Nhân Tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS: Điều trị dự phòng, khống chế ca nhiễm mới
Thực hiện mục tiêu chấm dứt HIV/AIDS vào năm 2030, cơ quan chuyên môn, chính quyền các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh truyền thông, thực hiện các biện pháp can thiệp, điều trị dự phòng. Qua đó giúp người bệnh sống khỏe, có thêm niềm tin, nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Hơn 95% người bệnh được điều trị bằng ARV
Tháng 8/2022, ông Nguyễn Văn H (SN 1958), trú tại TP Bắc Giang bị sốt cao, trên cơ thể nổi các nốt phát ban có màu hồng kèm theo mụn nước nên đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám, điều trị. Qua kết quả xét nghiệm, các bác sĩ xác định ông H dương tính với HIV. Không tin bị mắc bệnh, ông H tiếp tục đến Phòng khám đa khoa thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu.
Nhận kết luận dương tính với HIV, ông H suy sụp, từ chối hoàn thiện hồ sơ bệnh án, điều trị ARV. Gần 2 tháng sau, được các bác sĩ tư vấn, ông H thay đổi suy nghĩ, đăng ký điều trị bằng ARV. Nhờ duy trì uống thuốc đều đặn vào 20 giờ hằng ngày, sức khỏe của ông tiến triển tốt, tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện. “Cùng với uống thuốc đều, mỗi ngày tôi dành ít nhất 30 phút đạp xe, đi bộ. Sức khỏe ổn định, tôi tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương, hiện đang là chi hội trưởng một hội đoàn thể ở tổ dân phố”, ông Nguyễn Văn H cho biết.
Theo CDC tỉnh, năm 2024, tại các địa phương trong tỉnh ghi nhận thêm 62 ca nhiễm HIV mới, giảm 14 ca so với năm 2023. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 3.726 người nhiễm HIV; trong đó số người nhiễm còn sống, đang có mặt tại địa phương là 1.548 người. Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện đồng bộ các giải pháp dự phòng lây nhiễm, đến nay có 1.472 người nhiễm HIV đang được điều trị ARV, trong đó 98% bệnh nhân có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện, người bệnh khỏe mạnh, giảm nguy cơ lây truyền.
Năm 2024, tại các địa phương trong tỉnh ghi nhận thêm 62 ca nhiễm HIV mới, giảm 14 ca so với năm 2023. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 3.726 người nhiễm HIV; trong đó số người nhiễm còn sống, đang có mặt tại địa phương là 1.548 người. Hiện có 1.472 người nhiễm HIV đang được điều trị ARV tại 6 cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Gần 3 năm trước anh Thân Văn V (SN 1989), trú tại huyện Lục Ngạn được xác định nhiễm HIV sau lần quan hệ tình dục (QHTD) không an toàn với người lạ. Được tư vấn kịp thời, anh duy trì uống thuốc ARV đều đặn, hiện đang làm công nhân tại một doanh nghiệp gần nhà với thu nhập hơn 8 triệu đồng/tháng. Tương tự, gần chục năm nay, mỗi tháng, chị Bùi Thị T (SN 1978), trú tại huyện Yên Thế lại cùng chồng đến cơ sở y tế khám, lấy thuốc ARV về uống. “Khi còn trẻ, vợ chồng tôi bị bạn bè lôi kéo rồi “dính” vào ma túy, cùng được phát hiện nhiễm HIV. Từ khi điều trị bằng thuốc ARV (năm 2015), sức khỏe hai vợ chồng tôi ổn định, hiện có một cửa hàng tạp hóa tại địa phương”, chị T cho biết.
Đẩy mạnh tuyên truyền, thay đổi nhận thức
Mặc dù đạt được kết quả tích cực, số người nhiễm mới giảm song qua đánh giá, công tác phát hiện, điều trị dự phòng lây nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, vẫn còn người nhiễm được phát hiện chưa điều trị bằng ARV (chiếm 5%). Cùng với đó, tỷ lệ người nhiễm mới do QHTD không an toàn, nhất là QHTD đồng tính nam ngày càng tăng. Trong số 62 ca nhiễm mới được phát hiện trong năm nay có 48 trường hợp là nam giới, đa phần bị mắc do QHTD đồng tính.
Điển hình, tháng 6/2024, anh Nguyễn Văn L (SN 1986), trú tại thị xã Việt Yên được phát hiện dương tính với HIV khi đến điều trị bệnh viêm loét ngoài da tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Theo lời anh L, trước đó anh có QHTD đồng tính với một người bạn làm cùng công ty. Tương tự, do ở cùng phòng trọ, thường xuyên QHTD đồng giới với nhau nên cả anh Lò Văn P (SN 2000), trú tại tỉnh Điện Biên và anh Trần Văn T (SN 1996), trú tại huyện Hiệp Hòa đều bị nhiễm HIV, hiện đang điều trị ARV tại Trung tâm Y tế huyện Tân Yên.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Long, Trưởng Khoa Kiểm soát dịch bệnh - HIV (Trung tâm Y tế huyện Tân Yên) cho biết: “Hiện chúng tôi đang quản lý, điều trị cho 153 bệnh nhân HIV. Nhiều trường hợp chỉ được phát hiện khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường hoặc quá trình khám sức khỏe. Có trường hợp dù đã được cấp phát thuốc điều trị song không duy trì đều đặn theo chỉ định của bác sĩ dẫn đến tình trạng kháng thuốc, lây truyền cho người khác”.
HIV/AIDS từng được coi là “đại dịch”, là căn bệnh thế kỷ khi số người nhiễm và tử vong trên thế giới cao. Tại Bắc Giang, từ thời điểm phát hiện ca bệnh đầu tiên (năm 1996) đến nay, có 1.436 người tử vong do nhiễm HIV, trung bình khoảng 50 người tử vong/năm. Để giảm nguy cơ lây nhiễm, tử vong cho người bệnh, toàn tỉnh có 6 cơ sở xét nghiệm, chăm sóc, điều trị HIV thông qua bảo hiểm y tế gồm: CDC tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trạm giam Ngọc Lý và Trung tâm Y tế các huyện: Tân Yên, Lạng Giang, Lục Ngạn. Cùng với khám, tư vấn, điều trị cho người bệnh, mỗi năm, các cơ sở này phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức sàng lọc, xét nghiệm tại cộng đồng cho hơn 60 nghìn trường hợp; hàng chục nghìn lượt người được tiếp cận thông tin về bệnh này, được cấp bao cao su, bơm kim tiêm miễn phí.
Bác sĩ Trần Xuân Thanh, Trưởng Khoa HIV/AIDS (CDC tỉnh) cho biết: “Với khẩu hiệu hành động “công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS”, cùng với đẩy mạnh truyền thông, trong tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS năm nay, chúng tôi tổ chức tập huấn về tư vấn, xét nghiệm HIV cho cán bộ làm công tác xét nghiệm tại tuyến huyện và nhân viên tiếp cận cộng đồng. Tuy nhiên, để kiểm soát bệnh, những trường hợp nguy cơ lây nhiễm cao như: QHTD đồng tính, gái mại dâm, nghiện ma túy cần duy trì khám sức khỏe định kỳ, thực hiện xét nghiệm sớm để nắm được tình trạng sức khỏe, có phương án điều trị kịp thời khi mắc bệnh”.
Bài, ảnh: Sơn Quang