Nhiều 'phim ngắn' trên mạng có nội dung phản cảm

Sở VHTT TP Hồ Chí Minh vừa có phản hồi về tình trạng nhiều video xây dựng dưới dạng 'phim ngắn' đăng tải trên các nền tảng mạng như facebook, youtube, có nội dung phản cảm.

Theo đó, trên một số kênh sản xuất điển hình trên Facebook như SV Phim Ngắn, SMV,… thời gian qua đăng tải những video xây dựng dưới dạng “phim ngắn” về các vấn đề ngoại tình, đánh ghen, tệ nạn xã hội, bôi nhọ người khác,… để câu views, câu tương tác.

Điều đáng nói là những nội dung xây dựng kịch bản có các tiêu đề, cách diễn xuất bị nhiều người xem để lại bình luận là "nhảm nhí", phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục.

Điển hình trong một “phim ngắn” đăng tải ngày 26/9 mô tả tình huống một cô gái bị 2 thanh niên truy đuổi.

Cô này được 1 thanh niên khác giúp lẩn trốn. Thế nhưng, thay vì trốn vào nơi kín đáo thì nhóm này xây dựng tình huống bằng cách cho cô gái (ăn mặc rất hở hang) quỳ trên bàn, dùng mảnh khăn trắng đắp lên lưng, và đặt bình bông trên lưng cô. Kế bên là một chiếc bàn khác bày trái cây...

Vì thế khi hai thanh niên đi qua, đã không nhận ra cô gái đang trốn ngay trước mặt dù cách cải trang vô cùng hớ hênh, thậm chí vô lý… Tương tự, một số tình huống khác cũng rất buồn cười. Các diễn viên nữ ăn mặc hở hang dù tình huống không bắt buộc phải mặc như thế…

Các phim ngắn có độ dài trên dưới 10 phút.

Những bình luận từ cộng đồng mạng cho thấy sự bức xúc, phẫn nộ. Vì nội dung các video được nhóm sản xuất cho là “phim ngắn” này đang xem thường khán giả. Thế nhưng, khi chiếu công khai trên các nền tảng trực tuyến, bất cứ ai cũng có thể xem, không loại trừ cả trẻ em.

Trước nội dung này, chiều ngày 26/9, Sở VHTT TP Hồ Chí Minh cho biết, căn cứ Điều 8 Nghị định 144 “Hình thức tổ chức biểu diễn nghệ thuật”, tại Khoản 4: “Tổ chức biểu diễn nghệ thuật không trực tiếp trước công chúng được đăng tải trên hệ thống phát thanh, truyền hình và môi trường mạng do người đăng, phát chịu trách nhiệm”.

Do đó, các tổ chức cá nhân đăng tải các video trên không gian mạng phải chịu trách nhiệm về nội dung cũng như phải có trách nhiệm ghi chú giới hạn độ tuổi người xem.

“Vừa qua Sở VHTT cũng đã phối hợp với các cơ quan có liên quan làm việc, kiến nghị xử lý một số trường hợp cụ thể theo phản ảnh của báo chí, người dân.

Đồng thời, Sở cũng đã thường xuyên phổ biến quy định pháp luật, quy tắc ứng xử của người hoạt động nghệ thuật, định hướng cho các tổ chức, cá nhân hoạt động biểu diễn nghệ thuật theo thẩm quyền.

Tuy nhiên, với sự phức tạp trên môi trường mạng, để xử lý một cách triệt để những vấn đề như báo chí phản ánh thì cần có sự phối hợp đồng bộ của nhiều bộ ngành từ cấp trung ương đến địa phương, hệ thống pháp luật được hoàn thiện tăng tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý”, Sở VHTT phản hồi.

Sở VHTT TP Hồ Chí Minh cũng cho biết đã ký kết liên tịch với một số sở, ngành trên địa bàn Thành phố để phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực phụ trách, đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục kiến nghị một số vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách mà xã hội đang quan tâm.

Anh Huy/baovanhoa

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nhieu-phim-ngan-tren-mang-co-noi-dung-phan-cam.html