Nhân lên sức mạnh khối đại đoàn kết - Kỳ 3: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Với phương châm “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã có những hành động cụ thể. Thông qua những hoạt động như: Hỗ trợ xây nhà, tặng sinh kế, tạo điều kiện vay vốn… đã góp phần giúp những hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh vươn lên ổn định cuộc sống và thoát nghèo.

Quan tâm công tác an cư

Theo chân cán bộ Mặt trận phường Cam Nghĩa (TP. Cam Ranh), chúng tôi đến thăm gia đình ông Trần Quốc Dũng và bà Nguyễn Thị Lợi ở Tổ dân phố Nghĩa Phú. Trong căn nhà mới còn thơm mùi sơn, vợ chồng bà Lợi đang dọn dẹp, sắp xếp lại đồ đạc. Thấy chúng tôi, bà Lợi đưa đi giới thiệu từng phòng của căn nhà mới. “Đây là 2 phòng ngủ dành cho 2 con trai, phòng cho vợ chồng tôi, còn có phòng khách và bếp…”, bà Lợi khoe. Được biết, căn nhà cũ của gia đình bà Lợi xây dựng từ năm 2006 được làm bằng tôn, qua thời gian đã bị xuống cấp, trời mưa thì dột không có chỗ ngủ, nắng thì nóng. Với thu nhập từ tiền công làm thuê của vợ chồng hơn 200.000 đồng/ngày thì việc xây nhà mới chỉ là ước mơ. “Khi được Mặt trận phường hỗ trợ xây nhà mới, tôi mất ngủ nhiều đêm vì mừng. Cuối năm nay, con trai cưới vợ, có nhà mới, gia đình tôi cũng nở mày, nở mặt”, ông Dũng xúc động nói. Được biết, đầu tháng 5, thấy hoàn cảnh khó khăn của gia đình, Mặt trận phường đã hỗ trợ 60 triệu đồng, cùng với 40 triệu đồng tiết kiệm được, ông Dũng đã xây căn nhà mới có diện tích hơn 70m2. Sau 2 tháng xây dựng, căn nhà mới của ông Dũng đã hoàn thành và được bàn giao vào đầu tháng 7.

Ngôi nhà của vợ chồng ông Trần Quốc Dũng và bà Nguyễn Thị Lợi đã được bàn giao vào đầu tháng 7-2024.

Ngôi nhà của vợ chồng ông Trần Quốc Dũng và bà Nguyễn Thị Lợi đã được bàn giao vào đầu tháng 7-2024.

Đến Tổ dân phố Nghĩa Nam (thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm), chúng tôi ghé thăm nhà ông Nguyễn Văn Trúc - một trong những trường hợp được nhận kinh phí hỗ trợ xây nhà trong năm 2023. Trong căn nhà mới rộng gần 40m2, ông Trúc bài trí khá đơn giản nhưng ấm cúng. Ông Trúc kể, ông sống độc thân, mất khả năng lao động, thuộc diện hộ nghèo của xã. Hơn 20 năm qua, ông sống trong ngôi nhà tạm bợ, dột nát, có nguy cơ bị đổ sập bất cứ lúc nào, nhất là vào mùa mưa bão. Thấu hiểu hoàn cảnh của ông, UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã trích 60 triệu đồng từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh hỗ trợ xây nhà cho ông. Cả đời ông Trúc bị bệnh tật quấn thân, chỉ mong có căn nhà kiên cố che nắng, che mưa. Nhờ nguồn Quỹ “Vì người nghèo”, giấc mơ của ông đã thành hiện thực.

Một căn nhà Đại đoàn kết do Mặt trận xã Ninh Xuân (thị xã Ninh Hòa) hỗ trợ xây dựng.

Một căn nhà Đại đoàn kết do Mặt trận xã Ninh Xuân (thị xã Ninh Hòa) hỗ trợ xây dựng.

