Nhiều phương án ứng phó với thiên tai ở Triệu Phong

Huyện Triệu Phong có hệ thống sông, hồ tương đối lớn, trong đó có các sông Thạch Hãn, Vĩnh Định, Vĩnh Phước hằng năm đến mùa mưa lũ nước từ thượng nguồn đổ về mạnh gây ngập lụt nhiều địa phương. Năm 2020, lũ lụt làm 1 người chết, 10 người bị thương, hơn 1.600 tấn lúa, gạo bị hư hỏng, 330.000 con gia cầm, 1.586 con lợn bị chết, hàng trăm héc ta tôm bị thiệt hại, hàng chục cây số đường, 16,2 km kênh mương, 10 trạm bơm, 593m đê kè và gần 10 km bờ sông bị sạt lở, hư hỏng, tổng giá trị tài sản thiệt hại trên 280 tỉ đồng. Bên cạnh đó, hơn 220 ha đất sản xuất nông nghiệp bị đất cát bồi lấp ảnh hưởng lớn đến sản xuất của người dân.

 Người dân xã Triệu Phước tham gia diễn tập phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2021 - Ảnh: X.V

Người dân xã Triệu Phước tham gia diễn tập phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2021 - Ảnh: X.V

Nhằm giúp người dân trong tỉnh nói chung và huyện Triệu Phong nói riêng làm tốt công tác phòng chống lụt bão (PCLB), mới đây, Ban Chỉ đạo diễn tập PCLB và TKCN tỉnh chọn xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong tổ chức diễn tập PCLB và TKCN năm 2021. Cuộc diễn tập còn có hàng chục hộ dân xã Triệu Phước tham gia. Với tình huống giả định cơn bão số 7 có cường độ mạnh, giật cấp 11- 12 đang đổ bộ vào các tỉnh miền Trung gây mưa lớn đe dọa cuộc sống và tính mạng của người dân. Trong đó, hoàn lưu của bão gây mưa lớn trên diện rộng và nguy cơ ngập lụt tại vùng thấp trũng, vùng ven sông rất lớn. Trước tình hình đó, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Triệu Phong tiến hành họp khẩn triển khai biện pháp xử lý tình huống lụt, bão phức tạp và TKCN.

Cuộc diễn tập tiến hành thực binh với 3 vấn đề huấn luyện gồm thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, chằng chống nhà cửa và sơ tán người dân đến nơi an toàn; ứng cứu sập đổ công trình và TKCN đối với hộ dân có sự cố sập đổ nhà; triển khai hạ thủy ca nô, TKCN trên sông và khắc phục hậu quả. Đặc biệt, hình huống giả định là 20 hộ dân thôn Bắc Phước, xã Triệu Phước bị sập đổ nhà cửa, các đơn vị kịp thời nắm bắt thông tin, TKCN, dựng lán quân y để hỗ trợ người dân. Để công tác TKCN hiệu quả, lực lượng chức năng huy động nhân lực, vật lực, trang thiết bị máy móc hiện đại và nỗ lực tìm kiếm cứu người dân còn bị kẹt trong đống đổ nát ra khỏi vùng nguy hiểm.

Tình huống tiếp theo là sau khi đổ bộ vào đất liền, bão số 7 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và gây mưa lớn khiến mực nước sông Thạch Hãn tăng cao và xảy ra ngập lụt. Tại thôn Bắc Phước, có 30 - 40 hộ ở sâu trong nước lũ, trong đó có cả người già, trẻ em. Trước tình hình đó, lực lượng chức năng hạ thủy 2 ca nô thực hiện nhiệm vụ TKCN, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc men cho người dân trong khu vực bị ngập lụt. Đồng thời điều động 2 thuyền máy, 2 thuyền chèo tay ứng cứu người dân trong vùng ngập sâu. Huy động toàn bộ thuyền bè của người dân làm nghề trên sông tham gia cứu hộ, cứu nạn. Thông qua cuộc diễn tập không chỉ giúp cán bộ phụ trách công tác PCTT và TKCN các cấp huyện Triệu Phong nắm chắc cách xử lý các tình huống bão lũ mà còn giúp người dân kiến thức, kỹ năng ứng phó với bão lụt.

