Nhiễm bệnh từ thói quen ăn thịt tái

Nữ bệnh nhân N.T.H. (25 tuổi, Hà Nội) đã bị nhiễm sán dây bò do thói quen ăn thịt bò tái.

Một trường hợp khác là bệnh nhân nam, T.M.T. (40 tuổi, Hải Phòng) cũng nhiễm sán dây do thói quen hay ăn thịt tái vì có cảm giác thịt ngọt, ngon.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Không riêng thịt bò mà thịt lợn khi luộc, anh T. thích ăn khi thịt còn giữ lại màu hồng bên trong. Đó là thông tin PGS-TS. Đỗ Trung Dũng, Trưởng khoa Ký sinh Trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương chia sẻ với phóng viên.

Theo bác sĩ, có 2 loại sán dây thường gặp đó là sán dây lợn và sán dây bò. Bệnh nhân bị nhiễm sán dây bò thi thoảng sẽ thấy đốt sán bò ra ngoài qua đường hậu môn hoặc theo phân ra ngoài.

PGS-TS. Đỗ Trung Dũng cho biết, thời gian gần đây, tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ - trực thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương tiếp nhận nhiều bệnh nhân tới khám các bệnh liên quan tới ký sinh trùng dù hiện nay, điều kiện sống, vấn đề vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường đã được cải thiện hơn trước đây khá nhiều.

Bệnh sán dây trưởng thành phân bố rải rác nhiều nơi trên toàn quốc, tỷ lệ nhiễm dao động từ 0,5-12%; trong đó, tỷ lệ nhiễm sán dây bò là chủ yếu chiếm 70-80%, sán dây lợn chiếm tỷ lệ thấp 10-20%.

Sán dây thường dài từ 2 - 4 mét, có khi tới 8 - 10 mét. Trong số những người đến khám bệnh, có khoảng 20% - 30% bệnh nhân bị các bệnh giun sán như sán lá gan, sán dây lợn, sán dây bò.

Sán dây trưởng thành ký sinh trong cơ thể người sẽ phát triển dần bằng cách nẩy chồi, sinh đốt mới từ cổ, tạo ra hàng nghìn đốt sán mới.

Những con sán này sống nhiều năm trong cơ thể người và có thể tồn tại lên tới 25 năm. Chiều dài của sán dây bò trưởng thành lên tới 4 - 12 mét. Mỗi đốt già khi rụng ra ngoài có khoảng 50.000 trứng sán bên trong.

Theo PGS-TS. Đỗ Trung Dũng, nguyên nhân khiến nhiều người nhiễm sán là do không bỏ được thói quen thích ăn thực phẩm tái, sống, chưa được nấu chín. Những người nhiễm sán dây bò là do thói quen ăn thịt bò có nhiễm nang sán chưa được nấu chín.

Ăn lẩu bò hoặc phở bò, nước lẩu không đủ sôi, thịt chưa chín kỹ cũng sẽ là nguyên nhân dẫn tới sán vào cơ thể. Các món bò tái cuốn lá cải, bò tái chanh… đều không tiêu diệt được sán bởi nước chanh sẽ không giúp diệt ấu trùng sán bên trong thịt.

Người ăn thịt trâu, bò có nang ấu trùng sán dây bò chưa được nấu chín, còn tái hoặc sống thì nang ấu trùng vào ruột người, dưới tác dụng của dịch vị, dịch ruột, ấu trùng sẽ thoát ra khỏi nang sán và phát triển thành con trưởng thành, nhờ có 4 giác miệng trên đầu, sán bám vào niêm mạc ruột thường ở phần trên hỗng tràng.

Tại đây sán hút các chất bổ dưỡng từ ruột và phát triển, chúng tồn tại lâu dài vì thân sán có khả năng đề kháng với các men tiêu protein có trong ruột non. Thường thì chỉ có một con sán trong một người, từ khi xâm nhập cần khoảng 3 tháng để phát triển thành con trưởng thành.

Người bệnh nhiễm sán sẽ có triệu chứng như rối loạn tiêu hóa, đau bụng âm ỉ, kéo dài, đường ruột thường xuyên có cảm giác khó chịu, bứt rứt.

PGS-TS. Đỗ Trung Dũng đưa ra khuyến cáo, bệnh sán dây bò là một bệnh rất dễ mắc phải, ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động do thói quen ăn uống và để lại cảm giác ghê sợ, nặng nề, phiền toái khi mắc bệnh.

Để phòng bệnh người dân không ăn thịt bò, thịt trâu sống hoặc tái, không ăn thịt đã nhiễm sán và nên tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nhiem-benh-tu-thoi-quen-an-thit-tai-d195128.html