Nhiều nước dùng 'Cảnh sát điện tử'
Từ năm 2019, Trung Quốc đẩy mạnh triển khai mạng lưới camera AI (trí tuệ nhân tạo) có thể nhận dạng khuôn mặt để xử lý hành vi phạm luật giao thông, chống tội phạm và các hành vi vi phạm khác.
Công nghệ nhận dạng khuôn mặt giúp xác định khuôn mặt của người điều khiển xe và thông tin chi tiết về phương tiện dựa trên cơ sở dữ liệu có sẵn, giúp xác minh danh tính của người vi phạm nhanh hơn và cải thiện độ chính xác của việc quản lý vi phạm giao thông.
Cty AI Intellifusion, trụ sở tại Thâm Quyến, cung cấp công nghệ quét khuôn mặt cho cảnh sát giao thông của thành phố kể từ năm 2018, giúp phát hiện hàng trăm ngàn xe vi phạm mỗi năm.
Tại thành phố Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc, cảnh sát địa phương hợp tác với hãng khởi nghiệp AI Gosunyun Robot để giới thiệu robot hỗ trợ điều tiết giao thông và hướng dẫn người lái xe. Ở thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô, thiết bị AI gắn ở các ngã tư có công nghệ nhận diện người đi bộ, dùng loa phát cảnh báo trong 1 giây khi phát hiện vi phạm, giúp giảm mạnh tai nạn giao thông.
Tại các vùng nông thôn ở Tứ Xuyên, hệ thống camera AI giám sát hành vi không đội mũ bảo hiểm, đi sai chiều, chở quá tải, sau đó lập tức gửi thông tin đến người vi phạm.
Không chỉ dùng camera AI, thiết bị không người lái (drone) được triển khai ở một số nơi để phát hiện những hành vi như sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện, vượt đèn đỏ… ở những khu vực camera cố định không quan sát được. Robot giám sát làm nhiệm vụ ghi hình và tự xử phạt vi phạm giao thông trên xe buýt, taxi…
Hãng Alibaba phát triển hệ thống “City Brain” sử dụng AI và IoT (internet vạn vật) để cân chỉnh đèn tín hiệu, nhận diện tai nạn và đỗ xe sai quy định, cải thiện luồng giao thông. Hệ thống này được sử dụng tại nhiều thành phố như Hàng Châu, Tứ Xuyên, Vô Tích.
Trung Quốc hiện có khoảng 700 triệu camera “Skynet” với khả năng “quét” toàn bộ dân số trong 1 giây, tích hợp với dữ liệu đi lại và hình ảnh vi phạm, kể cả vứt rác qua cửa xe. Những vi phạm như vượt đèn đỏ, đi sai, có thể bị phạt ngay lập tức, biên lai được gửi qua WeChat.

Một camera giám sát của hệ thống Camera AI do Cục CSGT quản lý.
Hệ thống camera AI không chỉ tăng hiệu quả thực thi luật mà còn có tác dụng ăn đe, giảm tai nạn ở các điểm nóng. Tuy vậy, chính sách này cũng gây lo ngại về quyền riêng tư vì hệ thống nhận dạng hiện diện khắp nơi và liên kết với hệ thống chấm điểm công dân (social credit).
Từ tháng 6/2023, thủ đô Bangkok của Thái Lan sử dụng camera AI tại 8 điểm để phát hiện vi phạm của xe máy đi trên vỉa hè, đỗ sai nơi quy định. Hệ thống này dự kiến sẽ mở rộng lên 100 điểm và tích hợp điều khiển đèn giao thông.
Cty Acusensus (Úc) phát triển camera AI có khả năng phát hiện người lái sử dụng điện thoại, uống rượu/ma túy. Công nghệ này được triển khai ở bang New South Wales của Úc từ năm 2019, giúp giảm 20% tỷ lệ tử vong và tỷ lệ sử dụng điện thoại giảm chỉ còn 0,2%.
Tại Anh, các camera AI tương tự được thử nghiệm ở nhiều khu vực để phát hiện lỗi dùng điện thoại, thắt dây an toàn, và phát hiện tài xế say xỉn. Tại Israel, hệ thống camera AI do Israel Aerospace phát triển và thử nghiệm từ 2023, có thể tự động xử phạt các lỗi như vượt tốc, sử dụng điện thoại khi lái, không nhường đường, vi phạm vạch sơn…
Camera AI cũng đã được lắp đặt tại một số thành phố của Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan, Malaysia, Kuwait, Mỹ…
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhieu-nuoc-dung-canh-sat-dien-tu-post1761500.tpo