Nhiều người nhầm lẫn giữa 'anh hùng văn hóa' và 'anh hùng dân tộc'
Tham luận của tác giả Tuệ Lâm - TS Bùi Thế Quân nêu thực tế: Hiện nay có nhiều người còn nhầm lẫn giữa 'anh hùng văn hóa' và 'anh hùng dân tộc'.
Ngày 14-12, Cục Di sản (Bộ VH-TT&DL) đã tổ chức Hội thảo 65 năm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh Luật Di sản văn hóa vừa được Quốc hội thông qua vào đúng ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23-11.
Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Đạo Cương điểm lại những văn bản đầu tiên về bảo vệ di sản văn hóa, từ đó ông khẳng định: "Công tác thể chế và nhận thức về bảo tồn di sản văn hóa ngày càng được nâng cao, phát triển.
“Quá trình này đã củng cố niềm tin vững chắc và cũng giao phó cho chúng ta trách nhiệm gìn giữ bản sắc văn hóa để góp phần phát triển bền vững đất nước trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” - Thứ trưởng Cương nói.
Bên cạnh việc ghi nhận và biểu dương những thành tích mà ngành di sản văn hóa đã đạt được, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đề nghị toàn ngành phải tháo gỡ các rào cản chính sách, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Đồng thời, các đơn vị cần khuyến khích sự tham gia tích cực của xã hội, tạo động lực phát huy sức mạnh mềm, nội sinh của văn hóa để phát triển kinh tế - xã hội.
Tại hội nghị, bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, cho biết hiện nay, trên cả nước có hơn 40.000 di tích và khoảng gần 70.000 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê.
Trong đó, có 34 di sản được UNESCO ghi danh, gồm: 8 Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 16 Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh; 10 Di sản tư liệu được Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO ghi danh.
Theo bà Hiền, di sản văn hóa đã và đang đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương và vào sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, thách thức cần chúng ta nhận diện và cùng vượt qua.
"Cơ chế chính sách cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa cần hoàn thiện; nhận thức xã hội về di sản văn hóa cần được nâng cao hơn nữa để thật sự đồng đều, sâu sắc và toàn diện, nhất là trong việc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển" - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền nói.
Đồng thời, bà Hiền đánh giá nguồn kinh phí đầu tư cho cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa cần được tăng cường để đáp ứng nhu cầu thực tế.
Còn nhầm lẫn giữa "anh hùng văn hóa" và "anh hùng dân tộc"
Hội thảo cũng lắng nghe ý kiến trao đổi của nhiều chuyên gia, nhà quản lý liên quan đến công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Tham luận của PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam nêu ý kiến: Hoạt động khảo cổ của hệ thống cơ quan nghiên cứu khảo cổ học nhà nước hiện nay thiếu trầm trọng kinh phí khảo sát, khai quật, chữa cháy, chỉnh lý, phân tích mẫu, mua sắm thiếu trang thiết bị hiện đại, công bố, thiếu kinh phí bảo tồn di sản khảo cổ học.
Tham luận của tác giả Tuệ Lâm - TS Bùi Thế Quân thì đặt vấn đề: Hiện có nhiều người còn lầm lẫn giữa "anh hùng văn hóa" và"anh hùng dân tộc". Cho nên, nhìn vào những huyền thoại và truyền thuyết đôi khi còn bị mù mờ trong nhận thức.
Hai vị tác giả cho rằng để phân định, đòi hỏi chúng ta nên tạm hiểu anh hùng dân tộc là những người thực bằng xương bằng thịt nhưng có công lớn trong việc dựng nước và giữ nước.
Còn anh hùng văn hóa là những vị thánh thần được sinh ra bởi tư duy liên tưởng của cộng đồng ở thời nguyên thủy (ít nhất ở thời chưa có sử thành văn) và được đắp da đắp thịt bởi chính những sự kiện lịch sử xã hội của các thời kỳ sau (có khi cách nhau nhiều thế kỷ).
Hội thảo cũng lắng nghe và nhận được tham luận đề cập đến các vấn đề như hoạt động quản lý về di tích; chính sách về văn hóa và di sản văn hóa…