Nhiều kiến nghị 'nóng' liên quan đến Quốc lộ 14E

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị Ban Quản lý dự án 4 (Cục Đường bộ Việt Nam) đẩy nhanh tiến độ thi công; đồng thời phối hợp với các sở, ngành và địa phương đôn đốc công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), đảm bảo an toàn giao thông trên toàn tuyến.

Vấn nạn đường xuống cấp, mất an toàn

Ngày 26/9, UBND tỉnh Quảng Nam có buổi làm việc với lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam, Ban Quản lý dự án 4 cùng các sở, ngành và địa phương huyện Thăng Bình, Hiệp Đức và Phước Sơn về tiến độ thi công dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14E.

Theo báo cáo, hội đồng GPMB các huyện đã bàn giao được 62,2/71,38km (đạt 87,11%) cho đơn vị thi công. Toàn tuyến phần lớn chỉ thi công được rãnh dọc, cạp mở rộng nhưng chưa đủ điều kiện để thảm bê tông nhựa. Phạm vi cầu vượt đường sắt tiếp tục gặp khó khăn về GPMB.

Tỉnh Quảng Nam làm việc với Cục Đường bộ Việt Nam, Ban Quản lý dự án 4 cùng các sở, ngành và địa phương huyện Thăng Bình, Hiệp Đức và Phước Sơn về dự án Quốc lộ 14E.

Tỉnh Quảng Nam làm việc với Cục Đường bộ Việt Nam, Ban Quản lý dự án 4 cùng các sở, ngành và địa phương huyện Thăng Bình, Hiệp Đức và Phước Sơn về dự án Quốc lộ 14E.

Một trong những vấn đề làm nóng hội trường chính là việc mặt đường Quốc lộ 14E xuống cấp, mất an toàn giao thông. Theo ông Võ Văn Hùng – Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, công tác GPMB còn nhiều khó khăn, vướng mắc ở một số đoạn nhất định. Điển hình như 50m đường đang bị hư hỏng nặng đã được báo chí phản ánh, địa phương cùng Ban Quản lý dự án 4 đã vận động người dân nhưng chưa được.

“Đoạn đường mà báo chí đăng tải bản thân cũng thấy xót, làm người dân té mãi. Chủ đầu tư phải đồng hành cùng huyện để vận động, sớm giải quyết dứt điểm chứ để vậy nhìn rất phản cảm. Nếu không sớm lắp rãnh hai bên thì nước sẽ không thoát” – ông Hùng chia sẻ.

Lãnh đạo huyện Thăng Bình còn kiến nghị chủ đầu tư thường xuyên tưới nước những đoạn chưa thảm nhựa. Đoạn chuẩn bị thảm nhựa nhưng do mưa không thể thực hiện thì cần có phương án đảm bảo an toàn giao thông. Đơn vị thi công cũng nên rà soát và hỗ trợ giảm độ dốc của hệ thống cống trước nhà dân.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Hoàng Việt - Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức yêu cầu đơn vị thi công triển khai dứt điểm các đoạn đã được bàn giao mặt bằng. Các phát sinh liên quan đến điều chỉnh thiết kế một số điểm cũng phải bàn giao để huyện thực hiện các thủ tục bổ sung.

Đại diện Ban Quản lý dự án 4 ghi nhận những đóng góp của địa phương. Báo chí cũng đã phản ánh đúng thực trạng những điểm hư hỏng, đi lại khó khăn trong thời gian qua.

3 nhóm vấn đề cần tập trung tháo gỡ

Theo ông Quế Hải Trung - Phó Ban Quản lý dự án 4, thời gian hoàn thành dự án không còn nhiều. Do đó, địa phương cần đẩy nhanh GPMB, đặc biệt bàn giao dứt điểm những đoạn nhỏ lẻ, xen kẹp. Tỉnh cũng sớm ban hành hướng dẫn thực hiện thay thế Quyết định số 42/2021/QĐ-UBND các chính sách bồi thường, hỗ trợ, giá đất, vật kiến trúc… sau khi Luật đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.

Quốc lộ 14E đang xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng đến đời sống và giao thông của người dân.

Quốc lộ 14E đang xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng đến đời sống và giao thông của người dân.

Lãnh đạo các sở, ngành cần rà soát, xem xét giá nguồn vật liệu xây dựng như cát, đất, đá… sao cho sát giá bán của các mỏ. Huyện Thăng Bình và Phước Sơn cũng tạo điều kiện để đơn vị thi công đổ vật liệu thừa vào khu vực đã được chấp thuận

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Nam Hưng khẳng định có ba nhóm vấn đề mà các đơn vị cần chú trọng giải quyết gồm: công tác GPMB, an toàn giao thông và giá nguồn vật liệu xây dựng quá cao.

Đối với công tác GPMB, các trường hợp đã duyệt phương án bồi thường thì hoàn thành bàn giao mặt bằng trước 30/10. Nhóm chưa có phương án cần chuẩn bị hồ sơ, đất tái định cư, đối thoại… để bàn giao trước 31/12 trên toàn tuyến. Liên quan đến giá đất nguyên liệu, tỉnh sẽ yêu cầu với các sở, ban, ngành và địa phương rà soát, tháo gỡ. Ban Quản lý dự án 4 cần chủ động làm việc, tìm phương án.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam nhắc các chủ đầu tư, địa phương và đơn vị thi công cần ngồi lại với nhau khoảng hai tuần một lần. Qua đó có thể rà soát những khó khăn, vướng mắc của dự án cũng như khắc phục những sự cố về mất an toàn giao thông.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng - Phó Cục Trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết Quốc lộ 14E không có quá nhiều nhà dân hai bên đường, chủ yếu cổng, hàng rào, đất vườn. Hiện nhiều đoạn đã đủ điều kiện và chiều dài để thi công thảm nhựa nhưng lại vướng một vài hộ dân nhỏ lẻ. Chính quyền cần tập trung tuyên truyền, vận động người dân để sớm bàn giao.

Tiến độ dự án Quốc lộ 14E đang rất chậm. Nguyên nhân chủ yếu liên quan đến công tác GPMB và thời tiết đang bước vào mùa mưa nên khó triển khai.

Tiến độ dự án Quốc lộ 14E đang rất chậm. Nguyên nhân chủ yếu liên quan đến công tác GPMB và thời tiết đang bước vào mùa mưa nên khó triển khai.

Trường hợp đã hoàn thiện hồ sơ, đối thoại với người dân, thanh tra rà soát… mà vẫn không chấp thuận bàn giao mặt bằng thì tiến hành cưỡng chế. Chủ đầu tư sẽ yêu cầu nhà thầu tập trung mọi nhân lực, máy móc, thời gian nghỉ để triển khai thi công ngày đêm cho đúng tiến độ. Riêng cầu vượt đường sắt cần xác định rõ ràng các phương án để thực hiện giải phóng mặt bằng. Chậm nhất tháng 12/2024 địa phương phải bàn giao đủ mặt bẳng để thi công.

“Quốc lộ 14E nhận được sự ưu tiên và quan tâm lớn trong việc đầu tư nguồn vốn để thực hiện. Do đó, tỉnh phải tận dụng cơ hội nhằm thực hiện một cách chất lượng, đảm bảo tiến độ và khai thác hiệu quả” – ông Thắng chia sẻ.

Quang Hải - Tấn Việt

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nhieu-kien-nghi-nong-lien-quan-den-quoc-lo-14e.html