Nhiều điểm sáng về kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội quý II-2023: Điểm tựa hóa giải thách thức

Thông tin tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội quý II-2023 do UBND thành phố Hà Nội tổ chức vào chiều 30-6 cho thấy có nhiều điểm sáng, đặc biệt về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất nhưng chậm triển khai trên địa bàn. Những điểm sáng trên thực sự là điểm tựa để hóa giải những thách thức trong việc hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội cả năm 2023.

Sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai). Ảnh: Viết Thành

Sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai). Ảnh: Viết Thành

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài dẫn đầu cả nước

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vũ Duy Tuấn cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, Hà Nội thu hút được 2.265 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), dẫn đầu cả nước và vượt kết quả năm 2022. Cùng với đó, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục phát triển với 15.618 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 5% so với cùng kỳ.

6 tháng đầu năm, cân đối thu - chi ngân sách thành phố tiếp tục được bảo đảm. Trong đó, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm thực hiện được 220.121 tỷ đồng, đạt 62,4% dự toán, bằng 122,9% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn thành phố tiếp tục được kiểm soát; bình quân

6 tháng đầu năm, CPI tăng 1,22% - thấp hơn cùng kỳ (tăng 3,25%) và đạt mục tiêu đề ra (dưới 4,5%).

Liên quan đến tiến độ đầu tư các dự án, theo Chánh Văn phòng - Người phát ngôn của UBND thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng, trong danh mục đã báo cáo đến nay, thành phố đã tiến hành rà soát đối với 712 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất nhưng chậm triển khai trên địa bàn; đồng thời triển khai thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 8-4-2022 của HĐND thành phố Hà Nội về “Biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Theo đó, thành phố đã tập trung thực hiện theo hai hướng: Tập trung hỗ trợ thủ tục đầu tư cho các dự án đẩy nhanh tiến độ triển khai; kiên quyết thu hồi, dừng các dự án không đủ điều kiện hoặc vi phạm quy định.

Đến nay, thành phố đã có quyết định thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc Sở Kế hoạch và Đầu tư chấm dứt thực hiện dự án đối với 66 dự án; đồng thời đang thực hiện thủ tục tương tự đối với 60 dự án khác, dự kiến có quyết định trong tháng 7-2023. Cùng với các dự án đã được giao cho các quận, huyện, sở ngành theo dõi, đôn đốc triển khai trước đó, đến nay, 419/712 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai đã được thành phố xử lý.

Nỗ lực hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 7%

Dù có những điểm sáng đáng chú ý, giúp tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố được duy trì, tăng 5,97% trong 6 tháng đầu năm, tuy nhiên, theo ông Vũ Duy Tuấn mức tăng này thấp hơn cùng kỳ và thấp hơn kịch bản đầu năm. Dù vậy, đây là mức tăng khá trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng kép từ sự mất cân đối cung - cầu do xung đột Nga - Ukraine và từ tác động chính sách thắt chặt tiền tệ của các quốc gia. “Để đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm là 7,0% thì quý III, GRDP thành phố phải tăng từ 7,54% trở lên, quý IV phải tăng từ 8,23% trở lên”, ông Vũ Duy Tuấn cho biết.

Cũng theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, các ngành kinh tế của thành phố duy trì phát triển, tuy nhiên một số lĩnh vực có xu hướng tăng chậm lại. Trong đó, sản xuất công nghiệp, xây dựng duy trì tăng trưởng (3,28%), tuy nhiên mức tăng thấp hơn cùng kỳ năm ngoái (6,31%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,4% (cùng kỳ tăng 13,6%)... Để những lĩnh vực trên có thể tăng trưởng nhanh hơn sẽ cần nỗ lực gấp bội từ các bên liên quan, qua đó đóng góp chung vào hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của thành phố.

Liên quan đến các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, thành phố cũng khẳng định sẽ xử lý dứt điểm trong năm 2023. “Đồng chí Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo, sau này sẽ công khai toàn bộ danh mục các dự án này đến cấp xã để người dân theo dõi, giám sát. Thời gian tới, thành phố sẽ thực hiện thường xuyên, liên tục việc rà soát, kiểm tra, giám sát, xử lý các dự án có sử dụng đất chậm triển khai để bảo đảm hiệu quả sử dụng đất, thúc đẩy công tác đầu tư xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố” - ông Trương Việt Dũng nói thêm.

Cũng tại họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý II-2023 vào chiều 30-6 do UBND thành phố Hà Nội tổ chức, Người phát ngôn của UBND thành phố Trương Việt Dũng, Phó Giám đốc Sở Tài chính Trần Thanh Tâm đã trao đổi về quá trình xây dựng tờ trình điều chỉnh giá nước sinh hoạt. Trong đó nêu rõ, phương án điều chỉnh đã được tính toán kỹ, xử lý các vấn đề đặt ra thận trọng và xuất phát từ thực tiễn và các quy định của pháp luật. Về vấn đề cung cấp điện, đại diện Sở Công Thương Hà Nội khẳng định, thời gian tới về cơ bản trên địa bàn Hà Nội sẽ không xảy ra tình trạng cắt điện luân phiên.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nhieu-diem-sang-ve-kinh-te-xa-hoi-thanh-pho-ha-noi-quy-ii-2023-diem-tua-hoa-giai-thach-thuc-633843.html