Vợ chồng anh Cao Thanh Quang và chị Cao Thị Xuyến (xã Khánh Thành, huyện Khánh Vĩnh) rất hồ hởi khi căn nhà Đại đoàn kết được UBMTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ 60 triệu đồng đã xây xong phần thô. Khi chúng tôi đến thăm, vợ chồng anh Quang đang phụ thợ đập đá lót nền nhà. Anh Quang cho biết, gia đình anh thuộc hộ nghèo, được cha mẹ cho mảnh đất 110m2 nhưng không có tiền cất nhà kiên cố. Vợ chồng anh mua gỗ vụn, tôn dựng thành nhà ở tạm. Qua thời gian, căn nhà xuống cấp, thủng lỗ chỗ. “Tội nhất là 2 đứa nhỏ, nắng còn đỡ, mưa xuống không biết nằm ngủ chỗ nào. Khoảng 1 tháng nữa, vợ chồng tôi được nhận nhà mới, tôi mừng lắm, 2 con cũng mừng theo”, anh Quang xúc động nói.

Căn nhà Đại đoàn kết hỗ trợ cho gia đình anh Cao Thanh Quang đang được xây dựng.

Căn nhà Đại đoàn kết hỗ trợ cho gia đình anh Cao Thanh Quang đang được xây dựng.

Theo báo cáo của UBMTTQ Việt Nam tỉnh, nhiệm kỳ 2019 - 2024, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” được hơn 65 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, Mặt trận các cấp đã hỗ trợ xây dựng mới 864 căn nhà và sửa chữa 126 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng kinh phí hơn 60 tỷ đồng.

Tiếp sức cho người khuyết tật, người nghèo

Xã Suối Tiên (huyện Diên Khánh) có 6 thôn, trong đó Lỗ Gia là thôn tập trung đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) với 85 hộ, 379 nhân khẩu sinh sống. Trước năm 2018, cuộc sống của người dân thôn Lỗ Gia chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy, đa số còn ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên 100% hộ dân trong thôn đều thuộc hộ nghèo của xã. Thực hiện phong trào “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, Mặt trận xã triển khai mô hình “Vận động nhân dân phát triển kinh tế giảm nghèo khu ĐBDTTS thôn Lỗ Gia”. Mô hình nhằm nâng cao nhận thức, tạo ý thức lao động, sản xuất, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, sản xuất, chăn nuôi… cho ĐBDTTS trên địa bàn thôn.

Bà Lê Thị Ngọc Thanh - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Suối Tiên cho biết, căn cứ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước dành cho ĐBDTTS và trên cơ sở Nghị quyết của Đảng bộ xã về chương trình phát triển kinh tế cho ĐBDTTS thôn Lỗ Gia, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội của xã phân công mỗi tổ chức phụ trách 10 hộ gia đình. Từ đó, các thành viên tích cực tới từng nhà tuyên truyền, vận động người dân chăm sóc vườn đồi, trồng xen canh để lấy ngắn nuôi dài. Đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ người dân cách thâm canh cây lúa nước, từ khâu làm đất, gieo lúa, chăm sóc, bón phân, làm cỏ đến cách phòng trừ sâu bệnh… Nhờ đó, năng suất lúa ngày càng tăng, từ 30 tạ/ha năm 2018 đến nay đạt 55 - 60 tạ/ha. Mô hình đã góp phần không nhỏ trong thực hiện công tác giảm nghèo ở xã. Đến năm 2023, thôn Lỗ Gia chỉ còn 8 hộ nghèo và 25 hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025.

