Nhân rộng mô hình thí điểm thành công Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Kết quả từ các mô hình thí điểm của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao đã mang lại hiệu quả cao, tăng lợi nhuận cho nông dân và giảm phát thải trong sản xuất lúa.

Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)

Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)

Ngày 23/11, tại thành phố Cần Thơ, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam và Báo Nông nghiệp tổ chức Diễn đàn Giải pháp nhân rộng các mô hình thí điểm thành công của Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 (gọi tắt Đề án).

Đây là dịp để các bên liên quan cùng đánh giá lại sau một năm triển khai và rút kinh nghiệm nhân rộng thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao giai đoạn tiếp theo.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp triển khai 7 mô hình thí điểm tại 5 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh).

Bước đầu, kết quả từ các mô hình thí điểm này đã mang lại hiệu quả cao, tăng lợi nhuận cho nông dân và giảm phát thải trong sản xuất lúa.

Đánh giá về kết quả trên, ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng khi nông dân vào cuộc tích cực cùng sự chung tay của doanh nghiệp và các cấp chính quyền đang cho thấy nhiều tín hiệu tốt.

Theo ông Lê Thanh Tùng, trên thực tế lúa gạo Việt Nam không thua kém chất lượng so với bất cứ nước nào, song giá trị chưa được nâng cao. Việt Nam đang ở mức phát thải 0,9%, tức là cao hơn các nước Đông Nam Á như Philippines, Thái Lan...

Thực tế sản xuất còn thiếu sự đồng bộ, hỗ trợ lẫn nhau để nâng cao giá trị ngành hàng lúa gạo. Để mở rộng diện tích thực hiện đề án, theo ông Lê Thanh Tùng, đòi hỏi các địa phương tham gia cần thống nhất thực hiện đúng quy trình canh tác đã được các địa phương, nông dân áp dụng triển khai 7 mô hình thí điểm vừa qua và sự tham gia liên kết của doanh nghiệp, định hướng tiêu thụ lúa gạo.

Ông Lê Thanh Tùng đánh giá liên kết giữa các bên liên quan thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao thời gian vừa qua chưa được chặt chẽ. Vì vậy, phải hình thành được liên kết cụ thể giữa các bên liên quan tham gia đề án.

Mô hình liên kết là chìa khóa để đạt được các tiêu chí, nâng được giá trị, thương hiệu lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và Việt Nam nói chung.

Mô hình liên kết sẽ là động lực, kết nối các thành tố tham gia đề án. "Việc nhân rộng diện tích canh tác lúa tham gia đề án cũng phải đi theo lộ trình, cần phải tính toán dựa trên năng lực, tài chính hợp tác xã, doanh nghiệp. Phân vùng doanh nghiệp đảm nhận từng cụm nhỏ, để doanh nghiệp kiểm soát được chất lượng lúa, gạo ổn định và định hình thương hiệu cho doanh nghiệp," ông Lê Thanh Tùng chia sẻ.

Nhận định Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao đóng vai trò quan trọng đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ - Nguyễn Ngọc Hè cho biết thành phố cũng như các tỉnh trong vùng quan tâm 5 giải pháp trọng tâm thực hiện đề án: bồi dưỡng cán bộ cấp cơ sở, cán bộ khuyên nông cộng đồng, hợp tác xã tham gia đề án; xây dựng và nhân rộng các mô hình nằm trong dự án ứng dụng công nghệ xử lý rơm rạ, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số; dồn sức đầu tư cho hạ tầng giao thông; xây dựng mối liên kết theo chuỗi giữa hợp tác xã với doanh nghiệp; hỗ trợ vốn cho hợp tác xã và doanh nghiệp bao tiêu lúa trong đề án.

Tại diễn đàn, các đại biểu cũng cho rằng để tối ưu quản lý, hệ thống canh tác, sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp, cần tổng hợp một bộ dữ liệu đầy đủ về đất, dinh dưỡng cây trồng, cơ sở hạ tầng, quản lý rơm rạ.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Hùng, chuyên gia Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI), phần lớn các tỉnh hiện đang dựa vào định lượng cơ bản chứ chưa có cơ sở dữ liệu chính xác dẫn đến chưa tối ưu hóa được chi phí đầu tư.

Vì vậy, các trường đại học và viện nghiên cứu cần tham gia mạnh mẽ hơn vào Đề án để cùng xây dựng bộ dữ liệu hoàn chỉnh.

Ngoài ra, công nghệ và thực hành phải phù hợp với điều kiện từng vùng chuyên biệt, thúc đẩy ứng dụng số để hỗ trợ kết nối nông dân và doanh nghiệp, xây dựng mô hình và kế hoạch kinh doanh minh bạch, rõ ràng, tạo được sự tin tưởng của ngân hàng để vay vốn thuận lợi.

"Chỉ cần có khoa học kỹ thuật phù hợp, thì canh tác lúa sẽ phát triển nhanh chóng. Trọng tâm là đào tạo và chuyển giao công nghệ, đây là chìa khóa mở ra các cánh cửa khi thực hiện đề án"- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng khẳng định./.

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nhan-rong-mo-hinh-thi-diem-thanh-cong-de-an-1-trieu-ha-lua-chat-luong-cao-post995173.vnp