngân vốn FDI giảm 0,8%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng mặc dù tăng 8,3% so với cùng kỳ nhưng vẫn thấp hơn mức tăng 10,3% của 3 tháng đầu năm.

Bên cạnh đó, niềm tin kinh doanh cũng đang ở mức thấp. Tính chung, 5 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động chỉ đạt 95.000 doanh nghiệp, trong khi số rút khỏi thị trường là 88.000 doanh nghiệp, tăng tới 22,6%. Các doanh nghiệp đang hoạt động phần lớn cũng phải thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh. Khu vực kinh tế tư nhân cũng đang suy yếu.

Cho nên, để đạt được mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội, điều quan trọng là phải rà soát, làm rõ nguyên nhân, từ đó triển khai quyết liệt các giải pháp để khắc phục, tháo gỡ vướng mắc, bất cập. Ưu tiên rà soát, tháo gỡ ngay những bất cập của cơ chế chính sách, những quy định, hướng dẫn liên quan đến triển khai thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm giúp các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các chương trình này đạt yêu cầu về chất lượng, tiến độ đề ra.

Bên cạnh đó, cần theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới để có giải pháp chính sách kịp thời. Chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế. Điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, chia sẻ vai trò hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế với chính sách tiền tệ.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật; rà soát làm rõ, báo cáo Quốc hội những vướng mắc, bất cập, chồng chéo của các luật liên quan hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và kịp thời đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới.

Những kết quả phát triển kinh tế - xã hội nước ta đạt được trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 đã thể hiện nỗ lực lớn của Chính phủ, các bộ ngành, các địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế. Cho nên, như ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại cuộc làm việc với các chuyên gia kinh tế diễn ra hồi đầu tháng để phục vụ cho Kỳ họp thứ Năm là cần nhận diện cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, từ đó xây dựng giải pháp cho trước mắt và lâu dài.

Ninh Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/nhan-dien-day-du-ket-qua-va-ton-tai-han-che-i330992/