Quay trở lại sau 6 năm, chúng tôi ngỡ ngàng với sự thay đổi của gia đình bà Cao Thị Liên (thôn Lỗ Gia). Từ hộ nghèo, vườn không nhà trống, đến nay, gia đình bà có 12 con bò cái sinh sản, đàn heo đen, vườn xoài hơn 60 gốc. Ngoài 1.000m2 ruộng Nhà nước cấp, vợ chồng bà còn thuê thêm hơn 1ha đất làm lúa. Bà Liên kể, trong năm 2018 và 2019, gia đình bà được hỗ trợ vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Diên Khánh để đầu tư nuôi bò và được tặng 2 con bò cái sinh sản từ Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng DTTS và miền núi (gọi tắt Chương trình 135) và Quỹ Thiện Tâm của Tập đoàn Vingroup. Từ sự trợ giúp thiết thực này, bà Liên học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi nên đàn bò và cây trồng đều phát triển tốt. Nhờ đó, kinh tế của gia đình ngày càng phát triển, đến năm 2021, gia đình bà đã thoát nghèo. Cách nhà bà Liên không xa, gia đình ông Mang Xuân Hoàng và bà Cao Thị Hòa cũng đã thoát nghèo nhờ sự hỗ trợ của Mặt trận xã và Chương trình 135. Trước năm 2018, mặc dù có 7.000m2 đất rẫy nhưng gia đình không biết làm thế nào để phát triển kinh tế. Sau đó, Mặt trận xã vận động vợ chồng ông bà tham gia các lớp tập huấn về trồng cây, chăn nuôi bò. Có kiến thức, gia đình ông quyết định vay 100 triệu đồng vốn dành cho hộ nghèo đầu tư cải tạo đất rẫy để trồng cây ăn trái và nuôi bò, trồng lúa nước. Hiện nay, gia đình ông Hoàng có hơn 200 gốc xoài và một số loại cây ăn trái khác, 3 con bò sinh sản, 2 bê con... Nhờ đó, đến năm 2022, gia đình ông bà đã thoát nghèo, kinh tế ngày càng ổn định.

Bà Cao Thị Liên chăm sóc đàn bò của gia đình.

Bà Cao Thị Liên chăm sóc đàn bò của gia đình.

Đến thôn Đông 3 (xã Diên Điền, huyện Diên Khánh), chúng tôi lại chứng kiến những câu chuyện cổ tích giữa đời thường dành cho người khuyết tật, giúp cuộc sống của họ bước sang trang mới, trở thành những người “tàn nhưng không phế”. Những ngày cuối tuần, tiệm trang điểm, làm tóc của chị Nguyễn Phước Ngọc Thúy (sinh năm 1994) -người bị khiếm thính ở thôn Đông 3 có nhiều người tới làm đẹp. Trong tiệm tóc diện tích gần 20m2, chị Thúy cẩn thận uốn từng lọn tóc cho khách hàng. Ngơi việc, chị lại trao đổi thông tin, yêu cầu của khách hàng khác qua giấy. Nhìn nụ cười tươi rói, đôi bàn tay thoăn thoắt hết làm việc này tới việc khác của chị, ít ai nghĩ rằng chị Thúy là người khuyết tật về nghe, nói. Bị khuyết tật từ nhỏ, cuộc sống của chị gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, năm 2019, thông qua sự giới thiệu của Mặt trận xã và các thành viên “Tổ tình thương” của thôn, chị Thúy được một cơ sở làm đẹp nhận dạy miễn phí làm tóc, trang điểm. Nhờ sự chăm chỉ và khéo tay, sau 3 tháng, chị Thúy đã học xong nghề. Được sự hỗ trợ của gia đình, chị mở tiệm làm tóc, trang điểm tại nhà. Năm 2020, chị đã bén duyên và kết hôn với người cùng xã. 1 năm sau, trái ngọt đã đến với gia đình chị khi chào đón đứa con đầu lòng. Trường hợp chị Thúy là một trong nhiều người khuyết tật ở thôn Đông 3 đã đổi đời nhờ các mô hình hỗ trợ từ Mặt trận xã.

Những việc làm thiết thực của Mặt trận các cấp không chỉ giúp thay đổi số phận cho nhiều mảnh đời yếu thế, mà còn nhân lên lòng nhân ái, sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tỉnh ngày càng vững bền.

LY VÂN DUNG

Kỳ 1: "Giữ lửa" cho buôn làng

Kỳ 2: Huy động sức dân để lo cho dân

Kỳ cuối: Đa dạng hóa hình thức tập hợp nhân dân

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202407/nhan-len-suc-manh-khoi-dai-doan-ket-ky-3-khong-de-ai-bi-bo-lai-phia-sau-607556c/