Cùng với tham gia công tác diễn tập PCLB và TKCN, thời gian qua, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Triệu Phong xây dựng nhiều phương án, biện pháp ứng phó với thiên tai. Theo đó, các địa phương tính toán việc sơ tán dân ở các vùng nguy hiểm và tổ chức cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp khi có bão, lũ lớn cũng như chuẩn bị lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nước uống, dầu thắp đủ dùng ít nhất 10- 15 ngày đề phòng trường hợp địa bàn bị chia cắt do lũ. UBND huyện Triệu Phong thành lập đội xung kích 30 người được trang bị đầy đủ áo phao, loa cầm tay để thực hiện nhiệm vụ. Các đơn vị liên quan tổ chức lực lượng xung kích, ứng cứu người dân và bảo vệ các công trình trọng điểm, hạn chế thiệt hại khi có lũ lớn.

Sử dụng có hiệu quả thuyền máy, thuyền chèo của các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho địa phương năm 2020 vào công tác PCLB năm 2021. Mỗi xã, thị trấn chọn 20 người, mỗi thôn, tiểu khu 10 người có đủ sức khỏe và bơi lội giỏi được trang bị đầy đủ áo phao, phao cứu sinh, loa cầm tay kịp thời ứng cứu tính mạng, tài sản của người dân. Các xã ven biển và cửa lạch phối hợp với đồn biên phòng đóng trên địa bàn huyện và ngành chức năng thông báo kịp thời diễn biến của bão, áp thấp và phạm vi ảnh hưởng cho tàu thuyền chủ động về nơi trú ẩn an toàn, kiên quyết không cho tàu thuyền ra khơi khi có tin bão gần, bão xa nhưng có khả năng ảnh hưởng.

Cùng với đó, các cơ quan, ban, ngành cấp huyện, UBND xã, thị trấn, HTX trực 24/24 giờ để xử lý các tình huống bão lũ. Đồng thời triển khai phương án PCTT của đơn vị mình, đặc biệt là biện pháp phòng, chống bão trong dân để tránh tốc mái, tung cửa, đổ nhà, chằng chống bảo vệ công trình của tập thể và nhà nước cũng như có kế hoạch khắc phục hậu quả và xử lý môi trường sau khi bão lũ xảy ra…

Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là nhiều đoạn bờ sông Vĩnh Định, sông Thạch Hãn đã bị sạt lở do ảnh hưởng của bão số 5 vừa qua và còn có nguy cơ sạt lở tiếp khi có lũ lớn xảy ra ảnh hưởng cuộc sống của người dân. Bên cạnh đó, nhiều dự án đường giao thông vẫn chưa hoàn thiện trước mùa mưa bão rất dễ xảy ra xói mòn, bong tróc gây khó khăn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông. Mới đây, lãnh đạo UBND huyện Triệu Phong đã có chuyến thị sát các điểm sạt lở bờ sông và đường giao thông bị hư hỏng để đưa ra giải pháp xử lý.

Trước mắt, đối với các tuyến kè, cầu, đường giao thông bị xói lở bố trí lực lượng canh gác, giăng dây và lắp đặt tín hiệu cảnh báo nguy hiểm giao thông, thông báo tình trạng sạt lở đến với người dân; yêu cầu các địa phương triển khai khắc phục tạm thời hư hỏng các công trình giao thông để đảm bảo lưu thông đi lại; kiểm tra, rà soát các khu vực sạt lở bờ sông và chủ động triển khai di dời dân tại các khu vực có nguy cơ mất an toàn, gia cố tạm thời để hạn chế sạt lở, theo dõi thường xuyên tình hình sạt lở để có biện pháp ứng phó hiệu quả…

Xuân Vinh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=161714&title=nhieu-phuong-an-ung-pho-voi-thien-tai-o-trieu-phong