Nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Để góp phần nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, huyện Nga Sơn thực hiện nhiều cơ chế khuyến khích người dân xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từ đó, góp phần tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, tăng giá trị sản phẩm và từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân.
Hiện nay xã Nga Bạch có diện tích trồng rau củ, quả ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng, nhà lưới là 19.500m2, sản lượng đạt gần 200 tấn rau, quả sạch mỗi năm, doanh thu trên 5 tỷ đồng. Từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, người dân đã xây dựng nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao. Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của gia đình anh Hoàng Văn Long, thôn Triệu Thành là một trong những mô hình nông nghiệp ứng dụng hiệu quả tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất khép kín, đem lại hiệu quả kinh tế với năng suất, chất lượng vượt trội. Được biết, trước đây gia đình anh Long sản xuất theo hình thức manh mún, nhỏ lẻ, mỗi năm chỉ trồng được 1-2 vụ dưa kim hoàng hậu nhưng năng suất thấp, có năm “trắng tay” bởi sâu bệnh và thời tiết không thuận lợi. Từ năm 2022, sau khi được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nga Sơn và Quỹ hỗ trợ nông dân huyện cho vay 200 triệu đồng để đầu tư xây dựng 1.500m2 nhà màng, nhà lưới trồng rau, cây ăn quả sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, mỗi năm thay vì trồng hai vụ dưa, gia đình anh trồng tăng lên 4 vụ. Anh Long cho biết: “Dưa lưới được trồng trong nhà màng, nhà lưới hạn chế được sự tấn công của sâu bệnh, không phải sử dụng thuốc, hóa chất bảo vệ thực vật, tạo ra sản phẩm an toàn. Bên cạnh đó, khí hậu và chất đất của địa phương cũng phù hợp cho cây sinh trưởng phát triển tốt, chất lượng quả thơm ngon, đậm vị mang đặc trưng riêng nên rất hấp dẫn người tiêu dùng, được thị trường ưa chuộng, giá bán dưa cũng cao hơn. Mỗi năm gia đình tôi đã thu hoạch trên 10 tấn dưa, doanh thu đạt hàng trăm triệu đồng và tạo việc làm với thu nhập ổn định cho 4 lao động”.
Để nhân rộng các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, huyện Nga Sơn đã tập trung chỉ đạo các phòng chuyên môn, chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền người dân thay đổi tập quán canh tác, đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, tích cực đưa cơ giới hóa vào sản xuất, góp phần tạo việc làm và thu nhập cho nông dân. Đồng thời, phối hợp các doanh nghiệp tổ chức, nghiên cứu và chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng các sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương đạt tiêu chuẩn OCOP. Cùng với những chính sách khuyến khích của tỉnh, huyện hỗ trợ 20 triệu đồng cho 1.000m2 nhà màng; 23 triệu đồng cho 1 hộ có diện tích từ 1.000m2 trở lên sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ đầu tư nâng cấp đường giao thông nội đồng, kênh mương cho các vùng sản xuất... Huyện Nga Sơn cũng đã tập trung quy hoạch, xây dựng đề án, dự án phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, hình thành nhiều mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương. Đến nay, trên địa bàn huyện có 6 doanh nghiệp và khoảng 250 hộ gia đình cùng tham gia sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 550ha, tập trung ở các xã Nga Thành, Nga An, Nga Thạch, Nga Tân... Trong đó, các diện tích trồng trọt cho doanh thu bình quân từ 250 - 300 triệu đồng/ha/năm; nuôi trồng thủy sản cho doanh thu từ 3 - 3,5 tỷ đồng/ha/năm... Chăn nuôi trên địa bàn huyện cũng chủ yếu là trang trại tập trung, đa số đều có ứng dụng nông nghiệp kỹ thuật cao, có hệ thống máng ăn, uống tự động, xử lý chất thải bằng công nghệ biogas hoặc làm phân hữu cơ sinh học.